Nếu bất động sản tăng giá hơn 20% trong 3 tháng, Nhà nước sẽ vào cuộc
Nghị định mới đã nêu rõ khi giá bất động sản tăng hoặc giảm trên 20% trong 3 tháng, các bộ ngành sẽ phải đề xuất biện pháp điều tiết thị trường.
Theo Nghị định 96/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, các Bộ, ngành, địa phương sẽ đề xuất biện pháp điều tiết thị trường bất động sản khi chỉ số giá giao dịch tăng hoặc giảm trên 20% trong 3 tháng, hoặc khi thị trường có các biến động khác ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.
Các biện pháp điều tiết cụ thể sẽ thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Chẳng hạn, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất các biện pháp liên quan đến chính sách pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản; về chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở, bất động sản; về cơ cấu sản phẩm bất động sản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các biện pháp liên quan đến chính sách pháp luật về đầu tư, đấu thầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các biện pháp liên quan đến chính sách về đất đai. Bộ Tài chính đề xuất các biện pháp liên quan đến chính sách pháp luật về thuế, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Còn Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đề xuất các biện pháp liên quan đến chính sách pháp luật về tín dụng. UBND cấp tỉnh rà soát việc triển khai các dự án của địa phương, doanh nghiệp và đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường trên địa bàn.
Thực tế, thị trường bất động sản từng trải qua nhiều đợt tăng giá bất hợp lý, "sốt đất" diễn ra khắp cả nước trước khi rơi vào khó khăn từ quý II/2022. Trong các đợt "sốt", giá đất có thể tăng 20-30% trong một tháng, có nơi giá đất tăng gấp đôi chỉ trong vòng nửa năm.
Để ngăn chặn các cơn "sốt đất" cục bộ, chính quyền một số địa phương từng phải tuyên truyền, cảnh báo người dân, thậm chí cấm giao dịch.