Nếu trong tương lai quân đội ta chính thức nhập khẩu số lượng các xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B1MS từ LB Nga thì lực lượng Tăng - thiết giáp Việt Nam nói riêng, Lục quân Việt Nam nói chung sẽ vươn lên vị trí số 1 ở khu vực Đông Nam Á.
Sau hợp đồng mua mới 2 tiểu đoàn với 64 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK được ký kết với LB Nga từ năm 2016, giao hàng đầy đủ từ năm 2019, đến nay Lục quân Việt Nam với nòng cốt là lực lượng Tăng - Thiết giáp Việt Nam đã sở hữu loại chiến xe có sức mạnh hàng đầu trên thế giới lẫn khu vực. Cùng với đó là số lượng lớn các xe tăng T-54/55, Type-59 và một số lượng nhỏ xe tăng T-62 cũng tạo nên sự vượt trội mạnh mẽ, tạo thành nắm đấm thép chủ lực cho bộ binh trên chiến trường. Ảnh: Nhà chứa xe tăng T-90S/SK Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam cũng đã tự nâng cấp trong nước một số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực T-54B lên chuẩn T-54M với hệ thống kiểm soát hỏa lực hiện đại, bổ sung giáp phản ứng nổ tiên tiến giúp xe gia tăng khả năng tác chiến đáng kể, có thể tiệm cận với những xe tăng thế hệ thứ 3 hiện nay. T-90S/SK và T-54M chính là một cặp "song kiếm" giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh của đội xe tăng vốn đã có nhiều lạc hậu kể từ khi bước vào thế kỷ XXI. Ảnh: Xe tăng chiến đấu chủ lực T-54M do Việt Nam nâng cấp.
Tuy nhiên, các xe tăng T-54/55 và Type-59 trong quân đội ta vốn chiếm số lượng lớn, xương sống chủ lực trong chiến đấu Tăng - thiết giáp thì hiện nay đã quá lạc hậu, cũ kỹ, khó có thể đáp ứng được yêu cầu của chiến trường hiện đại. Thậm chí, Việt Nam vẫn còn đang duy trì những chiếc xe tăng T-54 Mod 1947, được sản xuất từ những năm cuối 1940 - đầu 1950, đến nay đã phục vụ được 70 năm. Nhiều chiếc đã chiến đấu vô cùng tích cực trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ và vẫn còn trong biên chế sẵn sàng chiến đấu cho tới ngày nay. Ảnh: Đội hình xe tăng T-54B trên thao trường huấn luyện.
Về phía xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, dù cho bản nâng cấp T-54M sử dụng hệ thống điện tử tiên tiến tuy nhiên vẫn còn giữ nguyên pháo D-10T2S nguyên bản cỡ nòng 100mm vốn khó lòng có khả năng xuyên phá được giáp trước của các loại chiến xa chủ lực mới ngày nay, thân xe T-54B dùng cho nâng cấp cũng hạn chế nhiều mặt về động cơ yếu cũng như giáp chính mỏng. Còn xe tăng T-90S/SK có năng lực tác chiến cao thì số lượng lại còn quá ít. Ảnh: Xe tăng T-54M nâng cấp của Việt Nam.
Việt Nam hiện nay cần một loại xe tăng có khả năng chiến đấu vượt trội so với T-54/55, T-62, tiệm cận T-90S/SK nhưng lại có giá thành rẻ để có thể mua sắm với số lượng lớn. Nắm bắt được tình hình này, trong kế hoạch đầu tư phát triển trong nhiệm kỳ tới, Binh chủng Tăng - Thiết giáp có thể sẽ nhập khẩu loại xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B1MS mới nhằm nâng cao sức mạnh của Lục quân Việt Nam, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội. Ảnh: Xe tăng T-90S/SK Việt Nam thao diễn kỹ thuật.
Thông tin này được Đại tá Đỗ Văn Diệp - Cục trưởng Cục Kỹ thuật Binh chủng Tăng - Thiết giáp tiết lộ trong bài viết “Cục Kỹ thuật, Binh chủng Tăng thiết giáp làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu” được đăng tải trên trang Tạp chí Cộng sản vào ngày 26/6/2020. Theo đó, trong mục “Mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới”, tác giả có viết về việc quân đội ta tiến tới “huấn luyện, khai thác làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật mới (T-90S/SK, T-72MS)". Đây có thể nói là tín hiệu cho việc trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có thể sở hữu các xe tăng T-72MS mới. Ảnh: Xe tăng T-72B1MS hay còn gọi là T-72MS.
T-72B1MS là phiên bản nâng cấp sâu của dòng T-72B1 nổi tiếng của Liên Xô, giống với phương án nâng cấp sâu T-72B3M của dòng T-72B3. Về cơ bản, xe vẫn sử dụng khung gầm T-72B với giáp phản ứng nổ Kontakt-1 thế hệ đầu, pháo chính 2A46M cỡ nòng 125mm với hệ thống nạp đạn tự động. Về động cơ có thể lựa chọn giữ nguyên động cơ V-84 công suất 840 mã lực nguyên bản hoặc thay mới bằng động cơ V-92S2 công suất 1.000 mã lực mạnh mẽ hơn. Ảnh: Xe tăng T-72B1 của quân đội Belarus.
