Nếu người lớn biết lắng nghe, thấu hiểu thì câu chuyện đã đẹp hơn!
'Câu chuyện em bé M.T.T.T, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) như một lời cảnh báo trong trường tiểu học vẫn còn những nguyên tắc cứng nhắc, hành chính hóa các hoạt động, và có phần vô cảm đã ảnh hưởng lớn tới con trẻ; đã khiến niềm hạnh phúc của trẻ khi đến trường nhiều khi không trọn vẹn....'
Câu chuyện em M.T.T.T, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) đứng giữa trưa nắng ngoài cổng trường, đang dần khép lại nhưng dư âm của nó như một lời cảnh báo sâu sắc cho người lớn trong ứng xử.
Từ câu chuyện này đã cho chúng ta thấy, trong trường tiểu học vẫn còn những nguyên tắc cứng nhắc, hành chính hóa các hoạt động, và có phần vô cảm đã ảnh hưởng lớn tới con trẻ; đã khiến niềm hạnh phúc của trẻ khi đến trường nhiều khi không trọn vẹn. Làm thế nào để mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui, hạnh phúc? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) về vấn đề này.
PV: Sự việc em bé đứng giữa trưa nắng ngoài cổng trường ở Hải Phòng đã để trong lòng chúng ta nhiều tâm tư. Với vai trò là một phụ huynh, ông có suy nghĩ, cảm nhận gì về câu chuyện này?
Ông Thái Văn Tài: Câu chuyện này có diễn biến phức tạp, và theo tôi, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là em bé. Chắc chắn đây sẽ là một kỷ niệm buồn của em đó, có lẽ sẽ theo em rất lâu. Cho dù hành động của người lớn xuất phát từ lí do gì thì xin đừng để những sự việc buồn như này xảy ra bất kỳ ở đâu nữa. Tôi cho rằng nếu người lớn mà biết lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm với nhau hơn, cụ thể ở đây là mẹ cháu bé khi phát hiện con bị đứng ở ngoài, chưa được vào bên trong trường mà chị lắng nghe, phản ánh kịp thời với giáo viên chủ nhiệm một cách trách nhiệm; khi xảy ra câu chuyện, nhà trường và phụ huynh hãy lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm cho hoàn cảnh của gia đình cháu, từ đó giáo viên chủ nhiệm không nóng vội và cần khéo léo hơn trong ứng xử, thì câu chuyện không bị đẩy đi quá xa, sẽ đẹp hơn rất nhiều.
Bất kỳ một hành động nào của người lớn trong môi trường giáo dục phải xác định mang lại hạnh phúc, niềm vui gì cho trẻ em. Trong ngành giáo dục còn có quy định rất rõ ràng là với học sinh tiểu học, giáo viên hạn chế tối đa phê bình các em trước lớp, vì tâm hồn trẻ nhỏ vô cùng nhạy cảm, dễ tổn thương.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những yêu cầu mà ngành giáo dục đòi hỏi giáo viên phải thay đổi trong ứng xử với học sinh, để tôn trọng lắng nghe các em nhiều hơn?
Ông Thái Văn Tài: Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 các hoạt động giáo dục phải hướng tới hình thành cho người học 5 phẩm chất, 10 năng lực cốt lõi, cụ thể có hướng đến phẩm chất “Nhân ái, Trung thực, Trách nhiệm”; các năng lực “Giao tiếp hợp tác”, “Giải quyết vấn đề sáng tạo”…. Khi thiết kế các môn học trong chương trình đã xác định rõ các yêu cầu cần đạt của từng lớp, các tác giả viết sách giáo khoa phải nghiên cứu chương trình, yêu cầu cần đạt và rất chú ý đến việc giúp các em hình thành phẩm chất, năng lực thông qua các hoạt động giáo dục.
Có những ngữ liệu trước đây sách giáo khoa chưa để ý đến nhiều, thì giờ được nêu ra rất cụ thể. Ví dụ, tác giả viết sách có thể đưa ra một tình huống: “Gà và vịt là đôi bạn thân, cùng nhau dạo chơi đến một khúc sông, vịt mời gà lên lưng cùng nhau qua sông”. Trong thực tế “gà và vịt” rất khó trở thành đôi bạn thân, nhưng đưa ra tình huống này, các tác giả viết sách muốn thầy cô chúng ta hướng các em đến sự thấu hiểu nhau, chấp nhận nhau, giúp đỡ nhau thì có thể trở thành bạn và cùng chung sống với nhau. Với bậc học mầm non và tiểu học, khi các em đang trong độ tuổi xây dựng khung nhân cách, những thói quen, hành động nào được được khơi gợi, khuyến khích thực hiện nhiều lần sẽ góp phần hình thành phẩm chất, năng lực, giúp định hình khung nhân cách chính cho các em đến sau này, do đó, độ tuổi này rất cần định hướng rõ ràng và phải nuôi dưỡng nhân cách trong niềm vui, sự thân ái. Khi đó, học sinh tham gia các hoạt động học tập, giáo dục trong nhà trường sẽ có “chỉ số hạnh phúc”.
