Nếu không muốn bị loãng xương sớm, bạn nên hạn chế tiêu thụ 6 loại thực phẩm quen thuộc này
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây loãng xương, trong đó có chế độ dinh dưỡng. Nếu chế độ ăn uống của bạn thiếu chất dinh dưỡng quan trọng cho hệ xương, đồng thời sử dụng các thực phẩm có hại cho xương sẽ khiến bạn nhanh bị loãng xương hơn rất nhiều.
Nội dung
1. Chế độ ăn uống và nguy cơ loãng xương2. Một số thực phẩm làm tăng nguy cơ loãng xương
1. Chế độ ăn uống và nguy cơ loãng xương
Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương khiến xương giảm mật độ và chất lượng dẫn đến xương giòn hơn, mỏng hơn, xốp, dễ tổn thương và dễ bị gãy cho dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
Theo các chuyên gia y tế, loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở người cao tuổi và phụ nữ mãn kinh. Một số xương bị gãy có thể không lành lại được như xương cột sống và xương đùi. Nhiều trường phải phẫu thuật điều trị khó khăn và tốn kém, giảm chất lượng cuộc sống.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương, trong đó lối sống và chế độ dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng.
Nguy cơ loãng xương tăng ở người cao tuổi, người có lối sống ít vận động, có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu, đặc biệt là chế độ ăn uống không cung cấp đầy đủ canxi và vitamin D…
Đồng thời, nếu chế độ ăn có quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm có đường và muối, caffein, rượu… có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh và làm trầm trọng thêm tình trạng loãng xương.
2. Một số thực phẩm làm tăng nguy cơ loãng xương
2.1. Thịt đỏ
Nghiên cứu cho thấy rằng lượng chất béo bão hòa cao trong chế độ ăn uống có thể là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh loãng xương. Thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu, thịt cừu, thịt ngựa… giàu chất béo bão hòa, việc tăng tiêu thụ các loại chất béo này có thể liên quan đến nguy cơ gãy xương do loãng xương cao hơn.
Lượng chất béo bão hòa cao chủ yếu trong thực phẩm thịt chế biến sẵn cản trở sự hấp thụ canxi trong ruột. Nó cũng làm tăng nguy cơ béo phì, điều này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương, làm tăng áp lực lên hệ thống xương khớp và giảm chất lượng của xương.
2.2. Thực phẩm chứa nhiều muối
Natri là một chất dinh dưỡng thiết yếu, nhưng tiêu thụ quá nhiều natri có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm cả xương. Phần lớn chúng ta thường tiêu thụ lượng muối mỗi ngày nhiều hơn mức mà cơ thể cần. Nhưng khi chúng ta ăn quá nhiều muối sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ muối ra khỏi cơ thể qua đường niệu. Bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn và thải ra nhiều canxi hơn qua nước tiểu.
Tình trạng mất canxi có thể khiến xương trở nên yếu hơn, suy giảm khối lượng theo thời gian dẫn đến loãng xương, xương giòn và dễ gãy. Tình trạng tăng canxi niệu cũng có thể dẫn đến hình thành sỏi thận, gây đau và chảy máu, ảnh hưởng đến chức năng của thận.
2.3. Caffeine
Caffeine có thể cản trở sự hấp thụ canxi. Nghiên cứu đã cho thấy, việc tiêu thụ nhiều caffeine làm tăng lượng canxi đào thải qua thận và có khả năng làm mất canxi từ xương.
2.4. Đồ ngọt
Tiêu thụ nhiều đồ ngọt như nước ngọt, bánh, kẹo, bánh ngọt… không chỉ gây mất cân đối dinh dưỡng mà còn có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, chúng còn làm cạn kiệt vitamin và khoáng chất khỏi cơ thể trong quá trình tiêu hóa như vitamin B tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose, canxi cần thiết cho răng và xương chắc khỏe.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều đường ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương và có thể làm tăng nguy cơ gãy xương. Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ uống có đường và sức khỏe của xương ngày càng xấu đi. Hơn nữa tiêu thụ đồ uống có đường còn khiến cơ thể bạn nhanh chóng tăng cân và béo phì. Điều đó cũng làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương khớp.
Theo TS. BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước ngọt chứa rất nhiều phốt pho. Khi uống nhiều nước ngọt làm cho hệ xương ở người trưởng thành hấp thụ nhiều phốt pho hơn lượng canxi sẽ khiến cho mật độ cũng như sự chắc khỏe của xương không được tốt.
Riêng đối với trẻ nhỏ, uống nhiều nước ngọt làm giảm khả năng hấp thụ canxi, ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao ở trẻ. Bên cạnh đó, việc uống nước ngọt khiến cho người trẻ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường sớm hơn.
2.5. Thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ gãy xương và nó cũng có thể làm chậm quá trình lành vết gãy xương. Có mối liên hệ trực tiếp giữa việc sử dụng thuốc lá và giảm khối lượng xương. Đó là hóa chất tìm thấy trong thuốc lá có thể cản trở hoạt động của các tế bào trong xương của chúng ta.
Ngoài ra, hút thuốc lá có thể ức chế sự hấp thụ canxi. Nó cũng có thể làm giảm sự bảo vệ của estrogen cung cấp cho xương.
2.6. Đồ uống có cồn
Uống quá nhiều đồ uống có cồn như rượu bia có tác động tiêu cực đến sức khỏe của xương. Rượu có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng như canxi, magiê và vitamin D và cản trở khả năng sửa chữa xương và điều hòa canxi của cơ thể.
Tác động của rượu cũng có thể làm thay đổi chức năng bình thường của các hormone trong cơ thể liên quan đến việc giữ cho xương chắc khỏe, như hormone tuyến cận giáp, hormone tăng trưởng và estrogen.