T-72B1MS tập trung vào nâng cấp hệ thống điện tử mạnh mẽ giúp nó có nhiều năng lực vượt trội. T-72B1MS chuyển sang sử dụng hộp số tự động thay vì hộp số sàn truyền thống như trên T-72 đời cũ và T-90A/S, đây là kết quả của những thành tựu hiện đại hóa xe tăng Nga sau những năm 2010. Hệ thống kiểm soát hỏa lực của xe cực kỳ tiên tiến và khá tương đồng với T-90M Provy 3 hiện đại nhất của Nga hiện nay khi trưởng xa có thể cung cấp góc tầm, góc hướng chính xác cho pháo thủ chỉ việc khai hỏa. Trong khi đó trưởng xa trên T-90S chỉ có thể cung cấp góc hướng tương đối và cự ly cho pháo thủ, từ đó phải tự điều chỉnh để có thể tác xạ chính xác mục tiêu. Ảnh: Xe tăng T-72B1MS của lục quân Lào
T-72B1MS bổ sung hệ thống kính ngắm toàn cảnh trưởng xa, đây là thứ còn thiếu trên T-90S/SK. Điều này giúp cho trưởng xa có một cái nhìn vô cùng bao quát, hạn chế tối đa các điểm mù của xe và có thể nhanh chóng nhận diện kẻ thù trên chiến trường, tăng cao khả năng phòng thủ và tỉ lệ tấn công đối phương từ trước. Ảnh: Sơ đồ trực quan về khả năng quan sát của xe tăng T-90 không có kính toàn (trái) cảnh và T-90 nâng cấp với kính toàn cảnh (phải).
Khoang lái T-72B1MS sử dụng tối đa các màn hình LED điện tử hiển thị thông số vô cùng hiện đại, cắt bỏ gần như toàn bộ các đồng hồ cơ học cổ điển hiển thị thông số xe tăng như ở các thiết kế T-72 trước hay cả T-90S/SK để có thể tối ưu hơn và thân thiện với người dùng. Đồng thời, xe cũng bổ sung camera lùi cho phép lái xe có thể dễ dàng thao tác và quan sát phía sau xe, cùng một hệ thống động cơ phụ trợ APU giúp xe vận hành các hệ thống điện mà không cần nổ máy chính, tiết kiệm nhiên liệu đáng kể cũng như tăng tính ngụy trang. Ảnh: Bên trong khoang lái T-72B1MS của Lào.
Về khả năng bảo vệ, xe được bọc giáp phản ứng nổ Kontakt-1 - Thế hệ ERA đầu tiên do Liên Xô phát triển cho xe tăng, có khả năng bảo vệ tương đương với 400mm thép cán đồng nhất (RHA), tuy nhiên nó sử dụng các khối nổ 4S20 có độ nhạy cảm thấp nên gần như vô dụng trước đạn xuyên động năng của đối phương. Mặc dù vậy, tỉ lệ diện tích được bao phủ bởi giáp phản ứng nổ trên xe tăng T-72B1MS vẫn hơn đáng kể so với T-90S/SK. Ảnh: Xe tăng T-72B1MS của lục quân Lào.
Ngoài ra, giá thành của xe cũng là vô cùng hợp lý, ước tính chỉ khoảng 2 triệu USD cho một chiếc. Ảnh: Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B1MS khai hỏa.
Thực ra, Việt Nam cũng không quá lạ lẫm với mẫu xe tăng T-72B1MS bởi đây chính là loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất của lục quân Lào anh em hiện nay, chính thức được Nga bàn giao từ năm 2018. Cộng với đó là tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó chặt chẽ của hai nước, hai quân đội Việt - Lào nên Việt Nam có thể đã có những sự học hỏi, trao đổi về khả năng, kỹ chiến thuật của loại xe tăng mới này, từ đó có những đánh giá cho riêng mình. Ảnh: Xe tăng T-72B1MS của Lào tại cảng Tiên Sa.
Như vậy, nếu trong tương lai quân đội ta chính thức nhập khẩu số lượng các xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B1MS từ LB Nga thì lực lượng Tăng - thiết giáp Việt Nam nói riêng, lục quân Việt Nam nói chung sẽ vươn lên vị trí số 1 ở khu vực Đông Nam Á, sức mạnh tác chiến là vô cùng đáng gờm với sự phục vụ của những mẫu chiến xa mạnh mẽ hàng đầu trên thế giới. Ảnh: Đội hình xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK của Việt Nam
Video Xe tăng T-90 Việt Nam lần đầu phô diễn lá chắn Shtora - Nguồn: QPVN