Nghệ sĩ ưu tú Phạm Văn Doanh: 'Tôi chỉ nghỉ hưu thực sự khi không còn khả năng cống hiến'

Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu chèo, NSƯT Phạm Văn Doanh không ngừng cống hiến cho nền nghệ thuật dân tộc và đã đạt được những thành công nhất định. Không chỉ biểu diễn trong nước, cùng với đồng nghiệp, anh đã đưa nghệ thuật chèo đến nhiều nơi trên thế giới.

Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Văn Doanh.

Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Văn Doanh.

- Gắn bó và dành nhiều tâm huyết cho nghệ thuật chèo, có phải chăng tuổi thơ anh đã được tiếp xúc với chèo, và xung quanh anh có nhiều động lực thúc đẩy anh theo đuổi loại hình nghệ thuật này?

- Nói như vậy cũng rất phải. Mẹ tôi không phải nghệ sĩ, nhưng tôi đã được nghe mẹ hát chèo từ những ngày tấm bé còn ở Thái Bình. Gia đình tôi cũng có một số người hoạt động nghệ thuật. Bác tôi là nghệ sĩ sáo trúc ở Đoàn văn công Quân khu 3. Cậu tôi cũng là nghệ sĩ sáo trúc của Đoàn chèo Hải Phòng, sau này cậu là người dạy tôi thổi sáo và đưa tôi đi xem chèo, khơi dậy niềm yêu nghệ thuật trong tôi. Từ đó tôi bắt đầu tập tành thổi sáo, năm ấy tôi 11 tuổi.

Đó là cơ duyên của tôi nhưng nếu không có mọi người ủng hộ thì niềm đam mê khó lớn lên được. Mẹ tôi mê nghệ thuật, từ khi tôi biết thổi sáo thì mỗi lần có khách đến chơi, bà đều bảo tôi biểu diễn… tại gia. Sau này ở trường, tôi được mọi người tán thưởng vì biết sử dụng sáo trúc, tôi tự hào lắm. Chính niềm đam mê ấy đã thúc đẩy tôi tiếp tục đi học sáo, rồi sau này đầu quân cho Nhà hát Chèo Việt Nam.

- Là một người yêu sáo trúc, anh có thể chọn nhiều loại hình khác để biểu diễn, tại sao anh lại chọn sân khấu chèo là nơi dừng chân?

- Như tôi đã nói, tuổi thơ của tôi được gắn bó nhiều với chèo. Đó là một duyên cớ để tôi theo nghề. Và càng học, tìm hiểu sâu tôi mới thấy, sân khấu chèo có vị trí hết sức quan trọng và đặc biệt. Chèo hội tụ đầy đủ những yếu tố để cho tôi phát triển và thể hiện kỹ thuật cho ngón sáo của mình.

Khi đi biểu diễn quốc tế, đặc biệt là ở châu Âu, khán giả rất hâm mộ và đánh giá cao về giai điệu của chèo. Chèo được hình thành từ nền văn minh lúa nước thuộc Đồng bằng châu thổ sông Hồng, chèo mang đậm nét văn hóa của dân tộc Việt Nam, giữ vững được nét văn hóa là giữ được hồn cốt của dân tộc, điều đó thúc đẩy tôi chọn sân khấu chèo là nơi thả hồn và thể hiện tài năng của mình.

- Là một nghệ sĩ sáo trúc có thâm niên ở Nhà hát Chèo Việt Nam, anh đánh giá như thế nào về vai trò của sáo trúc nói riêng, và vai trò của bộ hơi nói chung đối với loại hình nghệ thuật chèo?

- Không phải vì là nghệ sĩ sáo trúc mà tôi đề cao vai trò của bộ hơi, nhưng công bằng mà nói thì bộ hơi thực sự rất quan trọng với những vở chèo. Bộ hơi trong chèo gồm sáo và tiêu. Ngày nay, nghệ sĩ sáo trúc trong dàn nhạc chèo phải thông thạo cả sáo và tiêu, nhằm phục vụ cho những lớp diễn tình cảm, da diết, buồn bã hay hứng khởi… một cách phù hợp. Sáo trúc giống như cây thanh mẫu lấy dây chuẩn cho cả dàn nhạc. Ngày trước chưa có thanh mẫu hoặc máy lên dây như hiện nay, trước giờ diễn người thổi sáo phải tấu lên để cho các cây khác lên dây chuẩn, vì sáo được khoét âm chuẩn theo mẫu với tần số 440Hz. Bởi thế sáo được đánh giá cao, đóng vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong dàn nhạc chèo.

Hơn thế nữa, sáo và tiêu được thể hiện theo 3 cách đều đạt được tính hiệu quả trong dàn nhạc chèo: Độc tấu, hòa tấu và đệm cho hát. Về độc tấu thì chỉ cần một cây sáo cũng chơi được trọn vẹn cả một bài hát chèo, để tôn thêm vẻ đẹp cho tiếng sáo thì cần thêm 5, 6 cây nhạc đệm cho sáo độc tấu giai điệu chính thì đó là một điều tuyệt vời.

Ngày nay, với sự nỗ lực tiếp thu kỹ thuật và khổ luyện thì tôi đã chơi sáo như người hát. Đối với hòa tấu, sáo trúc đã cùng với dàn nhạc phân bổ ra từng câu, từng chỗ hát phân công hợp lý để kết hợp cùng đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu… Lúc thì đi giai điệu thay hát, lúc thì đánh đệm cho các nhạc cụ khác để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo gửi đến khán thính giả.

- Ngoài việc biểu diễn, anh còn tham gia thêm các hoạt động đào tạo, xin anh chia sẻ những dự định của mình trong thời gian sắp tới?

- Chỉ còn hơn 2 năm nữa là tôi đến tuổi nghỉ hưu, nên cũng chẳng có dự định gì to tát. Tôi chỉ mong muốn đào tạo thêm nhiều nghệ sĩ để họ có thể thay thế chỗ của tôi ở trong đoàn. Thời gian sắp tới, tôi sẽ tiếp tục tham gia giảng dạy sáo trúc chèo tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, thu thanh những làn điệu chèo để đưa lên các trang mạng cho những người đam mê sáo trúc và yêu thích chèo tự học theo. Ngoài ra, tôi vẫn sẽ tham gia biểu diễn ở mọi “mặt trận” nếu được yêu cầu. Tôi sẽ tận hiến. Tôi nghĩ rằng, tôi chỉ nghỉ hưu thực sự khi không còn khả năng cống hiến nữa.

- Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện hôm nay. Chúc anh nhiều sức khỏe.

Nguyễn Nhật Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nghe-si-uu-tu-pham-van-doanh-toi-chi-nghi-huu-thuc-su-khi-khong-con-kha-nang-cong-hien-678634.html