Nếu Mỹ tấn công Iran, chuyện gì sẽ xảy ra?
Theo phân tích của Lầu Năm Góc, Mỹ có khả năng xóa sổ hải quân Iran trong 2 ngày; nhưng nhiều quan chức và chuyên gia cảnh báo, Iran có thể phản công thông qua các lực lượng ủy nhiệm ở xa Trung Đông, khiến Mỹ và đồng minh thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 20/6 (ngày 21/6 theo giờ Việt Nam) hủy bỏ tấn công Iran ở quy mô hạn chế. Nếu đòn tấn công vẫn diễn ra như kế hoạch thì có thể khiến Iran phản ứng mạnh mẽ, châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn hơn rất nhiều, các quan chức, cựu quan chức cùng giới học giả Mỹ nói với NBC News.
Rải thủy lôi hay nhờ cậy Houthi, Hezbollah trước?
Iran có thể gây tổn hại vô cùng lớn đối với kinh tế toàn cầu thông qua việc rải thủy lôi ở vịnh Hormuz, nơi có 40% lượng dầu thô thế giới thông thương. Nếu việc cài mìn này diễn ra, dù được Hải quân Mỹ nhanh chóng xử lý, thì giá dầu cũng sẽ tăng vọt. Nhưng đó có thể không phải là động thái phản ứng đầu tiên của Iran đối với đòn tấn công bằng tên lửa và bom của Mỹ ở quy mô hạn chế.
Nhiều chuyên gia nhận định, trước tiên, Iran có khả năng dùng đến hệ thống ủy nhiệm của họ - những đối tượng có thể gây tổn hại lớn đến các đồng minh của Mỹ. Ví dụ, phiến quân Houthi ở Yemen có thể gia tăng tấn công cơ sở hạ tầng của Ả-rập Xê-út bằng tên lửa và máy bay không người lái (drone). Các chiến binh Shiite có thể gây bất ổn ở Iraq. Lực lượng Hezbollah có thể tấn công Israel hoặc các lợi ích của Mỹ ở những nơi khác trên thế giới.
Trước đây, khi đối mặt hành động của Mỹ kiểu như vậy, Iran có xu hướng không phản ứng trực tiếp và ngay lập tức. Họ sẽ làm một cách bất đối xứng và trong một khoảng thời gian.
Và nếu Iran muốn giết người Mỹ, bất kỳ lực lượng nào kể trên cũng có thể làm được điều đó thay cho Iran, giới chuyên gia nhận định. Các nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite có thể tràn vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và bắt cóc con tin. Hezbollah có thể tấn công các địa điểm ở xa như Mỹ Latin – nơi họ có thành trì vững chắc ở đó. Trước vụ khủng bố 11/9/2001, Hezbollah sát hại người Mỹ nhiều hơn bất kỳ tổ chức khủng bố nào.
“Trước đây, khi đối mặt hành động của Mỹ kiểu như vậy, Iran có xu hướng không phản ứng trực tiếp và ngay lập tức. Họ sẽ làm một cách bất đối xứng và trong một khoảng thời gian”, Ray Takeyh, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyên gia về Iran tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nhận xét.
Nguy cơ tính toán sai
Mỹ có thể gây tổn hại lớn cho Iran. Các lực lượng Mỹ có thể xóa sổ toàn bộ hải quân Iran trong vòng 2 ngày, theo một phân tích gần đây của Lầu Năm Góc mà nhiều quan chức Mỹ đề cập. Nhưng chế độ Iran rất quan tâm tới sự tồn vong của họ nên có thể phản ứng theo cách không thể lường trước.
“Việc tính toán sai có thể xảy ra rất nhanh vì cả hai bên đều lo ngại các hành động tấn công của đối phương hoặc các đòn ăn miếng trả miếng leo thang thành xung đột quy mô lớn hơn nhiều”, Ilan Goldenberg, giám đốc Chương trình An ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, viết trên Twitter.
Mỹ có thể tin rằng họ đang gửi cho Iran thông điệp răn đe bằng cách trừng phạt Iran bằng các đòn không kích quy mô hạn chế. Nhưng Iran có thể hiểu rằng, không kích như vậy là tiền đề cho một cuộc xâm lược và phản ứng theo giả thiết đó. Kết quả có thể là một cuộc chiến tranh toàn diện.
