Ngã ba phố và mặt gương thời gian

Những phố nhỏ quanh hồ Thiền Quang ở Hà Nội vốn là nơi ở của những công chức thuộc địa, ban đầu mang những cái tên Tây tương ứng với chính cái tên Halais (Ha-le) quen thuộc mà người ta dùng để gọi hồ này cho đến tận gần đây mới bớt dần. Sau năm 1945, nhất là sau 1954, tên các phố đổi thay và khu vực này thành nơi ở của nhiều văn nghệ sĩ từ kháng chiến về.

Khu vực những phố nhỏ xung quanh hồ Thiền Quang ở Hà Nội vốn là nơi ở của những công chức thuộc địa, ban đầu mang những cái tên Tây tương ứng với chính cái tên Halais (Ha-le) quen thuộc mà người ta dùng để gọi hồ này cho đến tận gần đây mới bớt dần. Sau năm 1945 và nhất là sau 1954, tên các phố đổi thay và khu vực này thành nơi ở của khá nhiều văn nghệ sĩ từ kháng chiến về.

Hồ Thiền Quang được hình thành vào khoảng thập niên 1930, vốn là một phần của hồ Liên Thủy rộng hơn trước đó, dần dà tách thành một hồ được gọi là Thiền Quang trên, còn phần Thiền Quang dưới thông với hồ Bảy Mẫu dự kiến san lấp để mở phố. Hồ được quy hoạch dạng một vườn hoa lọt trong ô phố hình chữ nhật, được giới hạn bằng các tuyến phố Nguyễn Du, Trần Bình Trọng, Trần Nhân Tông và Quang Trung, đều là những tên được đặt từ sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Trong tương quan phát triển của thành phố Hà Nội, khu vực này là bước mở rộng của khu phố Tây song với quy mô phù hợp với mức sống công chức bản địa và mang yếu tố đậm nét của hình thái thành phố vườn. Hồ Thiền Quang chính là một phép thử cho hình thái này, bắt đầu từ trục phố Nguyễn Du, nơi gần như đánh dấu sự thay đổi không gian kiến trúc từ các đại lộ lớn như Carreau (Lý Thường Kiệt), Gambetta (Trần Hưng Đạo) sang các phố nhỏ hơn.

1. Con phố Nguyễn Du được đặt theo tên nhà thơ dân tộc từ ngày 1.12.1945, thay cho 3 tên phố Tây, trong đó có đoạn phố Halais, vốn là tên một đốc lý người Pháp. Khu vực này hình thành từ cuối thập niên 1930 và tiếp tục được triển khai cho đến thập niên 1950, mang nhiều nét của trào lưu kiến trúc hiện đại (Modernist) và kiến trúc Đông Dương (hình thức mái ngói, hàng hiên và trang trí dùng các chi tiết mô phỏng kiến trúc truyền thống). Trong khi Trần Nhân Tông chỉ hoàn thiện đoạn chạy qua hồ vào giữa thập niên 1950 thì Trần Bình Trọng nối dài từ cạnh bên của khu Đấu Xảo cũ xuống tới khu vực này. Quang Trung là một trục đường tương đối quan trọng của khu phố Pháp, giao cắt với những đại lộ, nối từ khu Nhà Chung qua các khu công sở để rồi đến hồ Thiền Quang tạo thành ngã ba với Trần Nhân Tông.

Do quy hoạch tạo ra những đoạn phố ngắn nối các trục vuông góc với nhau nên trên phố này và những phố lân cận có khá nhiều ngã ba, tương ứng với các biệt thự và nhà liền kế có quy mô trung bình, nhỏ hơn nhiều các biệt thự lớn ở các đại lộ phía trên dành cho người Pháp. Phố Nguyễn Du cũng gần trùng với ranh giới hai quận trung tâm là Hoàn Kiếm (bắc) và Hai Bà Trưng (nam). Chính giữa phố là ngã ba với phố Liên Trì, cái tên gợi nhớ tên một ngôi chùa cũ bên hồ Liên Thủy hay Liên Đường, tên của một hồ lớn vào thế kỷ XIX mà sau đã lấp bớt còn phạm vi hồ Thiền Quang ngày nay. Trong khi đó, chính Thiền Quang cũng là tên một làng đã di dời, nay còn nếp chùa nằm trong cụm ba ngôi chùa Quang Hoa - Pháp Hoa - Thiền Quang ở phía tây của hồ, bên số lẻ phố Trần Bình Trọng.

"Mặt hồ này trở thành không gian tựa như đáy giếng trong thần thoại thu nhận những bí mật".

