Ngã ba Đồng Lộc - một biểu tượng cao đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam

Từ lâu, ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như một địa danh huyền thoại. Nơi đây sáng mãi ngọn lửa thiêng tôn vinh dòng máu kiên trung, bất khuất mà đằm thắm, tươi trong như nguồn mạch sông La, thiết tha hiến trọn thân mình cho non sông, đất nước của những người con trung hiếu. Bởi vậy, ngã ba Đồng Lộc có sức thôi thúc, lay động lòng người, nhất là đối với lớp trẻ mong được một lần đến đây chiêm ngưỡng, bái vọng.

Trung tuần tháng 7, dù cái nóng miền Trung rát bỏng cộng với gió Lào táp mặt, sạm da nhưng những đồng đội của Tiểu đoàn V - Phai Khắt năm xưa với lòng ngưỡng vọng tha thiết của mình vẫn hòa vào dòng người từ khắp mọi miền đất nước nối đuôi nhau hành hương về ngã ba Đồng Lộc để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính và tri ân những anh hùng liệt sĩ, trong đó có 10 cô gái thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại tọa độ lửa này.

Khu di tích ngã ba Đồng Lộc được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, diện tích rộng 0,6 km2. Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là tượng đài chiến thắng nằm giữa thung lũng trong Công viên Tuổi Trẻ, nơi này xưa chi chít hố bom. Phía trước mặt tượng đài là ngã ba - nơi giao nhau của ba huyết mạch và dãy núi Trọ Voi, sau lưng tượng đài là dãy núi Mũi Mác. Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, của ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan, nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công an, dân quân du kích…

Cách tượng đài không xa là cột biểu tượng lưu niệm của ngành giao thông - vận tải nằm ngay chính giữa ngã ba, nơi giao nhau của tuyến đường Lạc Thiện - Đồng Lộc, Khe Giao - Đồng Lộc, Ba Giang - Đồng Lộc. Đối diện cột biểu tượng là nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng năm 1998, khắc tên 1.950 anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc. Nhà bia tưởng niệm chính là trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử, là hiện thân của lực lượng “Vai trăm cân, chân ngàn dặm” không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập, tự do của tuổi trẻ trên mọi miền đất nước. Tên tuổi của các anh, các chị sẽ lưu danh muôn đời để lớp lớp con cháu ngưỡng vọng, tôn kính và tự hào.

Trong quần thể khu di tích lịch sử, điểm có sức hấp dẫn và lay động lòng người hơn cả là khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong. Khu mộ được đặt ở vị trí cao ráo, thoáng đãng nhất, tựa lưng vào dãy đồi Trọ Voi cao vút thông xanh, phía dưới là một khoảng sân rộng và xa xa là bạt ngàn hoa mua đang khoe sắc tím như muốn nói với khách thăm viếng rằng cả 10 cô gái - 10 thiên thần ấy ra đi đang độ tuổi khát khao một tình yêu cháy bỏng, thủy chung, vẹn toàn. Xúc động, tự hào trước 10 đóa hoa trinh liệt của đất nước, cả đoàn chúng tôi không ai bảo ai lặng lẽ đứng thành hàng, kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn các chị. Và từ nơi sâu thẳm của lòng mình, chúng tôi mãi mãi ghi lòng tạc dạ sự hy sinh cao cả của các chị, cầu cho các chị mồ yên, mả đẹp để từ nơi chín suối các chị phù hộ cho lớp trẻ hôm nay hãy làm nhiều việc nghĩa cho đất nước, cho dân tộc.

Sau phút mặc niệm, chúng tôi lần lượt đi thắp hương và dâng những nhành hoa lay ơn trắng muốt lên mộ từng chị. Đi qua từng ngôi mộ, trước những bát hương nhiều tầng thẻ chồng lên nhau lúc nào cũng nghi ngút khói và nhìn những chiếc lược xinh xắn nhiều màu đặt trên mộ, chúng tôi không ai có thể cầm được nước mắt. Xúc động nối tiếp xúc động, tự hào nối tiếp tự hào, song phút xúc động sâu xa, lắng đọng nhất là khi nghe nữ thuyết minh viên với chất giọng xứ Nghệ trầm ấm và truyền cảm thật sự làm cho chúng tôi ai cũng chứa chan nước mắt khi được biết cả 10 chị đều hy sinh ở tuổi từ 18 - 24 bởi một quả bom của giặc Mỹ vào lúc 16 giờ ngày 24/7/1968. Dẫu rằng giặc Mỹ đã cướp mất tuổi thanh xuân của các chị cách đây 55 năm nhưng khi đứng trước 10 ngôi mộ qua những làn hương mỏng như nối hai bờ hiện thực với tâm linh ta có cảm tưởng như các chị vừa mới ngã xuống hôm nào. Hơi ấm vẫn còn đây và các chị vẫn theo ta suốt cuộc hành trình, xin ngàn lần tạ ơn các chị.

Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Internet

Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Internet

Có được cuộc sống thanh bình như hôm nay chúng ta không thể không nhắc đến sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có 10 cô gái thanh niên xung phong trinh trắng này. Đó là các chị: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường, Hà Thị Xanh, Trần Thị Rạng, Võ Thị Hà đều là những người con thân yêu của quê hương Hà Tĩnh kiên cường. Các chị là những thiên thần căng bầu máu nóng của tuổi 20 cùng đồng đội băng mình xông trận và đã ngã xuống trên đất mẹ thân yêu, hy sinh trong bom đạn hủy diệt của kẻ thù vì sự sống còn của tuyến đường huyết mạch quan trọng nhất chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ năm xưa. Các chị đã trở thành biểu tượng anh hùng, lung linh ánh hào quang chiến thắng của những người con gái Việt Nam.

Phải nói rằng, ngã ba Đồng Lộc có vị trí rất quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam, là giao điểm của đường 15 và các tuyến đường liên tỉnh. Từ đây có thể mở rộng ra các hướng phục vụ nhu cầu giao thông - vận tải khi các tuyến giao thông ở đồng bằng đã bị cắt đứt, đây cũng là nơi có địa hình phức tạp và hiểm yếu. Toàn bộ khu vực ngã ba Đồng Lộc nằm trên một khu đồi hẹp, địa hình trống trải, phía dưới là sình lầy, mùa khô đường bụi đỏ, mùa mưa nước đọng nếu bị địch đánh phá thì khắc phục rất khó khăn. Đầu tháng 4/1968, địch tập trung đánh phá tuyến đường số 1, đến ngày 20/4/1968 đường số 1 bị cắt đứt, ta phải chuyển hướng vận tải sang tuyến đường 15 trên vùng rừng núi phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh. Lúc đó ngã ba Đồng Lộc là nơi duy nhất cho con đường vận tải chiến lược Bắc - Nam.

Nhận rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, địch tập trung đánh phá ác liệt ngay từ đầu. Chỉ từ tháng 4 - 10/1968, chúng ném xuống đây gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rốc két và đạn 20 ly. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất là 103 lần với trên 800 quả bom các loại. Suốt ngày đêm Đồng Lộc không lúc nào ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Cùng một lúc chúng ném xuống các loại bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường… Ban ngày chúng tập trung đánh chặn các lối ra vào ngã ba, ban đêm chúng thả pháo sáng, ném bom bi, đạn rốc két, đạn 20 ly nhằm tiêu diệt các lực lượng ứng cứu đường của ta. Chúng quyết tâm biến nơi này thành một bãi hoang không một bóng người, không một chuyến xe qua. Nhưng với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, Đảng và Nhà nước ta tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương của tỉnh Hà Tĩnh huy động lực lượng dồn sức cho Đồng Lộc để giữ vững mạch máu giao thông quan trọng này. Các tổ quan sát, đếm bom, cắm tiêu, rà phá bom, bộ phận ứng cứu đường cùng mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự an ninh được hình thành. Quá trình chiến đấu đảm bảo giao thông vận tải ở đây còn có sự đóng góp rất to lớn của nhân dân và dân quân du kích địa phương. Hàng vạn người được huy động ra mặt đường làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình nhường nhà, nhường vườn để làm kho, làm nơi cứu thương, thậm chí cho dỡ nhà, đưa ván lát đường chống lầy cho xe qua. Những việc làm cao cả và ý nghĩa ấy góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống trên “tọa độ chết” năm nào nay đang từng ngày thay da, đổi thịt, hòa cùng cả nước tiến bước trên con đường hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hình ảnh Đồng Lộc quật khởi vươn lên vẫn còn ghi đậm mãi trong tâm khảm của người dân Hà Tĩnh và là niềm tự hào của nhân dân cả nước, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Chu Sĩ Liên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nga-ba-dong-loc-mot-bieu-tuong-cao-dep-ve-chu-nghia-anh-hung-cach-mang-viet-nam-3171477.html