Nêu gương - 'mệnh lệnh không lời' để cán bộ, đảng viên tự phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay
Nếu như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là sự biến đổi theo chiều hướng từ tích cực sang tiêu cực, thì 'nêu gương' lại giúp mỗi cán bộ, đảng viên đề kháng lại sự biến đổi đó, củng cố, tăng cường và làm bền vững hơn các yếu tố tích cực, tiến bộ, để suy thoái không xảy ra và không thể xảy ra. Do vậy, trách nhiệm 'nêu gương' là 'mệnh lệnh không lời', xuất phát từ trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên để tự phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống hiện nay.
Nêu gương - Tác dụng không nhỏ trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Nêu gương là một trong những thuộc tính gắn liền với bản chất của Đảng ta, là lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm đạo đức, thể hiện tư cách của người cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng,... muốn quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”1.
Nếu như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là sự biến đổi theo chiều hướng từ tích cực sang tiêu cực, thì nêu gương giúp mỗi cán bộ, đảng viên chống lại sự biến đổi đó, củng cố, tăng cường và làm bền vững hơn các yếu tố đó. Bởi vì, nêu gương nghĩa là mỗi cán bộ, đảng viên phải làm “kiểu mẫu” trong mọi công việc, muốn vậy họ cần phải có đạo đức cách mạng, có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch lành mạnh, giản dị, phương pháp, tác phong, phong cách làm việc khoa học, ý thức tổ chức kỷ luật tốt và mẫu mực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thực hiện tốt nêu gương sẽ “xây” cái tích cực, tiến bộ, để “chống” lại cái phản tiến bộ, cái lạc hậu muốn lôi kéo, dụ dỗ cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, rơi vào những vi phạm, khuyết điểm, sai lầm. Nêu gương tốt còn lấy cái “đẹp” để dẹp cái “xấu”, lan tỏa cái tích cực, tiến bộ. Vậy nên, nêu gương có tác dụng rất lớn đối với tự phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, điều đó được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:
Một là, thực hiện tốt nêu gương, sẽ giúp cán bộ, đảng viên giữ được đạo đức cách mạng - yếu tố nền gốc, sức đề kháng tự nhiên trước sự suy thoái. Đó chính là đạo đức cách mạng, vì đạo đức là cái gốc của người cán bộ cách mạng, có đạo đức cách mạng, người cán bộ, đảng viên sẽ có tâm, có đức trong sáng, có tình thương yêu, lòng thông cảm và quý trọng đối với Nhân dân lao động, khi gặp khó khăn, gian khổ mới không lùi bước, vì lợi ích của Đảng và dân tộc mà không ngại hy sinh cả cuộc đời mình.
Có đạo đức cách mạng, người cán bộ, đảng viên như có trong mình chất đề kháng tự nhiên, miễn nhiễm trước mọi tác động tiêu cực từ bên ngoài và bên trong; trong mọi hoàn cảnh, dù là khó khăn, gian khổ, đứng trước mọi cám dỗ của cuộc sống, họ không phai nhạt lý tưởng, dao động, giảm sút niềm tin vào Đảng, kiên định lập trường tư tưởng bản lĩnh chính trị, vững vàng, không dao động trước khó khăn thử thách, kiên định và mẫu mực thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vào mục tiêu lý tưởng của giai cấp; không bị chủ nghĩa cá nhân cám dỗ, lôi kéo, không hoài nghi, thiếu niềm tin và kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, muốn nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải “tự soi” lại mình, để tự tìm khuyết điểm, nếu không có khuyết điểm thì mới dám nêu gương. Do đó, sẽ không để cho những vết tích của chủ nghĩa cá nhân có điều kiện phát triển thành những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi vì, trong mỗi chúng ta, không phải lúc nào cũng tự tìm ra khuyết điểm của mình, nêu gương là cơ hội để mỗi cá nhân tự nhận thức lại chính mình.
Thực tế, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sinh ra và lớn lên trong một xã hội cũ - một xã hội với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, còn tàn dư nhiều tư tưởng của xã hội phong kiến, nên trong mỗi chúng ta đều chưa “gột sạch” được những vết tích đó. Vết tích chủ yếu là chủ nghĩa cá nhân, nếu như gặp điều kiện khách quan thuận lợi, đồng thời với đó, người cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng rèn luyện, lơ là, buông xuôi, không chịu khép mình và khuôn khổ, chủ nghĩa cá nhân sẽ “ngóc đầu dậy” sinh sôi, nảy nở lôi kéo, dụ dỗ, làm cho họ sa vào những hư hỏng, thói hư, tật xấu. Và nhất là có quyền lực trong tay, thì họ bắt đầu lợi dụng chức quyền để vun vén cá nhân, trục lợi, đục khoét mang lại lợi ích cho cá nhân mình và gia đình mình.
