Nếu Đà Lạt có quy hoạch phân khu: Số phận Khu Hòa Bình đã khác!

Khi lập quy hoạch phân khu, các nhà tư vấn và cơ quan quản lý sẽ thấy rõ tỷ lệ đất cây xanh và đất công trình công cộng của Khu vực trung tâm Hòa Bình hiện đã rất thấp so với quy chuẩn quốc gia nên không thể điều chỉnh chuyển đổi đất cây xanh và công cộng thành đất thương mại dịch vụ như cách làm trong quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình đã công bố.

Như Người Đô Thị thông tin, Sở Xây dựng Lâm Đồng ngày 29.10 đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo, đề xuất việc sử dụng nguồn kinh phí tài trợ để thực hiện điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12.5.2014).

Theo đó, mốc thời gian lập nhiệm vụ và đồ án dự kiến để Sở báo cáo đề xuất UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ là vào tháng 1.2022, phê duyệt đồ án là vào cuối năm 2022. Việc điều chỉnh này Chính phủ cũng đã có văn bản ngày 11.9 đồng ý chủ trương.

Người dân Đà Lạt đang xem nội dung quyết định quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình, công bố ngày 15.3.2019. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trong một diễn biến có liên quan đến quy hoạch Đà Lạt, Sở Xây dựng đã gửi văn bản lấy ý kiến các sở ngành về đồ án Quy hoạch phân khu trung tâm thành phố Đà Lạt tỷ lệ 1/2.000.

Theo nguồn tin của Người Đô Thị, tại văn bản ngày 11.8 trả lời Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay UBND tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 704 phê duyệt quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận. Do đó trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, đề nghị Sở Xây dựng cân nhắc việc tiếp tục triển khai các quy hoạch phân khu, thiết kế đô thị trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Về sự phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phạm vi quy hoạch trong đồ án có một số điểm chưa phù hợp với phạm vi quy hoạch tại Quyết định số 1984 ngày 7.9.2011 của UBND tỉnh, về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 37 ngày 7.4.2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị thì “Thời gian lập quy hoạch phân khu: đối với lập nhiệm vụ không quá 1 tháng và thời gian lập đồ án không quá 9 tháng”. Đồ án Quy hoạch phân khu trung tâm thành phố Đà Lạt tỷ lệ 1/2.000 đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cách đây hơn 10 năm.

“Do đó, đề nghị Sở Xây dựng báo cáo UBND tỉnh trước khi tiếp tục triển khai các nội dung tiếp theo”, văn bản của Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết.

Những thông tin trên cũng đã lý giải cho thắc mắc của dư luận gần đây, vì sao trong Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 Khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, được Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12.2.2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, tại các căn cứ phê duyệt chỉ có Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mà không thấy căn cứ Quy hoạch phân khu trung tâm thành phố Đà Lạt tỷ lệ 1/2.000.

Trao đổi với Người Đô Thị về khoảng trống trên, KTS. Phạm Thị Kiều Anh (Chuyên gia tư vấn về quy hoạch và kiến trúc của Quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững; Thành viên nhóm Save Heritage Vietnam) cho biết, quy hoạch 1/2.000 là quy hoạch phân khu, sẽ xác định yêu cầu, nguyên tắc và đề xuất giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan (đối với từng khu chức năng, từng ô phố, trục đường chính, khu vực không gian mở, khu vực điểm nhấn), hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng được một khu vực đô thị thống nhất về mặt cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng và đảm bảo các tiện ích sinh hoạt của người dân và sự phát triển bền vững của đô thị.

KTS. Phạm Thị Kiều Anh

Pháp luật hiện hành cho phép lập quy hoạch chi tiết 1/500 ở những khu vực chưa có quy hoạch phân khu 1/2.000. Điều 20 Luật Quy hoạch quy định căn cứ lập quy hoạch là dựa vào quy hoạch cao hơn, như vậy đối với quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình, khi chưa có quy hoạch phân khu trung tâm Đà Lạt tỷ lệ 1/2.000 thì phải căn cứ vào Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt theo Quyết định 704.

“Việc chưa có quy hoạch phân khu tuy không ảnh hưởng đến hiệu lực của quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình nhưng đã nói lên sự thiếu trách nhiệm của chính quyền thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng khi họ không tuân thủ quy định tại Nghị định số 37 ngày 7.4.2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.

Tại Khoản 2, Điều 14 của nghị định này đã quy định: Các khu vực trong thành phố, thị xã phải được lập quy hoạch phân khu để cụ thể hóa quy hoạch chung, làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết.

Đến đây thì một câu hỏi cần đặt ra, là tại sao chính quyền Lâm Đồng sau hơn 7 năm vẫn chưa phê duyệt được quy hoạch phân khu phường 1 (vị trí Khu Hòa Bình) và phường 2 của thành phố Đà Lạt, mặc dù Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2014, dẫn đến tình trạng kiến trúc hỗn độn, giao thông và môi trường càng lúc càng xuống cấp, rồi họ lấy cớ đó để ứng xử thô bạo với các giá trị di sản của Khu Hòa Bình?”, KTS. Kiều Anh bức xúc.

