Nếu giáo viên không còn bị xếp hạng từ 1/7, thầy cô sẽ rất vui mừng

Nhiều thầy cô vui mừng, háo hức chờ đợi việc bỏ xếp hạng. Họ đều hy vọng khi không bị phân chia theo hạng thì những bất cập liên quan xếp hạng sẽ bị xóa bỏ.

Hiện nay, giáo viên mầm non, phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) trong các trường học đang được chia thành 3 hạng là hạng 1, 2 và hạng 3.

Hạng khác nhau, dẫn đến tiền lương nhận được cũng khá chênh lệch nhau. Giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I có hệ số lương 4,0-6,38.

Giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hạng III có hệ số lương 2,34-4,98; hạng II có hệ số lương 4,0-6,38; hạng I có hệ số lương 4,4-6,78.

Mức lương khá chênh lệch giữa các hạng trong khi mọi nhiệm vụ giáo viên phải đảm nhận và hoàn thành đều như nhau. Chính điều này làm nhiều giáo viên tâm tư và tạo ra bức xúc trong môi trường giáo dục, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và giáo dục học sinh trong nhà trường.

Ảnh minh họa.

Từ ngày 1/7 giáo viên không còn chia hạng?

Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, từ 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Từ 01/7/2024, khi thực hiện cải cách tiền lương mới, giáo viên là viên chức sẽ được xếp vào bảng lương sau:

Xây dựng 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm).

Xây dựng 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề....

Thực hiện cải cách tiền lương đảm bảo chuyển xếp lương cũ sang lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Bảng lương mới ngoài xây dựng theo số tiền cụ thể còn căn cứ vào vị trí việc làm, chức danh cũng như chức vụ lãnh đạo.

Riêng giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động thì sẽ được điều chỉnh lương tối thiểu vùng và được trả lương theo thỏa thuận giữa trường học với giáo viên đó gắn với năng suất và kết quả lao động.

Bảng lương mới theo Nghị quyết 27 không còn dùng khái niệm hạng, nhưng đối với chức danh nghề nghiệp vẫn có nhiều bậc lương khác nhau, giáo viên khi công tác đủ thời gian, hoàn thành nhiệm vụ vẫn có thể được xét tăng lương thường xuyên, trước niên hạn.[1]

Giáo viên không bị phân chia theo hạng, bất cập sẽ được xóa bỏ?

Xếp hạng giáo viên theo các chùm Thông tư 01-04 vừa qua, nhiều thầy cô nhận thấy, căn cứ xếp hạng không đánh giá được thực chất năng lực, hiệu quả công việc. Điều này ít nhiều khiến việc xếp hạng không tạo động lực cần thiết để giáo viên nỗ lực cho công việc. Một điều bất cập mà nhiều giáo viên chỉ ra khi xếp hạng giáo viên là cùng công việc, cùng trách nhiệm như nhau nhưng người hưởng lương cao (xếp hạng cao), người lại hưởng lương thấp (do xếp hạng thấp).

Trong khi, một số giáo viên hạng thấp lại có năng lực vượt trội, có lòng nhiệt huyết với nghề hơn hẳn một số giáo viên đang ở hạng cao.

Một số nguyên nhân chính dẫn đến việc xếp hạng gây nên bất cập này là nhiều giáo viên có bằng đại học đúng thời điểm xét nâng hạng. Việc thực hiện nâng hạng ở mỗi địa phương cũng không đồng nhất, nơi thực hiện thường xuyên, nơi lại hàng chục năm không tiến hành bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên. Điều này dẫn đến sự mất công bằng của giáo viên giữa các trường, các địa phương.

Đơn cử, tại tỉnh nơi người viết công tác, năm 2017, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có bằng đại học đều được xếp vào giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II.

Tuy nhiên, không ít thầy cô giáo có bằng đại học sau năm 2017 chỉ được hưởng lương trung cấp và cao đẳng. Bởi vì, kể từ năm 2017 đến khi chùm Thông tư 01-04/2021 ra đời, tại địa phương không tổ chức đợt thi, xét thăng hạng lần nào cho giáo viên nữa.

Có những đồng nghiệp ở nhiều địa phương khác cũng chia sẻ, họ lấy bằng đại học chỉ sau đợt xét của tỉnh một tháng nhưng phải chịu hàng chục năm bằng đại học nhưng vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng.

Không ít giáo viên cốt cán cấp huyện, cấp tỉnh hoặc đảm nhiệm vị trí tổ trưởng chuyên môn chỉ ở hạng III, thậm chí hạng IV trong khi nhiều thầy cô giáo khác lại ở hạng II, thậm chí hạng I. Điều này, ít nhiều đã dẫn đến tâm tư trong trong công việc ở lớp, ở trường.

Một đồng nghiệp chia sẻ với người viết rằng: "Tôi có bằng đại học hơn chục năm mà vẫn ăn lương trung cấp do tỉnh nhiều năm không tổ chức đợt xét và thi nâng hạng lần nào (mới đây, tôi mới được xét qua hạng III).

Tôi vốn là tổ trưởng chuyên môn, là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhiều năm, là giáo viên cốt cán cấp tỉnh. Trong khi đó, có tổ viên trong tổ chuyên môn chỉ mức trung bình hoặc khá nhưng họ lại là giáo viên hạng II nên đều có mức lương cao hơn tôi.

Nhiều lúc nghĩ thấy buồn. Đồng nghiệp hiểu việc xếp hạng đôi khi do hên, xui thì không xem thường. Thế nhưng, có phụ huynh biết được, họ thắc mắc: "Sao cô chỉ là giáo viên hạng III?". Bản thân tôi lúc đó cũng thấy ít nhiều bị tổn thương".

Đó chỉ là một trong nhiều những tâm tư của thầy cô giáo hiện nay. Họ có năng lực chuyên môn, có lòng nhiệt huyết vượt trội hơn một số đồng nghiệp nhưng vẫn bị xếp ở hạng thấp hơn.

Vì thế, trước thông tin, từ ngày 1/7 không còn chia hạng nhà giáo, nhiều thầy cô vui mừng, háo hức chờ đợi. Vì giáo viên hy vọng rằng, không còn phân chia theo hạng thì những bất cập nêu trên cũng sẽ được xóa bỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/xep-luong-giao-vien-tu-ngay-172024-se-khong-con-chia-hang-1-2-3-co-dung-khong-17679.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/neu-giao-vien-khong-con-bi-xep-hang-tu-17-thay-co-se-rat-vui-mung-post241218.gd