'Nếu không thay đổi thì các hoạt động của ngành du lịch mãi tụt hậu'

Một trong những hạn chế, tồn tại lâu nay của du lịch Việt là cơ chế thay đổi chậm và thiếu đồng bộ. Chỉ nói riêng về chính sách visa, theo một chuyên gia, các nước thay đổi rất nhanh và linh hoạt.

Nón làng Chuông giờ đây được xây dựng để trở thành một sản phẩm du lịch truyền thống hấp dẫn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Nón làng Chuông giờ đây được xây dựng để trở thành một sản phẩm du lịch truyền thống hấp dẫn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Mặc dù một số chính sách cởi mở hơn đã góp phần gỡ “nút thắt” cho hoạt động ngành và 2023 được coi là năm bệ đỡ cho quá trình phục hồi của du lịch Việt hậu đại dịch, thế nhưng bức tranh chung của ngành công nghiệp không khói vẫn mang một màu kém tươi.

Vậy làm thế nào để du lịch Việt bứt phá trong năm 2024 và đâu là giải pháp bền vững? Trong khuôn khổ tọa đàm “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến diễn ra mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, các “anh cả” ngành đã và đang lên kế hoạch để cùng tạo đột phá thời gian tới.

Cần sản phẩm phù hợp níu chân du khách

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng một trong những hạn chế, tồn tại lâu nay của du lịch Việt là cơ chế thay đổi chậm và thiếu đồng bộ. Theo ông Kỳ, tại các quốc gia, chính sách về visa của họ thay đổi rất nhanh, linh hoạt, phục vụ đúng nhu cầu của khách.

“Chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng chưa linh hoạt bằng các nước. Bên cạnh đó, hiện nay vấn đề quy hoạch cũng khá mơ hồ, trong khi thực tế nếu không có quy hoạch thì không thể làm kế hoạch được. Vì sao khách Việt Nam đi Thái Lan rất đông và quay lại nước họ nhiều lần, trong khi khách du lịch đến Việt Nam chỉ 1 lần rồi không quay trở lại? Theo thống kê, chi phí để khai thác 1 khách cũ quay lại chỉ bằng 1/5 so với khai thác khách mới. Tôi vừa đi Đà Lạt về, các điểm tham quan ở đây đang mất dần theo tốc độ phát triển kinh tế. Sản phẩm không tốt thì không thể đón khách quay lại lần 2, lần 3,” ông Kỳ nói.

Theo số liệu do Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương công bố, trong khi Thái Lan có tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại đạt 80% thì Việt Nam chỉ đạt khoảng 10%-40%. Việt Nam gây ấn tượng với khách quốc tế nhờ nền văn hóa đa dạng, thiên đường ẩm thực, phong cảnh đẹp, đi lại dễ dàng nhưng đa phần du khách chỉ đến một lần.

 Nhóm du khách Nhật mặc Áo dài Việt Nam và trải nghiệm với tranh Đông Hồ giữa không gian đình làng cổ kính. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Nhóm du khách Nhật mặc Áo dài Việt Nam và trải nghiệm với tranh Đông Hồ giữa không gian đình làng cổ kính. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Trước thực tế đáng buồn này, để thu hút và giữ chân du khách, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, quan trọng là phải có sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, muốn có sản phẩm thì phải có chính sách thích hợp, bao gồm: chính sách thúc đẩy chung cho ngành du lịch phát triển (visa, hàng hóa...), chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch.

“Mặc dù trong công tác xúc tiến, các doanh nghiệp rất tích cực tham gia quảng bá, nhưng để xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia thì đó lại là trách nhiệm của nhà nước chứ doanh nghiệp không thể làm thay được. Tôi rất mong nhà nước xem xét lại sớm, nếu chính sách nào không còn phù hợp thì phải sửa đổi ngay, vì chính sách không phù hợp làm cản trở hoạt động du lịch. Nếu không thay đổi thì các hoạt động của ngành du lịch mãi tụt hậu,” ông Bình nói.

Theo các chuyên gia, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ bao gồm đối tượng khách có mục đích du lịch đơn thuần mà còn các mục đích khác như khách MICE, chăm sóc sức khỏe, chơi thể thao...