Khu Hòa Bình - một không gian lịch sử, nhân văn đặc thù Đà Lạt. Theo Đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình: Rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay bằng Trung tâm thương mại Hòa Bình, là khu phức hợp có tính chất giải trí từ 3 đến 5 tầng nổi. Công năng của rạp sẽ được xây dựng trong công trình ngầm. Ảnh: Lê Quân/Zing

Dinh Tỉnh trưởng đã được Sở Văn hóa Lâm Đồng xác nhận là một trong những biệt thự gắn với di tích, lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc. Thế nhưng theo phương án kiến trúc đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn: Dinh sẽ bị nâng lên 28m để bên dưới và xung quanh xây tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ… Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Dinh Tỉnh trưởng đã được Sở Văn hóa Lâm Đồng xác nhận là một trong những biệt thự gắn với di tích, lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc. Thế nhưng theo phương án kiến trúc đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn: Dinh sẽ bị nâng lên 28m để bên dưới và xung quanh xây tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ… Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Cũng theo KTS. Kiều Anh, nếu Lâm Đồng thật sự nghĩ “công trình quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình là 1 trong 12 công trình trọng điểm của tỉnh nên đã được tỉnh chọn lọc rất kỹ”, như lời của ông Phùng Khắc Đồng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí hồi tháng 4.2019, ngay khi quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình vừa công bố đã vấp phải làn sóng phản đối của nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, người dân… thì lãnh đạo tỉnh này đã phải thận trọng và ứng xử với Khu trung tâm Hòa Bình với đầy đủ các bước triển khai quy hoạch như luật định.

“Nếu Lâm Đồng thực hiện trước Quy hoạch phân khu trung tâm Đà Lạt tỷ lệ 1/2.000 rồi trên cơ sở đó triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 Khu trung tâm Hòa Bình, thì kết quả các chỉ tiêu quy hoạch sẽ rất khác. Số phận của Khu Hòa Bình cũng đã rất khác với hiện giờ”, KTS. Kiều Anh khẳng định.

Cụ thể, Khoản b, Điều 34, Nghị định số 37 quy định: Quy hoạch phân khu 1/2.000 xác định các chỉ tiêu cơ bản về dân số, đất đai, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; cơ cấu sử dụng đất; chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc, thiết kế đô thị cho từng ô phố; nguồn cung cấp và giải pháp tổ chức mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đến các trục đường phố; giải pháp tổ chức tái định cư (nếu có); giải pháp bảo vệ môi trường;…

“Khi lập quy hoạch phân khu, các nhà tư vấn và cơ quan quản lý sẽ thấy rõ tỷ lệ đất cây xanh và đất công trình công cộng của khu vực này hiện đã rất thấp so với quy chuẩn quốc gia nên không thể điều chỉnh chuyển đổi đất cây xanh và công cộng thành đất thương mại dịch vụ như cách làm trong Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu trung tâm Hòa Bình vừa qua.

Đồng thời, khi có tính toán về lưu lượng xe và diện tích đường giao thông thì không ai có thể bố trí thêm một bãi xe ngầm với quy mô lớn như thế ở trung tâm để gây kẹt xe nghiêm trọng hơn trong toàn khu vực lân cận”, KTS. Kiều Anh phân tích.

Theo PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng, phương án biến đồi Dinh ở Khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt thành tổ hợp khách sạn, thương mại cao tầng là đi ngược với bản sắc và thương hiệu mà thành phố này đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm của mình. Có thể coi đó là “cú đấm” trực diện vào môi trường tự nhiên, đồng thời tước đoạt không gian xanh cuối cùng – cũng là không gian có giá trị nhất về cảnh quan của Khu trung tâm Hòa Bình. Ảnh: Mai Vinh

Theo PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng, phương án biến đồi Dinh ở Khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt thành tổ hợp khách sạn, thương mại cao tầng là đi ngược với bản sắc và thương hiệu mà thành phố này đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm của mình. Có thể coi đó là “cú đấm” trực diện vào môi trường tự nhiên, đồng thời tước đoạt không gian xanh cuối cùng – cũng là không gian có giá trị nhất về cảnh quan của Khu trung tâm Hòa Bình. Ảnh: Mai Vinh

Để tránh những hệ lụy chưa thể lường hết của một đồ án quy hoạch “sinh con rồi mới sinh cha” như khu trung tâm Đà Lạt đang đối diện, KTS. Kiều Anh cho rằng, việc đầu tiên là lãnh đạo Lâm Đồng phải hủy bỏ Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu trung tâm Hòa Bình hiện nay vì bản quy hoạch này đi ngược lại các định hướng của Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Tiếp đó, họ cần nhanh chóng tiến hành lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cho toàn thành phố theo quy định tại Khoản 2, Điều 14, Nghị định số 37 như đã nói ở trên. Sau đó mới lập đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho Khu trung tâm Hòa Bình theo đúng các quy định về thiết kế quy hoạch, bảo vệ di sản.

“Với đồ án quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình đã công bố, tỷ lệ đất công cộng 2% là quá thấp cho một trung tâm đô thị, mật độ đất cây xanh 3m2/người thì còn xa mới đạt quy chuẩn quốc gia cho đô thị loại 5, nói chi là đạt đến quy chuẩn của đô thị loại 1 như Đà Lạt”, KTS. Kiều Anh nhấn mạnh.

Hữu Tiến - Song Nguyễn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/neu-da-lat-co-quy-hoach-phan-khu-so-phan-khu-hoa-binh-da-khac-32156.html