Nếu còn 1 tờ báo cuối cùng xuất bản thì đó phải là tờ Quân đội Nhân dân

i dịch cũng là thời điểm 'cái khó ló cái khôn' để tờ báo tiến hành tinh gọn hơn, kỷ luật siết chặt hơn, phóng viên năng động, đa năng hơn và quan trọng là đã có thêm được hệ thống cộng tác viên, thông tin viên gắn bó và tâm huyết hơn với tờ báo.

Mở đầu câu chuyện, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) Đoàn Xuân Bộ đã nhấn mạnh như vậy. Vị thủ lĩnh này cũng chia sẻ rằng, dẫu nhiều khó khăn nhưng hai năm qua chất lượng tờ báo QĐND không những đứng vững mà còn được nâng lên. Đại dịch cũng là thời điểm “cái khó ló cái khôn” để tờ báo tiến hành tinh gọn hơn, kỷ luật siết chặt hơn, phóng viên năng động, đa năng hơn và quan trọng là đã có thêm được hệ thống cộng tác viên, thông tin viên gắn bó và tâm huyết hơn với tờ báo.

Bài liên quan

Sức mạnh của TTXVN từ sự gắn kết và trách nhiệm cá nhân

Đại tá, nhà văn Phạm Khải - Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân: Càng khó khăn càng phải đồng lòng

Nếu còn 1 tờ báo cuối cùng xuất bản thì đó phải là tờ Quân đội Nhân dân

Nhà báo Nguyễn Bá Kiên - Tổng Biên tập báo Giao thông: “Trong khó khăn dịch bệnh chúng tôi phải nỗ lực gấp đôi”!

Chúng tôi xác định tinh thần ngay từ đầu là: Đối mặt

+ Tôi nhớ rằng, cuối năm 2019 đầu năm 2020 là giai đoạn ông vừa nhậm chức phụ trách Tổng Biên tập, cũng đồng thời là lúc đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Sức ép của người đứng đầu thời điểm đó quả thực là không dễ vượt qua, thưa ông?

- Chúng tôi vừa là nhà báo vừa là chiến sĩ quân đội nên quả thực cũng có những đặc thù. Ngay từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 tôi mới là phụ trách Tổng biên tập, rất nhiều khó khăn trên cương vị mới thì dịch bệnh lại bất ngờ ập đến. Đến bây giờ nhìn lại thì tôi cho rằng những cứng rắn, quyết liệt ban đầu trong chỉ đạo là hoàn toàn đúng.

Ngay từ thời điểm đó, tôi đã xác định tinh thần là phải đối mặt. Đó cũng là tinh thần của người lính trong những điều kiện cam go nhất. Tôi vẫn nói với anh chị em trong tòa soạn rằng, dịch bệnh còn nhiều phức tạp, mình không có vuốt để chui xuống đất, không có cánh để bay lên trời thì phải ở đây và đối mặt thôi.

Tôi xác định quyết tâm là: nếu còn 1 tờ báo cuối cùng xuất bản thì đó phải là tờ QĐND… Tháng 3/ 2020, tôi chỉ đạo anh em viết một bài Cùng bàn luận với tựa đề là “Đối mặt” đăng trên trang 1 để truyền đi thông điệp quyết liệt ấy. Tinh thần đó là kim chỉ nam xuyên suốt trong hoạt động của tòa soạn. Sau đó, chúng tôi đã hình thành một chuyên mục “Nhật ký đối mặt” trên báo, bài viết rất phong phú, cảm động. Chúng tôi đang phối hợp với NXB Quân đội in những bài trong chuyên mục đó thành sách.

Tổng biên tập Đoàn Xuân Bộ và kíp trực phòng Thư ký Tòa soạn kiểm tra maket báo in. Ảnh: Trọng Hải

+ Ông có nói rằng tinh thần của nhà báo chiến sĩ là tinh thần đối mặt trong mọi hoạt động, sự đối mặt ấy cụ thể như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, thưa ông?

- Tôi phải khẳng định rằng, đối mặt không có nghĩa là mình liều, là mình coi thường dịch bệnh, mà phải đối mặt một cách khôn ngoan trên cơ sở khoa học. Tinh thần ấy hướng đến mục tiêu 3 tốt: Tuyên truyền tốt, phòng dịch tốt, vận động xã hội tốt.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Báo QĐND chủ trương không chỉ thực hiện 5K, mà phải bổ sung thêm 1K, đó là kháng thể. Ngoài việc tiêm vaccin sớm, chúng tôi nhắc nhở, tạo điều kiện cho anh em ăn uống tốt, thể dục lành mạnh, đầu tư máy móc, phòng tập luyện cho các phóng viên trong tòa soạn tăng cường sức khỏe.

Tôi cho rằng, đó là yếu tố quan trọng góp phần giúp cho các đoàn tác nghiệp của Báo ở các “tâm dịch” như Hải Dương, Bắc Giang, rồi cả hơn chục đồng chí tác nghiệp dài ngày bên Nga trong hội thao quân sự Armygames... với một khí thế làm việc lăn xả, tiên phong, tuyên truyền rất tích cực hiệu quả và vẫn an toàn tuyệt đối.

Ngay cả khi tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, ngoài số cán bộ phóng viên trong văn phòng thường trú, chúng tôi cũng huy động một nhóm phóng viên tương đối “tinh nhuệ” hành quân vào Nam tác nghiệp trong 2,5 tháng, như đi chiến trường, và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

+ Được biết, Báo QĐND còn có những kế hoạch, thậm chí kịch bản rất cụ thể cho lộ trình ứng phó với đại dịch, thưa ông?

- Đúng vậy. Báo QĐND chúng tôi là đơn vị tiên phong có một kế hoạch riêng, kịch bản riêng về phòng chống COVID-19 tại tòa soạn.

