Nếu phải đóng BHXH tối thiểu 20 năm, 476.000 người khó có cơ hội nhận lương hưu
Nếu tiếp tục giữ quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu như hiện hành thì sẽ có khoảng 476.000 người đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) khó có cơ hội nhận được lương hưu.
Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm
Ngày 17.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Về điều kiện hưởng lương hưu, dự án Luật BHXH (sửa đổi) quy định giảm số năm BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Vấn đề này đang còn có hai luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến tán thành giảm xuống 15 năm và luồng ý kiến đề nghị giữ 20 năm như luật hiện hành.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành với dự thảo của Chính phủ trình.
Theo bà Thanh, việc quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm là phù hợp với Nghị quyết 28 của Trung ương.
"Đó là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí xuống 15 năm và hướng tới là còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng với quyền lợi BHXH", bà Thanh nêu.
Bà Thanh cũng cho rằng điều này tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn như là 45 - 47 tuổi mới tham gia lần đầu mới bắt đầu tham gia hoặc là những người tham gia liên tục, không liên tục dẫn đến nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH sẽ vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh dẫn chứng, theo số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, nếu tiếp tục giữ quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu như hiện hành thì sẽ có khoảng 476.000 người đã tham gia BHXH khó có cơ hội nhận được lương hưu.
Lý do tiếp theo nữa là mặc dù mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn, nhưng người có thời gian đóng dài và đầy đủ với mức lương hưu hàng tháng ổn định trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế. Điều này sẽ góp phần đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người lao động khi về già.
Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với dự án Luật do Chính phủ trình về việc giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm.
Thời gian đóng quá dài nên người lao động phải rút một lần
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự án Luật BHXH (sửa đổi). Đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây, thời gian đóng BHXH quá dài nên nhiều người lao động rút BHXH một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch COVID-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng BHXH quá dài.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm.
Dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mỗi phương án theo Tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó, phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất một phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án.
Theo đó, đối với những người tham gia sau khi luật có hiệu lực không được rút BHXH 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm.
“Việc làm này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội”, ông Huệ nêu.
Không lo vỡ quỹ BHXH
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Quỹ BHXH là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách, là quỹ tập trung lớn nhất chỉ sau ngân sách.
“Tính chất của Quỹ do nhà nước bảo trợ nên trước đây cứ nói khái niệm vỡ quỹ hay không. Nhưng khẳng định không có khái niệm vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội, vì chúng ta có các chính sách thiết kế cân đối để đảm bảo”, ông Huệ nói.
Về quy định nâng cấp mô hình hoạt động Quỹ, trước đây Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng Quỹ, song dự án luật đề xuất Phó thủ tướng Chính phủ sẽ đảm nhận Chủ tịch Hội đồng Quỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ việc sửa đổi mô hình này, lý do là Hội đồng quản lý Quỹ phải có bộ máy giúp việc, có tính chất độc lập.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc lại thời điểm sơ suất khi Quỹ BHXH cho Công ty ALC II vay hàng nghìn tỉ đồng trái quy định, sau đó kỷ luật nhiều người. Điều này rất rủi ro, vì thế cơ chế kiểm soát phải nghiên cứu, tính toán. Trong khu vực cũng có những nước dùng tạm ứng quỹ cho vay đầu tư xây dựng cơ bản bị kỷ luật rất cao.
Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện nay có nhiều đối tượng lao động mới tham gia như mô hình 4.0 về kinh tế chia sẻ, quan hệ lao động rất khác. Trước đây chỉ là giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng hiện nay là 3 bên vì thêm công ty nền tảng như Grab. Ngoài ra, có các đối tượng lao động tự do, lao động từ xa, nên phải tính lương tối thiểu theo giờ.