PV: Vậy ông quan niệm thế nào là “chỉ số hạnh phúc” của học sinh?
Ông Thái Văn Tài: Tôi quan niệm, một người làm việc với trạng thái hạnh phúc thì hiệu quả công việc rất cao và con người cũng nhân văn, hướng thiện hơn. Những người làm công tác giáo dục phải có trách nhiệm cùng nhau góp sức tạo ra những “ngôi trường hạnh phúc”, “lớp học hạnh phúc”. Trong nhà trường, “chỉ số hạnh phúc” chính là phải làm sao để biến “nhiệm vụ học tập” sang “nhu cầu học tập”, từ “áp lực học tập” sang “động lực học tập”, đòi hỏi nhà trường phải thay đổi, từ quản lý của người hiệu trưởng đến giao tiếp, đổi mới về phương pháp dạy học của giáo viên, làm sao ghi nhận sự cố gắng của các em nhiều hơn, khơi gợi tinh thần tự giác, trách nhiệm, hợp tác, nhân ái… trong mỗi học sinh, cho dù đó là những tiến bộ nhỏ nhất của các em cũng cần phải được khuyến khích.
Giáo dục tiểu học càng không được phép “bỏ sót” học sinh. Hiện trong đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, giáo viên có thêm hình thức đánh giá là “thư khen”. Khi được khích lệ kịp thời như thế, các em rất vui và ta gọi đó là niềm hạnh phúc của con trẻ.
PV: Ông đã có cuộc thị sát trường tiểu học nào và cảm nhận được niềm hạnh phúc đó hay chưa?
Ông Thái Văn Tài: Cách đây 5– 7 năm trước, ngày khai trường chúng ta thấy các em học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1 rất mệt mỏi. Bây giờ trong ngày khai trường, các em rất hồ hởi, tự tin hơn. Tôi nói điều đó để thấy, giáo dục đang đổi mới. Chỉ số “hạnh phúc” của các em đang được cải thiện, từ trong chương trình, phương pháp giảng dạy, các em được thoải mái phát biểu suy nghĩ của mình. Giáo viên đổi mới trong kiểm tra, đánh giá, không so sánh em này với em khác. Giáo viên có nhiều cơ hội, nhiều không gian, nhiều quyền để đổi mới hơn. Hy vọng đây là bước ngoặt để biến lớp học thành “môi trường hạnh phúc”.
PV: Chúng ta đang phấn đấu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, hạnh phúc cho trẻ. Nhưng thực tế, các trường tiểu học đã làm được điều này hay chưa? Ngoài đổi mới đánh giá, cần phải có những giải pháp nào để trẻ yêu trường, yêu lớp hơn, thưa ông?
Ông Thái Văn Tài: Bộ trưởng Bộ GD & ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo làm sao giảm áp lực hành chính cho thầy cô giáo, nhưng hiện giáo viên đang chịu một áp lực vô hình từ phía xã hội. Do đó, tôi mong các bậc phụ huynh có những hành động, việc làm, có suy nghĩ đồng cảm chia sẻ để giảm áp lực cho giáo viên. Giải phóng áp lực cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, khi đó thầy cô sẽ có nhiều thời gian hơn, nhiều nguồn cảm hứng để thiết kế nhiều hoạt động cùng học sinh có những tiết học hăng say, phấn khởi và vui vẻ.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018, như tôi nói ở trên đang thực hiên thúc đẩy thay đổi việc này một cách mạnh mẽ. Còn về không gian trong nhà trường, tôi cũng mong các nhà trường quan tâm để tạo an toàn tối đa cho trẻ, từ việc sắp xếp bàn ghế, đồ dùng học tập, đến việc rà soát, kiểm tra hệ thống cây xanh. Mới đây, vụ việc một em học sinh ở TP Hồ Chí Minh tử vong vì bị cây phượng bật gốc đè vào thật đau lòng. Do đó, trường nào có hệ thống cây xanh thiết kế chưa phù hợp thì hiệu trưởng phải kiên quyết thay đổi.
Tôi biết có những cây trồng rất lâu trong nhà trường và được coi là biểu tượng lịch sử của nhà trường, nhưng nếu cái cây đó không đảm bảo an toàn cho học sinh, thì nhà trường phải cương quyết điều chỉnh cho phù hợp. Mặt khác, tôi mong thầy cô quan tâm thật sát sao học sinh, để không có trẻ em bị bắt nạt, không có trẻ em bị kỳ thị, bỏ rơi, bởi mọi học sinh sinh ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi vào lớp, thì lớp học phải trở thành ngôi nhà thứ hai của các em, các em mong muốn và được quyền học tập trong các ngôi trường, lớp học hạnh phúc.