Nếu 'quay xe' kế hoạch mua Twitter, Elon Musk sẽ mất gì?

Theo Wall Street Journal, có nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ phú Elon Musk đang bắt đầu căng thẳng về việc thâu tóm Twitter Inc., chỉ vài tuần sau khi đạt thỏa thuận mua lại mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD...

Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: Getty Images

Ông Musk, CEO Tesla, gần đây cho biết thương vụ này sẽ bị hoãn lại cho đến khi ông nhận được thêm thông tin về tỷ lệ tài khoản rác trên nền tảng Twitter.

Nhiều năm qua, trong các văn bản gửi lên cơ quan chức năng, Twitter ước tính tài khoản rác chiếm dưới 5% trong tổng số người dùng hoạt động hàng ngày, nhưng cảnh báo rằng con số này có thể cao hơn.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh các cổ phiếu công nghệ - bao gồm cổ phiếu Tesla, tài sản mà ông Musk dự định dùng làm thế chấp để vay tiền mua Twitter – đang đối mặt nhiều áp lực. Trong khi đó, hội đồng quản trị Twitter cho biết họ dự định thực thi thỏa thuận với mức giá 54,2 USD/cổ phiếu.

Câu hỏi nhiều người quan tâm hiện tại là liệu Musk có thể rút lại thương vụ này bất kỳ lúc nào hay không?

Theo Wall Street Journal, điều này không hề dễ dàng bởi cả hai bên đều đã ký một thỏa thuận - tài liệu chi tiết quy định chính xác những gì mỗi bên sẽ làm để đảm bảo thỏa thuận đã ký được hoàn tất và quyền lợi hợp pháp của mỗi bên trong trường hợp bên còn lại không thực hiện. Thỏa thuận này giống như một hợp đồng mua nhà.

Có ít nhất 3 kịch bản rõ ràng cho việc này bao gồm: cơ quan chức năng ngăn chặn thương vụ, các khoản vay không được giải ngân hoặc ông Musk chủ động rút khỏi thương vụ.

Trong trường hợp này, ông Musk đã thúc đẩy nhanh chóng đàm phán thỏa thuận và đã đi đến một hợp đồng với một số điều khoản có lợi cho bên bán. Ví dụ, ông đã miễn trừ cho Twitter trách nhiệm giải trình chi tiết mà bên mua thường yêu cầu (giống như bỏ qua việc kiểm tra khi mua nhà) và cho Twitter quyền khởi kiện để buộc ông thực hiện thương vụ - điều khoản pháp lý được gọi là: “Buộc thực hiện đúng hợp đồng”.

Cả hai bên cũng đã ký thỏa thuận thanh toán một khoản phí phá hợp đồng là 1 tỷ USD nếu họ khiến cho thương vụ không thể được thực hiện vì lý do nào đó. Khoản phí phạt này được đưa ra nhằm ngăn chặn các bên phá hợp đồng và giải quyết sự bất tiện cũng như chi phí nếu thương vụ thất bại.

Có ít nhất 3 kịch bản rõ ràng cho việc này bao gồm: cơ quan chức năng ngăn chặn thương vụ, các khoản vay không được giải ngân hoặc ông Musk chủ động rút khỏi thương vụ.

Ở kịch bản thứ ba, ông Musk có thể chỉ ra rằng Twitter đã thay đổi đáng kể theo chiều hướng xấu đi so với thời điểm hợp đồng được thỏa thuận – một khái niệm được gọi "thay đổi bất lợi nghiêm trọng".

Nếu tỷ phú này tin rằng tỷ trọng tài khoản rác mà Twitter công bố tài thời điểm ký thỏa thuận là không chính xác, các luật sư của ông có thể tìm cách khởi kiện vấn đề này theo nhiều cách khác nhau, bao gồm xem đây là “thay đổi bất lợi nghiêm trọng”, hoặc cáo buộc Twitter cũng cấp thông tin sai lệch trong các báo cáo của mình. Hiện chưa rõ liệu các cách này có thành công hay không, nhưng chúng mở ra cánh cửa để hai bên thảo luận dàn xếp lại thương vụ.

Về phía Twitter, hội đồng quản trị công ty đang hiểu rằng thỏa thuận của hai bên vẫn có hiệu lực và là lựa chọn tốt nhất cho các cổ đông. Do đó, mạng xã hội này được cho là sẽ sẵn sàng khởi kiện Musk với điều khoản “Buộc thực hiện đúng hợp đồng”, đồng nghĩa có thể buộc Musk phải thực hiện thương vụ hoặc bồi thường cho công ty một mức hợp lý.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng yêu cầu ông Musk không được chê bai Twitter và các đại diện của công ty trên nền tảng này. Tuy nhiên, những dòng tweet gần đây của ông có thể đã vượt qua ranh giới đó. Mặc dù Twitter có thể vin vào hành vi này để kiện Musk, nhưng hiện tại công ty có vẻ đang tập trung vào việc chốt thương vụ hơn là bắt đầu các vụ kiện nhỏ có thể khiến mọi việc thêm phức tạp.

Hiện tại, vẫn còn quá sớm để nói về những gì có thể xảy ra. Thương vụ này vẫn có thể diễn ra và hoàn tất sớm nhất vào mùa hè này nếu cả hai tiếp tục xúc tiến. Một kịch bản khác là hai bên sẽ đàm phán dàn xếp, đặc biệt là khi ông Musk có ý định rút khỏi thỏa thuận hoặc tìm cách hạ giá.

Kể cả khi các điều khoản hợp đồng được viết rõ ràng, vẫn thường xảy ra xung đột và dẫn tới việc thương lượng dàn xếp, bao gồm việc giảm giá hoặc thanh toán một lần.

Năm 2020, “đế chế” hàng xa xỉ LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SE đã cố gắng rút khỏi thỏa thuận mua lại Tiffany & Co. với giá 16,2 tỷ USD do dại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nhu cầu trang sức cao cấp. Sau đó, Tiffany đã khởi kiện để buộc LVMH tiếp tục thương vụ nhưng tập đoàn Pháp phản đối, cho rằng việc kinh doanh bị tổn hại sâu sắc nên thỏa thuận ban đầu của họ không còn hiệu lực. Hai bên sau đó đã đồng ý hạ giá 430 triệu USD cho thương vụ này và giải quyết các vụ kiện tụng liên quan.

Ngọc Trang -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/neu-quay-xe-ke-hoach-mua-twitter-elon-musk-se-mat-gi.htm