Nét vẽ tiêu biểu về bức tranh nông thôn

Bài thơ 'Lũy tre' của nhà thơ Nguyễn Công Dương đã khắc họa những nét tiêu biểu của bức tranh nông thôn, đi vào miền nhớ của biết bao người.

LŨY TRE
Mỗi sớm mai thức dậy,
Lũy tre xanh rì rào,
Ngọn tre cong gọng vó
Kéo mặt trời lên cao.
Những trưa đồng đầy nắng,
Trâu nằm nhai bóng râm
Tre bần thần nhớ gió
Chợt về đầy tiếng chim.
Mặt trời xuống núi ngủ
Tre nâng vầng trăng lên
Sao, sao treo đầy cành
Suốt đêm dài thắp sáng.
Bỗng gà lên tiếng gáy
Xôn xao ngoài lũy tre
Đêm chuyển dần về sáng
Mầm măng đợi nắng về.

NGUYỄN CÔNG DƯƠNG

Bài thơ "Lũy tre" của nhà thơ Nguyễn Công Dương được đưa vào sách giáo khoa cách nay đã mấy chục năm. Đây là một tác phẩm thơ viết cho thiếu nhi khá đặc sắc. Đặc sắc trong cấu tứ theo một trình tự logic hợp lý, trong cách chọn lựa hình ảnh tiêu biểu cho mỗi quãng thời gian trong ngày. Và đặc sắc ngay trong cách dùng câu, chữ hết sức linh hoạt, sống động.

Chỉ tả về hình ảnh của lũy tre xanh bình dị ở nông thôn trong vòng tuần hoàn giữa ngày và đêm, song dưới con mắt của nhà thơ (mà lúc này đã hóa thân thành một bạn nhỏ) lũy tre xanh không chỉ đơn thuần là thiên nhiên vô tâm vô tính nữa. Nó đã được nhân cách hóa, đã mang tâm tính của con người biết vui buồn, biết nhớ nhung và có những hành động tinh tế phù hợp trong mỗi hoàn cảnh.

Nói “ngọn tre cong gọng vó” thì đã là một cách ví von rất giàu hình tượng. Đặc biệt lại có thêm động từ “kéo mặt trời lên cao” được bổ trợ ở câu dưới thì chắc là khó có hình ảnh so sánh nào đắt hơn. Câu thơ gợi cho người đọc hình dung thật rõ nét công việc lao động thường ngày của người dân nông thôn với động tác cất vó, kéo vó vốn rất tự nhiên mà cũng rất thơ lại giàu tính hội họa.

Khổ thơ thứ hai tả về bức tranh buổi trưa ở nông thôn hết sức êm ả, im lắng. Sau một buổi sáng lao động cật lực cả người cả vật đều đang trong những phút giây nghỉ ngơi, tạm quên đi bao mệt nhọc. Đồng đầy nắng không một bóng người, trâu nằm nhai bóng râm dưới lũy tre trùm mát. Và, hình như gió cũng trốn ngủ nơi nào? “Tre bần thần nhớ gió” là phải quá còn gì. Gió với tre, tre với gió lúc nào chả như đôi bạn thân, lúc nào chả bên nhau. Bạn gió đi vắng. Nếu không có đàn chim chợt bay về khuấy động buổi trưa tĩnh mịch hẳn là tre buồn lắm đấy, gió ơi!

“Mặt trời xuống núi ngủ/ Tre nâng vầng trăng lên”. Hai câu thơ như cặp vế đối khá chỉnh cả về hình ảnh cũng như các dấu thanh, một lần nữa cho thấy sự dụng công của tác giả. Nếu ở thời gian buổi sáng, tre thể hiện cho sự dứt khoát, mạnh mẽ “kéo mặt trời lên cao” thì vào thời khắc của buổi chiều tối, nó lại mang đến cái cảm giác hết sức êm đềm, nhẹ nhàng “tre nâng vầng trăng lên”. Giả sử thay đổi vị trí của hai chữ “kéo” và “nâng” trong hai câu trên thì chắc chắn chất thơ sẽ giảm đi rất nhiều. Hình ảnh “sao, sao treo đầy cành” cũng là một hình ảnh đẹp, lung linh, vừa thực vừa ảo, tạo cho bạn đọc nhỏ tuổi cảm giác băn khoăn: Hình như lũy tre chỉ chợp mắt được một chút vào cái thời khắc “đêm chuyển dần về sáng” thì phải? Còn suốt cả đêm nó không ngủ, mải mê giúp các bạn sao treo những chiếc đèn xinh xinh, nhấp nháy thắp sáng cho màn đêm.

“Bỗng gà lên tiếng gáy/ Xôn xao ngoài lũy tre/ Đêm chuyển dần về sáng/ Mầm măng đợi nắng về”. Đợi nắng của một ngày mới lên lúc này là những mầm măng đang vươn thẳng như biểu tượng cho một sức sống mới hết sức khỏe khoắn. Tre già thì măng mọc. Ngày mai kia mầm măng lại sẽ lớn thành tre xanh, lại rì rào hát ca, lại cần mẫn ngày đêm giúp ích cho đời.

Bài thơ kết thúc song hình ảnh “mầm măng đợi nắng về” đã giúp thi phẩm có thêm độ mở, vượt ra khỏi lũy tre làng. Ngỡ chỉ nói về lũy tre, tả về lũy tre bình dị, bài thơ "Lũy tre" của nhà thơ Nguyễn Công Dương đã ít nhiều khắc họa được những nét tiêu biểu cho bức tranh của nông thôn, chuyển tải được những bài học về lao động, về sự tiếp bước đi lên cho các bạn nhỏ một cách rất nhẹ nhàng và lý thú.

ĐẶNG TOÁN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/net-ve-tieu-bieu-ve-buc-tranh-nong-thon-361693.html