Vì thế, ngoài đáp ứng các nhu cầu cơ bản của khách du lịch là ăn ở, đi lại các doanh nghiệp, địa phương cần phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng để kích cầu chi tiêu; du lịch cần liên kết với các ngành như nông nghiệp, công thương để tìm cách tạo sản phẩm tăng chi tiêu, mua sắm của du khách.Ảnh

 Du khách trải nghiệm thiên nhiên Quảng Bình. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Du khách trải nghiệm thiên nhiên Quảng Bình. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Cùng hành động để bứt phá

Để tạo đột phá cho du lịch Việt trong năm 2024, ông Vũ Thế Bình cho rằng trước mắt cần tập trung khai thác tốt chính sách thị thực mới mà Chính phủ đã ban hành, tăng cường liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang trực tiếp triển khai hoạt động đón và phục vụ du khách cần nghiên cứu và có những đề xuất cụ thể đối với cơ quan quản lý.

Là một trong những địa phương có nhiều sáng tạo, đổi mới trong hoạt động du lịch những năm gần đây, nhằm tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch mới, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh, cho biết địa phương sẽ ưu tiên ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển điểm đến du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm đặc sắc gắn với sự kiện, lễ hội âm nhạc, văn hóa, thể thao, các sản phẩm du lịch đêm; tăng cường xúc tiến quảng bá trên các kênh truyền thông quốc tế lớn; thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa điểm đến, xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch địa phương, nâng cao chất lượng nhân lực.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ xây dựng một đề án tổng thể, chuyên nghiệp về tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế mang tính chiến lược như CNN, CNBC, TikTok...

 Chùa Bút Tháp, một trong những biểu tượng của du lịch Thủ đô. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chùa Bút Tháp, một trong những biểu tượng của du lịch Thủ đô. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thời gian qua, giới siêu giàu Ấn Độ liên tiếp chọn Đà Nẵng là điểm đến để tổ chức lễ cưới xa hoa. Đặc biệt mới đây, việc tỉ phú Bill Gates đến Đà Nẵng nghỉ dưỡng dài ngày đã cho thấy “anh cả” của du lịch miền Trung hoàn toàn đủ điều kiện và năng lực cung cấp dịch vụ đón khách hạng sang, định vị là điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện.

Lãnh đạo ngành thành phố biển cho biết thời gian tới sẽ tập trung khai thác phân khúc khách có chi tiêu cao, người nổi tiếng đến du lịch, nghỉ dưỡng, khách MICE với dịch vụ và sản phẩm cao cấp.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho hay địa phương này sẽ "đẩy mạnh truyền thông thu hút khách nhờ chính sách thị thực mới; phát triển mỗi quận/huyện có một sản phẩm đặc trưng; tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp với nhau thông qua các liên kết vùng; phát triển du lịch Xanh, Chuyển đổi Số..."

Bên cạnh tập trung phát triển sản phẩm mới, độc đáo, nhiều doanh nghiệp cho rằng để phát triển bền vững và phát triển đột phá cho du lịch Việt trong năm nay, ngành công nghiệp không khói nước nhà cần tiếp tục cải thiện chính sách thị thực và xuất nhập cảnh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt giữa bối cảnh các đối thủ trong khu vực có chính sách rất cởi mở thu hút khách.

 Đà Nẵng là điểm đến được nhiều ngôi sao Hàn Quốc lựa chọn thời gian qua. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đà Nẵng là điểm đến được nhiều ngôi sao Hàn Quốc lựa chọn thời gian qua. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đặc biệt, cần có nhiều hơn chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá; có giải pháp thu hút từng thị trường khách cụ thể; cần tăng cường liên kết giữa các Bộ, ngành, các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp trong phát triển du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch.../.

Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 110 triệu lượt khách nội địa là một thách thức, nhưng cũng được kỳ vọng sẽ tạo động lực để du lịch Việt bứt phá trong thời gian tới.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, lãnh đạo ngành du lịch cho rằng cần thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn tất quy hoạch du lịch 2025-2030 tầm nhìn 2045; Tổ chức các hoạt động liên kết - phát triển điểm đến Xanh, bền vững, lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm; Đề xuất nội dung, thay đổi phương thức xúc tiến thương mại dựa trên các phân khúc: Du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nông thôn, MICE, golf, du lịch đường sắt;

Thành lập văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở nước ngoài, trước tiên là mở văn phòng tại Viêng Chăn (Lào); Phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế tiềm năng để thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỷ lệ khách quay lại; Nghiên cứu đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, thuế; Tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu để phát triển du lịch.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/neu-khong-thay-doi-thi-cac-hoat-dong-cua-nganh-du-lich-mai-tut-hau-post934303.vnp