Nếu biết khai thác, áo dài sẽ đem lại giá trị to lớn
Không đơn thuần là trang phục, áo dài là sản phẩm có giá trị to lớn nếu biết cách khai thác, qua đó giới thiệu, quảng bá văn hóa, con người Việt Nam. Họa sĩ, TS. NGUYỄN THU THỦY, Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, biến áo dài trở thành một sản phẩm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch hoàn toàn khả thi.
Luôn hiện diện trong đời sống
- Thưa TS. Nguyễn Thu Thủy, bà nhìn nhận thế nào về sự hiện diện của áo dài trong đời sống xã hội ngày nay?
- Tôi nghĩ áo dài luôn song hành cùng đời sống người Việt Nam bao lâu nay. Đến bây giờ, nếu hỏi chị em phụ nữ trong tủ có bao nhiêu chiếc áo dài, chắc hẳn nhiều người phải có hơn con số 10. Gần đây, Đại học Quốc gia Hà Nội có hoạt động trao đổi áo dài giữa các chị em, cho những ai không còn mặc vừa nữa có thể đổi với người khác, vì mọi người cùng trân quý chiếc áo dài. Ở các sự kiện, đội ngũ lễ tân luôn sử dụng áo dài để thể hiện sự trân trọng với quan khách. Bản thân tôi thấy rằng việc mặc áo dài khiến mình trang trọng hơn.
Áo dài bây giờ rất đa dạng về hình thức để ứng dụng trong nhiều hoàn cảnh xã hội. Những năm qua, áo dài dành cho nam cũng phát triển phong phú. Rồi ngay trong Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 vừa qua, chúng ta thấy rất nhiều hoạt động như nhảy zumba cùng áo dài, dân vũ với áo dài… Thậm chí, từng có cả các hoạt động thể thao như đạp xe với áo dài, chạy bộ với áo dài…
- Nhưng cũng chính để ứng dụng trong đời sống phong phú, đa dạng như vậy, ngày càng có nhiều kiểu dáng áo dài biến tấu, làm mới. Quan điểm của bà về các sản phẩm đó?
- Áo dài đã có nhiều cách để tôn lên nét đặc biệt, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Như áo dài cách tân mặc với quần âu cũng rất tiện, hoặc có những hình thức mặc áo dài với váy… Những đổi mới đó không làm mất đi giá trị của áo dài Việt Nam.
Về bản chất, di sản không đứng yên mà luôn vận hành theo đời sống. Từ tư duy của người nghiên cứu, tôi cho rằng chúng ta cứ nên cởi mở tiếp nhận cái mới, tiếp nhận thay đổi. Tuy nhiên, phải làm sao cách tiếp cận ấy hài hòa với thuần phong mỹ tục.
Áo dài thực tế rất quyến rũ vì nó bám theo đường cong cơ thể người mặc, nếu phát triển quá mức thì có thể có những yếu tố không phù hợp; cho nên, đổi mới là cần thiết nhưng cũng cần tôn trọng truyền thống.
Sản phẩm du lịch sáng tạo
- Trong bối cảnh Việt Nam chủ trương xây dựng nền công nghiệp văn hóa, theo bà, việc đưa áo dài trở thành sản phẩm du lịch có ý nghĩa ra sao?
- Lợi ích đầu tiên mà chúng ta có được chính là câu chuyện truyền thông, câu chuyện quảng bá văn hóa Việt Nam. Như việc thông qua ẩm thực để giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, áo dài cũng là một hoạt động mang đậm nét bản sắc dân tộc. Nếu biết cách khai thác và lan tỏa, áo dài sẽ đem lại giá trị rất to lớn.
- Để khai thác giá trị to lớn của áo dài, tối ưu hóa tiềm năng kinh tế du lịch, chúng ta cần tạo ra những liên kết như thế nào?
- Để áo dài trở thành thành tố tạo nên các sản phẩm du lịch, chúng ta có rất nhiều cách khai thác. Đầu tiên, gắn kết áo dài với sự kiện là một điểm nhấn mang tính thu hút mọi người, thu hút truyền thông. Điều này có vai trò quan trọng lan tỏa vẻ đẹp của áo dài. Ở góc độ doanh nghiệp cũng có thể khai thác rất nhiều sản phẩm du lịch gắn với áo dài. Ví dụ ở Hà Nội, tại các trung tâm văn hóa phố cổ, các làng nghề, có thể tạo ra hoạt động trưng bày, thông tin về ý nghĩa, lịch sử của áo dài.
Thêm nữa, những chương trình trình diễn trang phục, photo tour… hoàn toàn có thể kết nối để kể câu chuyện áo dài. Du khách có thể trải nghiệm mặc thử trang phục, từ áo truyền thống của người Việt đến áo dài hiện đại, kết nối những địa điểm du lịch có không gian phù hợp với áo dài như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các ngôi nhà trong khu phố cổ Hà Nội…
Ngoài ra, để đáp ứng du khách mong muốn tìm hiểu sâu về văn hóa Việt Nam, có thể đưa ra quy trình trải nghiệm làm áo dài như: nhuộm lụa, trang trí họa tiết, đính hạt cườm lên áo… Thậm chí cá nhân hóa đến mức chụp ảnh của du khách và tạo thành tác phẩm nghệ thuật, in lên áo dài. Làm được như thế thì sản phẩm mang tính cá nhân hóa rất cao, việc du khách sở hữu áo dài không đơn thuần là trang phục, còn là sản phẩm sáng tạo mà họ được cùng tạo ra.
- Nhưng để làm tốt được những việc mà bà vừa nói, quả thực không dễ, nhất là việc kết nối nhiều chủ thể liên quan?
- Tôi cho rằng chúng ta cần tư duy một cách sáng tạo. Bản chất của du lịch sáng tạo là du khách được trải nghiệm sâu, được tìm hiểu nền văn hóa bản địa. Làm du lịch cần bám vào tâm lý đó để đưa ra những sản phẩm hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của áo dài là nếu may bài bản truyền thống sẽ rất lâu. Vì vậy, khi gắn với hoạt động du lịch, chúng ta sẽ phải đặt ra bài toán làm sao để rút ngắn thời gian. Hội An đã làm được việc này, một chiếc áo dài có thể hoàn thành trong vòng 2 - 4 tiếng đồng hồ, đáp ứng nhu cầu của du khách khi họ không có nhiều thời gian lưu trú tại một điểm.
Tất nhiên, đó chỉ là một khía cạnh. Tương lai cần nhìn xa hơn để kết nối, phát triển du lịch gắn với áo dài một cách hiệu quả, bền vững. Trong quá trình kết hợp với Sở Du lịch Hà Nội giảng dạy tại cộng đồng về du lịch làng nghề, chúng tôi luôn cố gắng gợi lên ý tưởng sáng tạo đó để bà con địa phương là người sẽ tư duy việc có thể đưa sản phẩm này vào khai thác trong đời sống và phục vụ hoạt động du lịch như thế nào. Tôi tin rằng sức sáng tạo của cộng đồng sẽ đưa linh hồn của chiếc áo dài lan tỏa không chỉ trong nước mà còn ra quốc tế.
- Xin cảm ơn bà!