Đây là nguồn gốc của sự suy thoái, do vậy nếu mỗi cán bộ, đảng viên luôn biết “tự soi” mình, tự phê bình thì các khuyết điểm ấy sẽ “lòi ra”, làm cho phần xấu xa, tiêu cực trong mỗi con người mất dần đi, mặt tốt nảy nở thêm, lấn át các biểu hiện suy thoái. “Tự soi” như một phương thức để mỗi cán bộ, đảng viên “làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”2. Nghĩa là, làm cho phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống vô sản, tư cách người cán bộ, đảng viên… tăng dần lên về mặt số lượng và chất lượng, và các phản giá trị, các mặt đối lập với đạo đức cách mạng, tư tưởng, lối tư sản, thói lười làm nhưng lại ham muốn vật chất… mất dần đi. Nói cách khác là những mặt tích cực có đủ thế, lực để có thể lấn át đi mặt tiêu cực; mặt tích cực khi đó sẽ tự tạo ra chất kháng thể bên trong mỗi con người, có thể tự ngăn chặn sự phát triển của các mặt tiêu cực...
Ba là, thực hiện tốt nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ luôn biết phải “tự sửa” những khuyết điểm của mình. Khi mỗi cán bộ, đảng viên đã tự thấy mình sa vào chủ nghĩa cá nhân, có những biểu hiện của suy thoái, nêu gương giúp họ tự mình kiên quyết, kiên trì đấu tranh, đẩy lùi những biểu hiện của sự suy thoái. Quá trình này họ sẽ có quyết tâm chính trị cao, thực hiện nghiêm các nguyên tắc sinh hoạt đảng để kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, đấu tranh chống cá nhân chủ nghĩa, lối sống ích kỷ; thiếu trách nhiệm với tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.
Kiên quyết, kiên trì tự đấu tranh với chính mình, chống suy nghĩ tự dung túng, tự bao biện cho những sai phạm của chính mình; những vi phạm về quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức xã hội... Đây chính là quá trình chuyển từ “dám nghĩ” sang “dám nói” ra với tổ chức và chính mình về những khuyết điểm, sai phạm của mình và “dám làm” - dám sửa đổi chính mình và “dám chịu trách nhiệm” về hậu quả của những hành vi của mình đã gây ra cho tổ chức, đồng chí, đồng đội.
Thực hiện quá trình này không hề đơn giản, vì đây là quá trình đấu tranh, giằng xé từ nội tâm của cán bộ, đảng viên, giữa một bên là quyền lợi và lợi ích, danh dự, uy tín của cá nhân và một bên là những sai phạm của mình. Nếu như họ không chiến thắng được quá trình này, để cho những suy nghĩ, hành động sai trái tiếp tục lấn át, lớn dần lên, chi phối đến toàn bộ suy nghĩ và hành động của họ, thì tiếp tục đi sâu hơn vào những biểu hiện của sự suy thoái, mắc càng nhiều những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khi đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải có được phẩm chất hết sức cần thiết, có ý nghĩa quyết định là “dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” của cán bộ, đảng viên. Đây thực sự là thước đo bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, tự soi xem mình được “mới dám”.
Thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, xem đây là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng để truyền cảm hứng, cổ vũ và gây dựng lòng tin của Nhân dân vào Đảng; đây cũng là truyền thống quý báu của Đảng ta và bài học thành công trong quá trình lãnh đạo cách mạng.
Thực tiễn qua các thời kỳ cách mạng đã minh chứng, ở hoàn cảnh và tình thế khó khăn, hiểm nguy nhất, nếu cán bộ, đảng viên phát huy tốt trách nhiệm nêu gương, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, không quản ngại gian khổ, hy sinh, thì càng củng cố thêm sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Quán triệt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu gương: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”3 và “mỗi cán bộ phải làm gương mẫu”4, các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã thể hiện tốt trách nhiệm nêu gương, tự giác trong thực hiện các nội dung trách nhiệm nêu gương, là tấm gương sáng cho cán bộ cấp dưới, Nhân dân noi theo, tạo dựng lòng tin, truyền cảm hứng vào Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Đó là, đại đa số cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu nhất trong học tập, trau dồi, kiên định và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời họ cũng là người hăng hái nhất, mẫu mực nhất trong chấp hành và vận động Nhân dân, gia đình, địa phương, đơn vị trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên định mục tiêu, đường lối chính trị mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Đại đa số cán bộ, đảng viên luôn là những người gương mẫu về ý thức đạo đức, có lối sống trong sạch và lành mạnh, và đi đầu trong thực hành theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương để người khác noi theo; họ là những người tiên phong nghiên cứu, quán triệt và thực hành theo các chỉ thị, hướng dẫn, kết luận của các cấp trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; luôn biết quán triệt các chuẩn mực về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành gắn với từng vị trí công tác; họ cũng là những người gương mẫu, đi đầu trong phê bình, tự phê bình để phát hiện, đấu tranh phòng, chống mọi biểu hiện suy thoái của bản thân và cán bộ, công chức cấp dưới.
