Nêu cao vai trò xung kích của tuổi trẻ BĐBP trong thực hiện chuyển đổi số ở địa bàn biên giới

Chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để cùng chung tay thực hiện các chương trình, chiến lược về chuyển đổi số và không ngừng nâng cao nhận thức về nhiệm vụ này cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân, tuổi trẻ BĐBP Quảng Bình đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong quá trình đưa chuyển đổi số đến với địa bàn biên giới.

Binh nhất Nguyễn Duy Sỹ hướng dẫn chủ quán tạp hóa cách sử dụng điện thoại để thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Thành Phú

Binh nhất Nguyễn Duy Sỹ hướng dẫn chủ quán tạp hóa cách sử dụng điện thoại để thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Thành Phú

Tiên phong chuyển đổi thói quen

Trung úy Hồ Đức Quý, Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Bình chia sẻ: “Việc đầu tiên chúng tôi xác định, đó là chuyển đổi thói quen trong việc sử dụng tiền mặt bằng phong trào “Thanh toán không dùng tiền mặt” được phát động và triển khai rộng rãi trong toàn thể CBCS, mà tiên phong là lực lượng đoàn viên, thanh niên. Mục đích của phong trào là nâng cao nhận thức trong đoàn viên, thanh niên và tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về chuyển đổi số, sử dụng công nghệ trong việc thanh toán hàng hóa bằng các hình thức điện tử, sau đó, dần chuyển đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”.

Phong trào được phát động đúng vào “Ngày chuyển đối số quốc gia” 10/10/2023 và ngay lập tức đã có tác động tích cực đến toàn bộ các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Từ các phòng, ban khối cơ quan đến những đồn Biên phòng trên 2 tuyến biên giới và đơn vị cơ động, tất cả đều hưởng ứng bằng tinh thần, trách nhiệm cao nhất để phong trào sớm trở thành sức sống mới trong một phần công tác của đơn vị.

Khó khăn lớn vẫn thuộc về các đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền, bởi địa bàn phụ trách đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí phát triển chưa đồng đều. Đặc biệt là trình độ, thao tác trong sử dụng công nghệ, thói quen dùng tiền mặt mỗi khi trao đổi, mua bán hàng hóa đã ăn sâu vào ý thức của người dân, vì thế, để chuyển đổi nhận thức này là việc làm không hề dễ dàng. Tuy nhiên, tuổi trẻ các đơn vị đã có những sáng kiến, cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền, giúp người dân dần nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi thói quen từ sử dụng tiền mặt sang thanh toàn bằng chuyển khoản hoặc quét mã QR, hay những hình thức khác phù hợp với quần chúng nhân dân để dần tạo sự chuyển đổi về ý thức trong tham gia chuyển đổi số.

Tại Đồn Biên phòng Lý Hòa, chúng tôi nhận thấy những ngày này, các CBCS mỗi khi có nhu cầu mua hàng hóa ở những quán tạp hóa gần đơn vị đều không sử dụng tiền mặt mà thanh toán chủ yếu bằng chuyển khoản và quét mã QR. Binh nhất Nguyễn Duy Sỹ, Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Lý Hòa chia sẻ: “Việc thanh toán không dùng tiền mặt được chỉ huy đơn vị phát động hơn một tháng nay và giao cho chi đoàn xung kích thực hiện. Chỉ sau thời gian ngắn, tôi thấy đây là việc nên triển khai sâu rộng và duy trì thường xuyên trong CBCS đơn vị vì thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đơn giản và dễ thực hiện”.

Dẫu địa bàn công tác trên vùng cao biên giới, điều kiện về hệ thống mạng còn có nhiều khó khăn, song CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo vẫn tích cực kiên trì triển khai thực hiện việc mua bán không thanh toán bằng tiền mặt. Những ngày đầu, hiệu quả không cao vì có khá nhiều CBCS trong đơn vị chưa quen dùng phương thức thanh toán bằng cộng nghệ điện tử, nên họ rất e ngại và sợ nhỡ thao tác sai sẽ bị mất tiền, đặc biệt là 100% các quán bán hàng trên địa bàn, chủ quán chưa quen với hình thức thanh toán điện tử. Để khắc phục tình trạng này, Đoàn cơ cở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã thông qua các buổi sinh hoạt đơn vị, sinh hoạt đoàn, lồng ghép thêm việc tập huấn phương thức thanh toán mới, thao tác, kỹ năng sử dụng công nghệ... Hiện nay, 100% CBCS đã khá thành thạo khi trao đổi, mua bán hàng hóa với người dân. Cũng chính từ đây, mỗi CBCS đã trở thành một hướng dẫn viên, một tuyên truyền viên cho nhân dân hiểu và cùng thực hiện việc chuyển đổi số trên địa bàn.

Lan tỏa trong nhân dân

Địa bàn do Đồn Biên phòng Lý Hòa quản lý gồm 6 xã bãi ngang thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi sinh sống của những ngư dân suốt đời gắn bó với biển khơi. Khi kinh tế thị trường phát triển, nhiều ngành nghề, quán hàng bán tạp hóa đã hình thành để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con. Việc dùng tiền mặt để thanh toán mỗi khi trao đổi, mua bán hàng hóa đã ăn sâu vào nếp nghĩ và từng hoạt động của người dân, vì vậy, việc làm thay đổi ý thức, thói quen đối với họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bây giờ, mỗi khi mua hàng, CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đều sử dụng hình thức thanh toán điện tử. Ảnh: Thành Phú

Bây giờ, mỗi khi mua hàng, CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đều sử dụng hình thức thanh toán điện tử. Ảnh: Thành Phú

Bằng các hình thức tuyên truyền, vận động đa dạng, phong phú và sự nhiệt tình, CBCS Đồn Biên phòng Lý Hòa đã tập trung chỉ dẫn người dân chuyển đổi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Chị Hồ Thị Như Ý, 33 tuổi, chủ quán tạp hóa ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch chia sẻ: “Ban đầu. tôi nghĩ việc thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện rất khó. vì bản thân tôi không biết nhiều lắm về công nghệ thông tin. Thế nhưng, khi được các chú Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể thì tôi thấy cũng không quá phức tạp. Quán tôi được các chú cài đặt cho cái mã QR nên tôi thấy thanh toán rất tiện lợi, chẳng sợ bị mất tiền hay trả nhầm tiền cho khách. Đúng là việc chuyển đổi này đã đem lại nhiều tiện lợi cho tôi. Bây giờ hiểu rồi, tôi sẽ tích cực tham gia vận động mọi người cùng làm theo”.

Việc vận động người dân cùng tham gia chuyển đổi số, dù đó là những nội dung đơn giản thì đều cần phải thời gian để người dân hiểu và thay đổi nhận thức. Đại tá Ngô Văn Dũng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Quảng Bình cho biết: “Chọn lực lượng đoàn viên, thanh niên xung kích, đi đầu trong tham gia và vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới cùng tham gia chuyển đổi số là để phát huy tính sáng tạo, nhanh nhạy của tuổi trẻ trong thời đại 4.0. Thời gian chưa dài, song việc triển khai đã đem lại những dấu hiệu tích cực. Nhiều người dân từ chỗ chưa biết gì về chuyển đổi số thì nay đã nắm được những vấn đề cơ bản nhất về nội dung này. Thời gian tới, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tin tưởng giao cho đoàn viên, thanh niên triển khai thêm nhiều phần việc liên quan đến chuyển đổi số”.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/neu-cao-vai-tro-xung-kich-cua-tuoi-tre-bdbp-trong-thuc-hien-chuyen-doi-so-o-dia-ban-bien-gioi-post469526.html