Nếu hòn đá phù thủy biến ra vàng, tại sao Harry Potter vẫn nghèo
Từ hình ảnh Harry Potter và hòn đá phù thủy, khái niệm lạm phát được đưa ra một cách sinh động, gần gũi với độc giả trẻ bước đầu tìm hiểu về kinh tế học.
Lạm phát là một khái niệm thường xuyên được nhắc tới trên các kênh thông tin đại chúng. Nó phản ánh bức tranh vật giá tại các nước trên thế giới tác động sâu sắc tới chất lượng sống của con người.
Tính khan hiếm
Trong cuốn Áo giáp của Iron Man giá bao nhiêu, tác giả Park Byung Ryul đã mượn hình ảnh của Harry Potter và hòn đá phù thủy để nói về tính khan hiếm của tiền tệ. Khi cầm hòn đá, Hermonie nói với Ron và Harry rằng: "Nếu Voldermort biến mọi thứ trên thế giới thành vàng, vàng tràn ngập thế giới. Giá trị của vàng sẽ giảm xuống. Điều này dẫn tới lạm phát. Vàng bạc Harry nhận được từ bố mẹ sẽ giảm xuống. Trong trường hợp xấu nhất, cậu ấy sẽ trở thành nghèo kiết xác".
Câu nói của Hermonie ẩn dụ cho tính khan hiếm của tiền tệ. Vàng đắt bởi nó là một thứ kim loại quý hiếm. Vàng được đào dưới lòng đất và số lượng có hạn. Trước kia, đồng tiền vàng được lưu hành rộng rãi, sau đó người ta chuyển sang tiền giấy nhưng vẫn dựa trên chế độ bản vị vàng. Giá trị của đồng tiền sẽ phụ thuộc vào dự trữ vàng hiện có. Nhờ vậy, đồng tiền giấy mới duy trì được sự ổn định.
Một số nhà kinh tế học cho rằng số lượng tiền trong lưu thông tăng lên, giá trị của một đơn vị tiền tệ sẽ giảm xuống và làm cho giá cả hàng hóa tăng lên. Họ dựa vào thuyết này để giải thích vấn đề lạm phát.
Lạm phát trái với giảm phát. Cùng xét trong trường hợp nếu vật giá tăng, giá trị của sản phẩm tăng, giá trị của đồng tiền là lạm phát. Có hai kiểu lạm phát, khi giá nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất đội lên lớn, mọi người sẽ mua ít đi. Doanh nghiệp không bán được hàng sẽ phải cắt giảm nhân sự. Điều này lý giải tại sao kể từ đầu năm 2022 tới nay, sự biến động của giá dầu thế giới luôn làm các đơn vị sản xuất lo ngại. Chúng có thể khiến quá trình hồi phục hậu Covid-19 bị chậm lại. Kiểu lạm phát thứ hai là do cầu tăng đột ngột khiến nguồn cung không đủ đáp ứng, giá cả sẽ tăng lên như một mặt hàng khan hiếm.
Harry Potter phải làm gì để giàu có
Nếu dùng hòn đá để biến ra vàng, Harry Potter có lẽ còn nghèo hơn cả trước đó. Vậy làm cách nào để cậu trở nên giàu có thực sự. Nếu Harry làm phép biến mất tất cả số vàng trên thế giới rồi chỉ để lại cho riêng mình, cậu có trở thành tỷ phú không.
Tiền tệ không hoạt động theo logic như vậy. Nếu vàng quá ít dẫn tới thị trường không thể tiếp tục trao đổi và bị thu hẹp lại. Đây được gọi là giảm phát. Nó có thể kéo đến tình trạng trì trệ của nền kinh tế buộc các công ty phải sa thải người lao động. Không có việc làm, thu nhập giảm, người dân sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn và tổng cầu giảm theo.
Vì vậy, Harry chỉ có khả năng bước vào thương trường, cạnh tranh công bằng, tuân thủ luật chơi chung. Sự giàu có của Harry phải đến từ việc để dòng tiền luân chuyển nhanh và liên tục sinh ra lợi tức. Tuy nhiên, lạm phát luôn xảy ra, Harry có thể trở thành người giàu nhưng những người khác như Voldermort hoàn toàn có thể nghèo khổ. Lạm phát tái phân phối giàu nghèo trong xã hội.
Với tác giả Song Hong Bing, trong series Chiến tranh tiền tệ, lạm phát là một trong những hệ quả của nợ công. Lạm phát làm xáo trộn cấu trúc của nền kinh tế, gây lãng phí nguồn vốn thị trường. Các gia đình, tế bào chính của nền kinh tế, bị đe dọa nghiêm trọng. Từ đó dẫn đến nhu cầu mua sắm, sức mua giảm mạnh. Lạm phát được ví như một chứng cao huyết áp khiến cơ thể kinh tế suy yếu.
Lạm phát không phải lúc nào cũng xấu. Khi nền kinh tế tốt, nhiều nhu cầu phát sinh dẫn đến vật giá tăng, khích lệ lạm phát. Hiện tượng này làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. GS Kent Smetters, giảng viên tại trường Kinh doanh Wharton, cho biết: "Nếu bạn đang vay với lãi suất cố định, chẳng hạn như thế chấp 30 năm, thì bạn là người chiến thắng khi lạm phát tăng lên". Như vậy, cánh cửa cho các nhà đầu tư sẽ rộng mở hơn và thị trường sẽ được thúc đẩy theo hướng tích cực.
Vấn đề là làm sao kiểm soát được lạm phát ở mức tốt. Mỗi chính phủ đều có một chính sách tài khóa khác nhau để đối diện với tình trạng lạm phát. Trong đó, sự tham gia của nhà nước được coi là yếu tố quan trọng nhất. Họ có thể đảm bảo giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu được ổn định như điện nước, giáo dục... Các giải pháp về thuế, trợ giá được ban hành kịp thời. Trong bối cảnh thị trường thế giới đang phức tạp, nhiều sự kiện quốc tế quan trọng diễn ra, việc ứng phó cần linh hoạt và bám sát thực tiễn.