Đại đa số cán bộ, đảng viên có tác phong công tác gần dân, sát dân, tôn trọng dân, luôn lắng nghe ý kiến của Nhân dân, thực sự là công bộc, đầy tớ của Nhân dân; đa số họ có phong cách làm việc dân chủ, khoa học, đúng pháp luật, có văn hóa lãnh đạo, quản lý, gương mẫu trong chấp hành và vận động Nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị…
Tuy nhiên, bên cạnh những đảng viên mẫu mực về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và phương pháp, tác phong, phong cách công tác góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Đảng, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Không giấu giếm khuyết điểm, Đảng ta cũng đã thẳng thắn chỉ ra: “Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ”5.
Nhận định trên cho thấy trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự hiệu quả, nên dẫn đến các biểu hiện của sự suy thoái, trong đó có cả những cán bộ, đảng viên giữ trọng trách cao trong Đảng và Nhà nước, đã làm tổn hại đến danh dự và uy tín của Đảng. Chúng ta không thể xót xa khi con số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, nên bị xử lý kỷ luật:
“Trong 10 năm qua (2012 - 2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, 7 nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”6.
Với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trong thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên có cả cán bộ cấp cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ta do thiếu trách nhiệm nêu gương đã dẫn tới thoái hóa, biến chất phải xử lý kỷ luật, buộc phải thôi các chức vụ trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự suy thoái của một số cán bộ, đảng viên chính là do không thường xuyên nêu gương, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tu dưỡng theo những chuẩn mực của người cán bộ, đảng viên.
Một vài gợi mở để nêu gương có tác dụng hiệu quả đối với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay
Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã xuất hiện và trở thành mối quan tâm, lo ngại của toàn Đảng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng cầm quyền, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Khắc phục tình trạng này cần phải sử dụng đồng bộ các giải pháp như một hệ thống trên - dưới, ngang - dọc. Trong đó, giải pháp về nêu gương của cán bộ, đảng viên, có ý nghĩa và tác dụng cực kỳ quan trọng. Nêu gương chính là mệnh lệnh không lời và nêu gương phải xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim, từ lương tâm, trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên với Đảng. Qua đó, sẽ góp phần tự đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, cấp ủy tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, gồm 7 nội dung cán bộ, đảng viên phải nêu gương; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với 8 nội dung. Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tổ chức quán triệt và tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện tốt việc “tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn để cho phương châm “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất” chi phối đến suy nghĩ và hành động của mình.
Hai là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên với tiêu chí “7 dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt và cụ thể hóa tinh thần đó trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cần chống bệnh “sợ trách nhiệm”, sợ sai, đùn đẩy né tránh, có công thì nhận, sai phạm đổ lỗi cho người khác; cán bộ, đảng viên càng có thâm niên công tác, tuổi đời càng cao, thì càng phải làm gương cho cán bộ, đảng viên trẻ noi theo. Trong công tác, sinh hoạt mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận diện, tự soi mình với 27 biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện của “tự diễn biến, tự chuyển hóa” được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra để mỗi cán bộ, đảng viên tự sửa mình, không vi phạm vào các biểu hiện đó.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo đó, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương phải được đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm, có trọng tâm, trọng điểm; thông qua kiểm tra, giám sát, trước hết phải hướng vào nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong lời nói, việc làm của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, thông qua kiểm tra, giám sát phải gắn kết quả nêu gương với đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm.
Bốn là, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, tích cực việc thực hiện trách nhiệm nêu gương trong từng cơ quan, đơn vị. Theo đó, việc nêu gương phải đi vào chiều sâu, vững chắc, thiết thực, phải được làm triệt để, tránh qua loa, đại khái, dĩ hòa vi quý, thực hiện nêu gương mọi lúc mọi nơi, trong từng công việc cụ thể, với phương châm trên làm trước, dưới làm sau, duy trì thành nền nếp, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá việc nêu gương, nhất là với người đứng đầu tập thể, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng, lan tỏa những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong thực hành nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Thực hiện trách nhiệm nêu gương là việc làm có ý nghĩa lớn, làm tốt nêu gương, người cán bộ, đảng viên như được tẩy rửa đi trong cơ thể mình những mầm mống nảy sinh bệnh tật, những vết bẩn làm hoen ố đạo đức, tư cách người cách mạng. Mỗi ngày, mỗi công việc cán bộ, đảng viên thực hiện tốt nêu gương sẽ như những bông hoa đẹp cho toàn xã hội noi theo. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự ý thức được tầm quan trọng của nêu gương để “tự soi”, “tự sửa”, tự chữa lành những vết thương của chính mình. Phải coi đó là “mệnh lệnh không lời” xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm của họ; phải nâng tầm hoạt động nêu gương trở thành văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo niền tin của Nhân dân, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2011, tập 7, tr. 55.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 672.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 1, tr. 284.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 53.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2021, tập II, tr. 179.
6. Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2023, tr. 26 - 27.