Nêu cao tinh thần trách nhiệm góp ý sửa đổi Hiến pháp
Sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng gắn với vận mệnh đất nước, quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Vì vậy, việc lấy và tiếp thu ý kiến của Nhân dân là hết sức cần thiết, được thực hiện rộng rãi, nghiêm túc.

Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức thu hút đông đảo đại biểu tham gia góp ý. Ảnh:THÚY HẰNG
Đồng thuận cao với dự thảo nghị quyết
Tại hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (dự thảo nghị quyết) vừa được Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết dự thảo nghị quyết là một văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, phạm vi sửa đổi tập trung vào 3 nhóm nội dung lớn.
Thứ nhất, sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp nhằm khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị. Mặt trận không chỉ là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị - xã hội, mà còn là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đây là sự ghi nhận có tính pháp lý cao hơn đối với vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữa chính quyền và cộng đồng xã hội.
Thứ hai, về tổ chức chính quyền địa phương và đơn vị hành chính: Dự thảo nghị quyết đề xuất sửa đổi từ mô hình chính quyền 3 cấp (tỉnh - huyện - xã) sang mô hình chính quyền 2 cấp (tỉnh và xã), đồng thời quy định rõ việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025. Đây là một bước đi có tính đột phá về tổ chức bộ máy, góp phần loại bỏ tầng nấc trung gian, giảm trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong quản trị quốc gia. Cùng với đó, các điều khoản liên quan như Điều 110, 111, 112, 114, 115… cũng được sửa đổi để phù hợp với mô hình tổ chức mới, tránh chồng chéo và bảo đảm tính ổn định của hệ thống chính trị tại địa phương.
Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, MTTQ và các tổ chức thành viên phải chú ý đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân được tiếp cận; không để sót bất cứ một nhóm đối tượng, thành phần nào không được góp ý. Việc lấy ý kiến góp ý cần được thực hiện một cách dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân và cần được thực hiện nghiêm túc, thực chất, tránh làm hình thức.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
Thứ ba, sửa đổi các quy định về quyền trình dự án luật, pháp lệnh trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, chỉ còn duy nhất Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được giữ quyền này, thể hiện sự tập trung, thống nhất đầu mối, đồng thời nâng cao vị thế, trách nhiệm của mặt trận trong quá trình xây dựng pháp luật.
Những ngày qua, ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo nghị quyết này trong các tầng lớp nhân dân. Gắn bó nhiều năm với công tác mặt trận, ông Phạm Hiểu, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa chia sẻ về sự quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, thu gọn MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về một mối nhằm hướng tới một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Ông Hiểu cho rằng, mặt trận đại diện cho tiếng nói của Nhân dân, là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Do đó, việc sửa đổi Hiến pháp lần này càng khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam.
Theo ủy ban MTTQ các cấp, đa số ý kiến đồng tình với việc bổ sung một số quy định về vị trí, vai trò của MTTQ; về mối quan hệ và phương thức tổ chức, hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác của mặt trận sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy; đồng thời nêu rõ, các nội dung sửa đổi, bổ sung này sẽ tiếp tục khẳng định vị trí của MTTQ trong hệ thống chính trị, củng cố vai trò của MTTQ trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Trong đó, MTTQ luôn giữ vai trò nòng cốt, là hạt nhân đoàn kết, cùng các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên tổ chức vận động, tập hợp, quy tụ đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung phát biểu, đóng góp ý kiến cụ thể, chi tiết và đưa ra phương án chỉnh lý quy định của Hiến pháp về phân định đơn vị hành chính, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, về trách nhiệm, quyền hạn của đại biểu HĐND…, góp phần bảo đảm chính quyền địa phương thực sự hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Một đại biểu góp ý tại hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa tổ chức. Ảnh: THÚY HẰNG
Bước tiến quan trọng cho sự phát triển
Ông Đỗ Vĩnh Tân, Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Sửa đổi Hiến pháp không chỉ mở đường cho việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, sáp nhập tỉnh hợp lý để phát huy thế mạnh từng vùng, mà còn mang yếu tố hội nhập mạnh mẽ; mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững hơn với các tầm nhìn dài hạn đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
“Tôi thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (về MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương) có liên quan trực tiếp đến thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị lần này”, ông Tân nói.
Lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Yêu cầu hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung về sửa đổi Hiến pháp, qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần trách nhiệm với đất nước, dân tộc trong toàn dân, đưa việc đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Vì vậy, song song với lấy ý kiến góp ý trong hệ thống MTTQ thông qua các hội nghị, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đề nghị các tổ chức thành viên tổ chức đa dạng các hình thức lấy ý kiến, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong đoàn viên, hội viên và trong hệ thống tổ chức mình. Ủy ban MTTQ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, truyền thông rộng rãi bằng các hình thức phù hợp nhằm định hướng tư tưởng, tạo đồng thuận, thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến dự thảo nghị quyết, xem đây là trách nhiệm với đất nước, với dân tộc.
“Tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp báo cáo về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chuyển đến Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiếp thu và hoàn thiện, đảm bảo Hiến pháp sửa đổi thực sự là kết tinh trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của toàn dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, đồng chí Trần Hữu Thế cho biết.