'Nếu có kiếp sau và được chọn lại, tôi vẫn làm nghề dạy học'
Đó là câu nói 'để đời' của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, được nhắc nhiều tại buổi Tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, diễn ra sáng 25/2. Tọa đàm là dịp để các nhà khoa học cùng tri ân và tôn vinh di sản của Giáo sư, từ đó, tiếp tục khẳng định một nhân cách, một sự nghiệp Đinh Xuân Lâm trong dòng chảy sử học, khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam đương đại.

GS. NGND Đinh Xuân Lâm. Ảnh: Nguồn tư liệu gia đình.
Nhắc đến Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, với đồng nghiệp và các thế hệ học trò luôn là một sự xúc động đặc biệt, bởi đó sự đức độ, tinh thần dấn thân trên con đường nghiên cứu và những thành tựu sử học hiếm có. Ông sinh năm 1925, mất năm 2017. Hơn 90 năm tuổi đời, 70 năm theo đuổi sự nghiệp trồng người, hơn 60 năm nghiên cứu, ông đã để lại một di sản đồ sộ.
Đó là hơn 500 nghiên cứu đã công bố, bao trùm nhiều vấn đề của khoa học lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam cận đại (từ khi thực dân Pháp xâm lược đến Cách mạng tháng Tám thành công). Là hàng nghìn học trò, trong đó không ít người đã thành danh, giữ những trọng trách trong môi trường giáo dục, đào tạo và khoa học của đất nước cũng như trong các tổ chức chính trị -xã hội ở Trung ương và các địa phương. Và đó là dấu ấn tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở trong và ngoài nước với tư cách là chuyên gia, giáo sư thỉnh giảng, v.v..
Những đóng góp của Giáo sư Đinh Xuân Lâm cũng được thể hiện qua nhiều công trình nghiên cứu tổng kết và chuyên sâu; nhiều giải thưởng khoa học danh giá trong và ngoài nước; các hoạt động xã hội có uy tín và những hoạt động phát triển các hiệp hội, trung tâm nghiên cứu có tính chất tiên phong, đổi mới.
Đồng nghiệp và các học trò tôn vinh ông là một trong “tứ trụ” huyền thoại của ngành Sử học Việt Nam đương đại “Lâm - Lê - Tấn - Vượng” (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng). Rất nhiều người khi ra trường, thành danh đều tự hào “tôi là học trò của thầy Lâm, thầy Lê, thầy Tấn và thầy Vượng đây...”.

Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo giáo sư, các nhà nghiên cứu, nhà sử học. Ảnh: T.U
Tại buổi tọa đàm, ý kiến của các giáo sư, nhà khoa học uy tín đã cùng tập trung tổng kết và tôn vinh di sản sử học của GS.NGND Đinh Xuân Lâm; làm rõ hơn những đóng góp của giáo sư cho nền sử học Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21; đồng thời bày tỏ những tình cảm tri ân và tôn vinh ông. Từ đó, tiếp tục khẳng định một nhân cách, một sự nghiệp Đinh Xuân Lâm trong dòng chảy sử học, khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam đương đại.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, chia sẻ: “Tôi có một may mắn là suốt đời học thầy, được đồng hành cùng thầy cho đến ngày ông về với thế giới người hiền. Nhắc đến GS.NGND Đinh Xuân Lâm là người ta nhớ đến vị giáo sư có mái đầu bạc, một phong cách bình dị, một nhà giáo mực thước. Bên cạnh kiến thức uyên bác, sự thuyết phục mạnh mẽ ở thầy là cách thể hiện quan điểm. Cách nói, cách đặt vấn đề của thầy luôn đúng mực, khách quan và không cực đoan. Nhẹ nhàng phân tích làm sao cho mọi người cùng nhìn nhận vấn đề lịch sử một cách mạch lạc, sáng rõ và trọn vẹn nhất”.
Tự hào là một trong những học trò của Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư sử học Phạm Hồng Tung nhớ lại, thầy luôn chia sẻ nghiên cứu lịch sử, dạy lịch sử trước hết để tự hoàn thiện mình, để tự dạy mình, vì phải tự thuyết phục được mình mới thuyết phục được trò. Thầy không chỉ trao truyền cho học trò kiến thức thầy còn là tấm gương nhà giáo chân chính, mực thước cho những học trò noi theo.
Giáo sư Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) xúc động: “Năm 1988, khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã tâm sự: Huân chương vô giá đối với tôi, đó chính là thế hệ các anh và những thế hệ sau các anh mà tôi đã góp phần đào tạo, những thế hệ đã và đang đóng góp lao động có ích cho xã hội ở nhiều lĩnh vực. Hơn tất cả, di sản Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm để lại chính là tình cảm và sự tiếp nối con đường của ông của nhiều thế hệ học trò”.
“Cuộc sống biến đổi hằng xuyên, giáo dục đại học thay đổi từng ngày nhưng có những giá trị, những tấm gương vĩnh viễn thuộc về niềm kiêu hãnh và tự hào của chúng ta. Tôi hy vọng tìm hiểu và chiêm nghiệm về chân dung một người thầy – Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm chính là cơ hội để mỗi người chúng ta tìm về những giá trị của khoa học, của yêu thương và đạo đức, củng cố bản lĩnh người thầy, sẵn sàng đón nhận những thử thách và vận hội mới”, Giáo sư Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh tại buổi tọa đàm.

Triển lãm, trưng bày ảnh và các công trình nghiên cứu chọn lọc, khắc họa sự nghiệp và cuộc đời của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm. Ảnh: T.U
Cũng trong sáng 25/2, tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm tổ chức Triển lãm kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm.
Xuyên suốt triển lãm là những khoảnh khắc đặc tả chân dung một nhân cách sử học qua từng giai đoạn khác nhau, từ khi là nhà sử học trẻ với nhiều hoài bão cho đến khi trở thành một cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại…
Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo
sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, sáng 25/2, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức: “Triển lãm và Tọa đàm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm”.