Một nỗ lực tổng thể của Mỹ nhằm đánh đổ chế độ Iran có thể tiêu tốn hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD và nhiều sinh mạng Mỹ, ông Goldenberg viết trong một bản phân tích gần đây.
Chiến tranh và hậu quả của nó có thể khiến Mỹ mất hàng trăm tỷ USD và khiến không chỉ ông Trump mà còn các tổng thống Mỹ trong tương lai phải vật lộn xoay xở.
“Dù chưa đến mức tồi tệ nhất, bất kỳ cuộc chiến nào với Iran cũng khiến Mỹ sa lầy vào một cuộc xung đột nữa ở Trung Đông trong những năm tới. Chiến tranh và hậu quả của nó có thể khiến Mỹ mất hàng trăm tỷ USD và khiến không chỉ ông Trump mà còn các tổng thống Mỹ trong tương lai phải vật lộn xoay xở. Một cuộc chiến như vậy đồng nghĩa với việc chấm dứt sự chuyển hướng của Mỹ sang cạnh tranh siêu cường với Nga và Trung Quốc”, ông Goldenberg nhận định.
Tổng thống Trump nói rằng ông không muốn điều đó. Ông nói với NBC News rằng, ông đang mời các nhà lãnh đạo cấp cao của Iran nói chuyện.
“Tôi không tìm kiếm chiến tranh. Và nếu chiến tranh nổ ra, đó sẽ là sự xóa sổ bạn chưa từng thấy trước đó. Nhưng tôi sẽ không làm điều đó. Nhưng bạn không thể có vũ khí hạt nhân. Bạn muốn nói chuyện? Tốt! Nếu không bạn sẽ có một nền kinh tế tồi tệ trong 3 năm tới”, Tổng thống Mỹ nói.
Bí mật tấn công nhau
Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm 21/6 rằng, ông hủy lệnh tấn công Iran, cụ thể là 3 địa điểm. Tổng thống Mỹ nói với NBC trong cuộc phỏng vấn độc quyền cùng ngày rằng, sau khi được báo cáo cuộc tấn công có thể khiến 150 Iran thiệt mạng, ông thấy tổn thất nhân mạng như vậy không phù hợp với việc trả đũa Iran bắn hạ một drone do thám của Mỹ.
Mỹ và Iran tấn công nhau một cách bí mật trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều người tin rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng ra lệnh tấn công mạng, cụ thể là sử dụng phần mềm độc hại Stuxnet để tấn công chương trình hạt nhân của Iran, cụ thể là khiến các máy ly tâm bị trục trặc. Iran đã chế tạo những có quả bom có sức công phá mạnh được dùng để tiêu hao lực lượng Mỹ ở Iraq.
Nhưng lần gần đây nhất mà một tổng thống Mỹ phê chuẩn tấn công quân sự nhằm vào các lực lượng của Iran là vào những năm 1980, khi Iran đang chiến đấu chống lại Iraq và tấn công các tàu chở dầu ở vịnh ba Tư. Tháng 4/1988, một quả mìn của Iran phát nổ, khiến 10 thủy thủ trên tàu hộ tống USS Samuel B. Roberts của Hải quân Mỹ bị thương. Các lực lượng của Mỹ phản ứng bằng cách phá hủy phần lớn hải quân Iran và chiếm 2 giàn khoan dầu mà lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đang quản lý khai thác.
Sau khi một tàu tuần dương có tên lửa dẫn hướng của Mỹ bắn nhầm một máy bay chở khách của Iran tháng 7/1988, khiến 290 dân thường thiệt mạng, Iran không trả đũa nhưng cho rằng, vụ bắn hạ không phải là tai nạn.
Hiện nay, năng lực của Iran trong việc gây tổn hại cho Mỹ và đồng minh tăng cao hơn nhiều so với những năm 1980, các chuyên gia nhận định.
Ngoài việc có các lực lượng ủy nhiệm rộng khắp, Iran có năng lực tấn công mạng về mặt lý thuyết có thể đánh sập nhiều hệ thống và làm tổn hại kinh tế Mỹ. Người ta tin rằng, Iran đứng đằng sau vụ tấn công mạng làm tê liệt 35.000 máy tính tại công ty dầu mỏ Ả-rập Aramco năm 2012.