Nêu cao trách nhiệm thảo luận nội dung kỳ họp
ĐBP - Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 10, HÐND tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã thảo luận, xem xét nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2019.
Ðánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm 2019, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những chỉ tiêu chưa đạt và những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành.
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu HÐND tỉnh có ý kiến về việc trồng rừng tập trung không đạt chỉ tiêu kế hoạch giao; đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương thực hiện. Lý giải vấn đề này, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Kế hoạch trồng rừng tập trung không đạt là do không được bố trí vốn. Cụ thể: Năm 2017, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã có Quyết định số 572/QÐ-BKHÐT về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Kế hoạch vốn trung hạn cho kế hoạch trồng rừng khoảng trên 42 tỷ đồng. Song từ năm 2016 đến nay, vốn trồng rừng mới được giao 32,26 tỷ đồng, thiếu 11,743 tỷ đồng so với tổng vốn theo kế hoạch. Riêng năm 2018, toàn tỉnh có 131,78ha rừng trồng đã được nghiệm thu thanh toán với tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng; kinh phí cho hạng mục khoán chăm sóc trồng rừng chuyển tiếp 4,096 tỷ đồng. Ðến nay chưa được bố trí vốn để chi trả cho người dân. Giải quyết vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã 2 lần kiến nghị bằng văn bản đến các bộ, ngành Trung ương xin bổ sung nguồn vốn nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Sở đã đề xuất với Sở Kế hoạch và Ðầu tư phân bổ vốn trồng rừng năm 2018 song Sở Kế hoạch và Ðầu tư trả lời phải đợi kinh phí Trung ương bố trí. Với thực trạng này, kế hoạch trồng rừng năm 2019 các huyện không thể thực hiện. Nếu năm 2019, ngân sách Trung ương không bố trí hoặc địa phương không chủ động được, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến UBND tỉnh điều chỉnh lại kế hoạch giao chỉ tiêu trồng rừng. Những năm tiếp theo nếu vẫn không có kinh phí thì đề nghị UBND tỉnh không giao chỉ tiêu trồng rừng.
Theo báo cáo số 194/BC-UBND của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã tiếp nhận điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine cho 216 bệnh nhân mới; đến nay toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị và 33 điểm cấp phát thuốc cho 2.578 bệnh nhân (tăng 4 điểm cấp phát thuốc so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, thực tế hiệu quả công tác cai nghiện ma túy không cao. Ðại tá Tráng A Tủa, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 9.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Hàng năm tỉnh có kế hoạch cai nghiện bắt buộc cho khoảng 200 người, còn phần lớn cai nghiện tại cộng đồng. Ðiển hình như huyện Ðiện Biên có 2.000 người nghiện ma túy nhưng kế hoạch cai nghiện bắt buộc hàng năm chỉ có 10 người, 130 người cai nghiện tự nguyện. Qua khảo sát thực tế, nhiều người điều trị bằng thuốc Buprenorphine nhưng vẫn sử dụng ma túy nên hiệu quả cai nghiện không cao. Từ đầu năm đến nay, 70% số vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn tỉnh có liên quan đến người nghiện ma túy. Ðặc biệt, 4/5 vụ án giết người nghiêm trọng thủ phạm đều là những người nghiện ma túy. Chính vì vậy, để công tác cai nghiện hiệu quả, đề nghị UBND tỉnh cần giao nhiệm vụ cho 1 cơ quan cụ thể để có những giải pháp căn cơ như: Tăng số lượng cai nghiện bắt buộc hàng năm; cải tạo, nâng cấp các cơ sở cai nghiện tập trung...
Kỳ họp này, đại biểu HÐND tỉnh dành nhiều sự quan tâm Ðề án Sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố không đủ tiêu chuẩn theo quy định tại 2 huyện: Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông. Hiện nay, huyện Ðiện Biên có 465 thôn, bản, đội; trong đó 18 thôn, bản, đội có quy mô số hộ gia đình đạt từ 100% tiêu chí trở lên; 186 thôn, bản, đội có quy mô số hộ gia đình đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chí; 261 thôn, bản, đội có quy mô số hộ gia đình đạt dưới 50% tiêu chí. Theo Ðề án, huyện Ðiện Biên đề nghị sáp nhập 239 thôn, bản, đội để thành lập mới 119 thôn, bản, đội thuộc 20 xã. Nhiều đại biểu băn khoăn việc sáp nhập thôn, bản, đội, tổ dân phố như hiện nay có đảm bảo đúng quy định và tiêu chí? Việc đặt tên các thôn, bản, đội, tổ dân phố sau khi sáp nhập có phù hợp... Ðại biểu Lò Văn Phương, tổ đại biểu huyện Ðiện Biên nêu ý kiến: Các tiêu chí trong việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố đã được các cấp, ngành hướng dẫn, quy định cụ thể đối với các vùng miền. Hiện nay, các huyện đang triển khai thực hiện theo đúng trình tự, điển hình là 2 huyện Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số bản do điều kiện địa lý, phong tục tập quán, dân tộc nên không thể tiến hành sáp nhập hoặc một số bản sau khi sáp nhập vẫn không đảm bảo đủ tiêu chí nhưng vẫn đáp ứng mục tiêu giảm đầu mối các thôn, bản và các bản đồng ý sáp nhập thì vẫn tiến hành sáp nhập. Hiện nay, toàn tỉnh có 2/10 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành Ðề án. Ðề nghị các huyện, thị xã, thành phố còn lại đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án để kịp trình tỉnh xem xét, phê duyệt trong tháng 7/2019.