Nếu áp dụng chữ ký số trong giao dịch ngân hàng, người dân tốn thêm gần 1 triệu đồng/năm

Quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy trong giao dịch ngân hàng sẽ phát sinh chi phí lớn, rủi ro không cần thiết cho ngân hàng, doanh nghiệp, người dân.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông góp ý dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.

Theo đó, dự thảo nghị định này có quy định khi Luật Giao dịch điện tử 2023 có hiệu lực người dân và doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng trên môi trường điện tử phải mua chữ ký số của các tổ chức cung cấp chữ ký số công cộng để thực hiện các giao dịch với tổ chức tín dụng như: Nhận tiền gửi, tiền tiết kiệm, cấp tín dụng, giao dịch ngoại tệ,... Tuy nhiên, VNBA cho rằng, quy định trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

VNBA cho biết, người dân và doanh nghiệp sẽ là người phải thanh toán số tiền phát sinh từ việc cấp, duy trì hiệu lực chữ ký điện tử. Đáng chú ý, số tiền này sẽ vô cùng lớn, lên tới hàng nghìn, hoặc thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng/ngân hàng. “Do đó, khi thực hiện người dân và doanh nghiệp phản ứng, dư luận xã hội lên tiếng bởi trước khi có quy định này họ không phải mất chi phí, nhất là trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp và thu nhập của người dân còn gặp nhiều khó khăn” - văn bản của VNBA nêu.

Hiệp hội này cũng trích dẫn báo cáo của một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cho biết, đến thời điểm hiện nay, ngân hàng này có 12 triệu khách hàng, thực hiện 6,5 - 7 triệu giao dịch/ngày, cả năm khoảng 2,3 tỷ giao dịch, bình quân 500 giao dịch/giây.

Khi dự thảo nghị định có hiệu lực, với mức chi phí khảo sát qua các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số từ 550.000 - 1.800.000 VND/năm thì chi phí mỗi năm sẽ từ 6.600 - 21.600 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các chi phí liên quan như cơ sở hạ tầng, vận hành hệ thống…

Nếu áp dụng chữ ký số trong giao dịch ngân hàng, người dân tốn thêm gần 1 triệu đồng/năm

Nếu áp dụng chữ ký số trong giao dịch ngân hàng, người dân tốn thêm gần 1 triệu đồng/năm

Còn theo báo cáo của một ngân hàng cổ phần quy mô lớn, với 10,2 triệu khách hàng với 750 triệu giao dịch tài chính/năm, thì chi phí dự kiến để sử dụng chữ ký số sẽ là 8.160 tỷ đồng nếu mua theo năm; 1.875 tỷ đồng nếu mua theo lần và 10 triệu USD phí chuyển đổi.

Theo VNBA, đây là mức chi phí vô cùng lớn nếu tính trên quy mô toàn bộ các tổ chức tín dụng và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng còn cho rằng, quy định mới sẽ khiến ngân hàng tốn thêm nhiều thời gian khi phải để nghị bên cung cấp chữ ký số cung cấp thông tin, chứng từ khi phát sinh khiếu nại, gây phát sinh thêm thủ tục không đáng có.

Ngoài ra, hệ thống bảo mật, xác thực của các bên cung cấp chữ ký số cũng chưa có các đánh giá mức độ tương thích với hệ thống bảo mật, xác thực giao dịch, xác thực của từng ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng cùng một giao dịch khách hàng có thể phải xác thực nhiều lần, giảm trải nghiệm, tăng thời gian giao dịch và cản trở chuyển đổi số.

Đồng thời, việc hoạt động giao dịch của ngân hàng phụ thuộc hoàn toàn vào một hoặc một vài tổ chức thứ ba về cung cấp chữ ký số công cộng gây rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng.

VNBA cho rằng, điều quan ngại khi sử dụng dịch vụ chữ ký số của bên thứ ba là liệu tổ chức này có đảm bảo độ bảo mật, sức tải của hệ thống cấp và ký số… có đảm bảo thông suốt an toàn với số lượng giao dịch vô cùng lớn, hàng tỷ, chục tỷ giao dịch/năm (trung bình 500 giao dịch/giây) hay không.

Cũng theo VNBA, tính ứng dụng của quy định về chữ ký điện tử chuyên dùng không khả thi về mặt thực tiễn nếu phạm vi sử dụng bị hạn chế. VNBA nêu dẫn chứng, các mô hình chữ ký số tiên tiến trên thế giới mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trước đây tại các lần lấy ý kiến góp ý đối với Luật Giao dịch điện tử 2023 và Nghị định hướng dẫn, phần lớn các giao dịch với ngân hàng đều áp dụng với chữ ký số và đều là các chữ ký số được cấp phát bởi chính tổ chức tín dụng, áp dụng cho khách hàng của mình.

“Cũng chính là mô hình chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn đã được chính thống đưa vào Luật Giao dịch điện tử tại Việt Nam. Các chữ ký điện tử được áp dụng trong lĩnh vực ngân hàng, đều là các chữ ký được miễn phí hoặc có mức phí tượng trưng rất thấp để hỗ trợ người dùng” - văn bản nêu.

Tại công văn, Hiệp hội này cũng khẳng định, hoàn toàn đồng tình và ủng hộ hướng tới một xã hội văn minh, mỗi người dân nên có 1 chữ ký số sử dụng cho các giao dịch công ích cũng như kinh doanh, song cần phải xem xét trong bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng dần của người dân, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng chi phí đột biến cho người dân và doanh nghiệp…

Chính vì vậy, Luật Giao dịch điện tử đã mở ra hướng tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn các hình thức, trong đó có chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn. “Khi người dân có mức thu nhập cao hơn, nhận thức và thấy rằng cần thiết phải có 1 chữ ký số cho riêng mình thì tự họ sẽ lựa chọn và quyết định, các qui định dưới luật không nên áp đặt để tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp” - VNBA nêu quan điểm.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/neu-ap-dung-chu-ky-so-trong-giao-dich-ngan-hang-nguoi-dan-ton-them-gan-1-trieu-dongnam-331042.html