Trong kịch bản này chúng tôi kiên định với lập trường của mình, đặt ra các tình huống khác nhau để luôn sẵn sàng, chủ động, có cả phương án cách ly F1 ngay tại cơ quan để không ngừng làm việc... Công tác hậu cần đảm bảo ngay tại chỗ, cách ly ngay tại phòng, chúng tôi đủ năng lực để làm việc đó. Ở các cuộc họp giao ban, tôi yêu cầu đã là nhà báo chiến sĩ, phải nêu cao tinh thần tác chiến, yêu cầu dứt khoát không rời công sở. Làm việc phải tập trung để bộ máy cơ quan hoạt động trơn tru, tinh thần làm việc không rệu rã. Dĩ nhiên, ban đầu cũng có ý kiến cho rằng tôi coi thường dịch bệnh. Sau thì hiểu cả.

Chúng tôi không thể, không được phép thoái lui bất cứ việc gì

+ Dịch bệnh diễn biến phức tạp lúc thì rất căng thẳng, khi thì như “sóng ngầm”... Việc thông tin tuyên truyền đã được Báo QĐND linh hoạt ứng phó ra sao, thưa Tổng Biên tập?

- Việc tuyên truyền, chúng tôi xác định là phải rất linh hoạt. Linh hoạt ở chỗ, lúc nào dịch cao điểm căng thẳng thì thông tin dịch bệnh được đưa ra trang 1 còn khi dịch giảm xuống thì chúng tôi lại thu về trang 8. Ngay cả mũ chuyên mục của Báo cũng điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, ban đầu chỉ là Phòng, chống dịch COVID-19, sau đó là theo Nghị quyết 128 của Chính phủ: “linh hoạt thích ứng an toàn và phòng chống dịch hiệu quả”. Nội dung trong chuyên mục cũng thay đổi theo tình hình, hình thức thể hiện cũng đổi mới để công chúng dễ tiếp nhận hơn, bạn đọc muốn biết dịch ở mức độ như thế nào thì có thể nhìn cách xử lý thông tin từ Báo QĐND cũng hình dung ra cái chính yếu nhất.

Sự linh hoạt còn thể hiện ở việc Báo đã phát huy đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên hiệu quả. Riêng vấn đề này, chúng tôi rất quan tâm và thực hiện triệt để. Ngay từ tháng 4 năm 2020 lúc cao điểm của dịch, tôi đã có thư gửi thông tin viên, cộng tác viên đăng trang trọng trên trang nhất của Báo QĐND (việc này có lẽ giống thời chiến tranh) mong muốn có sự cộng tác tích cực từ họ. Chính bởi vậy, báo đã có nhiều thông tin cập nhật nhanh, kịp thời và chính xác.

Có những cộng tác viên của chúng tôi rất đặc biệt như đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí đã viết riêng cho Báo QĐND mấy bài từ đầu năm 2021 mà các thông tin phân tích sâu, dự báo chiến lược sau này dịch bệnh phức tạp càng thấy cái tầm của nhà khoa học.

Chẳng hạn như phương án cách ly F1 tại nhà, lúc bài báo ra, nhiều người cho là không thực tế, nhưng đến nay thì mọi chuyện đã rõ ràng. Có thể nói việc tuyên truyền linh hoạt, phòng dịch an toàn, hỗ trợ mọi điều kiện tốt nhất cho phóng viên tác nghiệp, có khen thưởng, động viên, khích lệ rất kịp thời... là những công việc của Báo QĐND ứng phó với đại dịch để tồn tại, phát triển.

+ Bối cảnh như thế, tôi nghĩ ông đã phải trăn trở để đưa ra những quyết định khó khăn. Phải chăng tinh thần ấy đã, đang và được hun đúc từ truyền thống đầy tự hào của tờ báo QĐND?

- Chính xác là vậy. Khi phải đưa ra quyết định đôi khi “khác người” khi mình đang là Phụ trách Tổng Biên tập, thực sự tôi rất nhiều cảm xúc. Dám làm dám chịu thôi. Cũng may là anh em ủng hộ, và cơ bản là thành công.

Tôi về Báo QĐND đến nay đã được 29 năm, được tiếp xúc, làm việc với thế hệ phóng viên đầu tiên, từ các bác trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ, các bác kì cựu từ những ngày đầu thành lập báo. Tôi được tiếp nhận một tinh thần nhà báo - chiến sĩ hun đúc từ biết bao thế hệ. Bây giờ khó khăn thấm gì đâu so với trước đây.

Ngày trước, có những chuyến công tác của cán bộ Báo QĐND, có 3 người đi thì có 1 người trở về, 2 người đã vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu và hy sinh lẫm liệt tại chiến trường. Báo QĐND đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, 2 lần nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tôi cũng vừa về thăm lại khu rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng) lần thứ 3, nơi ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, và cũng trong mùa đông rực lửa cách mạng năm 1944 ấy, 34 chiến sĩ đã cho ra đời tờ báo Tiếng Súng Reo - tiền thân của Báo QĐND ngày nay.

Tôi nói vui với các bạn bè ở Cao Bằng là thi thoảng tôi phải về đó để lấy hơi ấm từ “Đất Mẹ”, để trí tuệ thêm sáng suốt, tâm hồn thêm trong sáng gánh vác nhiệm vụ Tổng Biên tập Báo QĐND, giữ gìn và phát huy truyền thống tờ báo của Đảng trong Lực lượng vũ trang đã cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua những chặng đường dài, đầy gian lao và cũng đầy vinh quang của cách mạng Việt Nam.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Vân Hà (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/neu-con-1-to-bao-cuoi-cungxuat-ban-thi-do-phai-la-to-quan-doi-nhan-dan-post175032.html