Ngã ba Đồng Lộc những ngày tháng 7
Tháng 7 tri ân, những dòng người lại nối dài về với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.

Ngã ba Đồng Lộc ở xã Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2. Trong những năm chiến tranh, nơi đây là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.

Những ngày này, du khách khắp mọi miền đất nước tìm về đây để tri ân các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của đất nước.

Từng dòng người nối tiếp nhau, tay cầm hoa cúc trắng, nén hương để dâng lên khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong.



Tất cả đều kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ.

Một em bé dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Trong dòng người ấy, có rất nhiều cựu chiến binh với mong muốn được đến mảnh đất này để dâng nén hương thơm cho đồng đội.

Cựu binh Lê Thị Hà (ở Thanh Hóa) cho biết, những ngày tháng 7 lịch sử, bà thường trở về các địa chỉ đỏ, trong đó có Ngã ba Đồng Lộc để dâng hương, tưởng nhớ tới những đồng đội đã hy sinh, để ôn lại những tháng ngày hào hùng của dân tộc. "Nhiều lần về đây để dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ nhưng lần nào tôi cũng nghẹn ngào, xúc động trước sự hy sinh anh dũng của những người đồng đội", bà Hà chia sẻ.

Những người tới đây đều chung cảm xúc, rưng rưng, bồi hồi xúc động khi nghe lại câu chuyện của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh ở nơi đây để bảo vệ huyết mạch giao thông.

Câu chuyện về sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong, cùng anh linh của các chiến sĩ ngã xuống nơi đây làm nên biểu tượng về một Đồng Lộc linh thiêng, bất tử.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bụi thời gian đã in hằn lên lên từng trang lịch sử, nhưng các chị vẫn luôn bất tử trong trái tim của của muôn người dân nước Việt!

Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc luôn được quét dọn sạch sẽ.

Các đoàn viên thanh niên dọn dẹp, chỉnh trang lại Khu di tích. Đây được xem là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ thể hiện lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với với các lớp cha anh đã anh dũng ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đồng Lộc - Vọng mãi lời tri ân" tái hiện ký ức Đồng Lộc năm xưa như một nén tâm nhang thành kính dâng lên những người đã hy sinh trên mảnh đất này.

Ông Đặng Quốc Vũ, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc cho biết, những ngày đầu tháng 7, trung bình mỗi ngày nơi đây đón 3.500 - 4.000 lượt khách. Ban Quản lý xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai kịp thời các phần việc, đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực để người dân mọi miền về tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Trong những năm chiến tranh Ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Đây được coi là “yết hầu” của mạch giao thông nối liền “hậu phương lớn miền Bắc” với “tiền tuyến lớn miền Nam”. Theo đó, từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Mỹ đã đánh phá 2.000 lần và gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân mỗi m2 ở đây phải hứng chịu trên 3 quả bom tấn.
Vào lúc 16h ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 Đại đội 552 được lệnh ra trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom, sửa chữa đường, củng cố hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo cách Ngã ba Đồng Lộc về phía Nam khoảng hơn 300m. 10 cô gái ra đến hiện trường, nhanh chóng triển khai công việc. Bỗng một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại thả một loạt bom trúng đội hình 10 cô gái.
Sau loạt bom tàn khốc của kẻ thù, cả 10 cô gái đã hy sinh kiên cường, dũng cảm khi tuổi đời còn rất trẻ: Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (20 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi).
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nga-ba-dong-loc-nhung-ngay-thang-7-169250724094737428.htm