"Mặt hồ này trở thành không gian tựa như đáy giếng trong thần thoại thu nhận những bí mật".

Xung quanh đoạn phố này là các ngã ba với các phố nhỏ như Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Thượng Hiền, Thiền Quang, Hồ Xuân Hương... Đến lượt các phố này cũng tạo tiếp những ngã ba với các phố lân cận như Yết Kiêu, Quang Trung. Những đoạn phố ngắn với những biệt thự và nhà liền kế tĩnh lặng là sắc thái chung của khu vực này cho đến cuối thế kỷ XX. Một cư dân của khu vực này là nhà văn Tô Hoài đã viết:

“Người ta nói ngày trước lòng hồ ăn vào tận đầu phố, có cầu ao bắc ra, nước ăn nước rửa đều ở hồ. Bây giờ hồ lùi ra bên kia đường, nhưng mỗi khi mưa to lại như hồ ngày trước, nước dềnh vào tận các phố, các ngõ, có khi ngập liền mấy ngày.

Dáng dấp các phố vùng này cũng là kiến trúc phố cũ thời Pháp. Không đặt tên phố (rue) mà Tây gọi là khu vườn phố (cité immobilìere), không biết ai đã dịch ra là xóm, giữa phường phố có một cái xóm. Các ngõ ngoắt ngoéo, có đến năm sáu lối thông ra các phố bên. Nhà xây đá tảng chống ngập nước một tầng lửng, cột đá cột gạch đỡ sàn gỗ… Xung quanh mỗi nhà, vườn nho nhỏ, cây nhãn, cây cau. Ở đây trước xưa khi chỉ có người Pháp ở, thường là công chức các sở Liêm phóng Bắc kỳ, công ty Hỏa xa Vân Nam, những công sở gần đấy” (Chiều chiều, chương XI).

2. Điều đặc biệt của khu phố bàn cờ nhiều ngã ba này là chúng được nhớ đến nhờ ảnh hưởng văn hóa của thi ca, những “phố Quang Trung đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng” (Nhớ về Hà Nội - Hoàng Hiệp) đã thành một ký ức của những người gắn bó với Hà Nội. Một cách hữu lý là việc đặt tên các danh nhân cho đường phố ở quanh hồ Thiền Quang phần lớn là các thi hào hoặc quan lại có trước tác để lại cho hậu thế. Cũng là sự tình cờ khi nhiều ngôi nhà là những địa chỉ văn hóa hay nơi cư trú của những văn nghệ sĩ sau năm 1954.

Cánh tây của hồ Thiền Quang có phần nhiều biệt thự lớn hơn, do tiếp giáp các phố của người Pháp trước đây. Số nhà 40 Quang Trung ở ngã ba với Nguyễn Gia Thiều vào năm 1946 là nơi đã diễn ra các hội nghị của Hội Văn hóa Cứu quốc, một định chế quan trọng trong việc hình thành các tổ chức văn hóa theo hệ tư tưởng Marxism sẽ thành chủ đạo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khi đó, ngôi nhà số 7 Ôn Như Hầu (tên cũ phố Nguyễn Gia Thiều, gọi theo tước hiệu của nhà thơ quý tộc thế kỷ XVIII này) từng là cơ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng, tổ chức đối địch với Việt Minh trong thời điểm năm 1945-1946, liên quan đến một số văn nghệ sĩ của Tự lực Văn đoàn trước đó như Nhất Linh, Hoàng Đạo.

Vụ án diễn ra tại ngôi nhà này vào tháng 7.1946 đã chính thức loại trừ liên minh Việt Quốc - Việt Cách khỏi cơ cấu quyền lực của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời khoác cho con phố nhỏ này một “lý lịch” nhiều phần bí hiểm cho đến nhiều thập niên sau.

Chùa Pháp Hoa nhìn ra hồ Thiền Quang.

Chùa Pháp Hoa nhìn ra hồ Thiền Quang.

Ngã ba Hồ Xuân Hương và Quang Trung cách đó chừng trăm mét là nơi có biệt thự của những nhân vật như luật sư Trần Văn Chương (cha của bà Trần Lệ Xuân) hay doanh nhân Đức Minh (Bùi Đình Thản), người đã từng sở hữu một phần bách hóa Godard cũ (nay là Tràng Tiền Plaza) và bộ sưu tập tranh gồm những tác phẩm nổi tiếng nhất của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân. Cuối thập niên 1960, giới thưởng ngoạn nghệ thuật Hà thành vẫn có cơ hội ngắm tác phẩm này cho đến khi bộ sưu tập đã chia cho các hậu duệ của ông Đức Minh (ông mất năm 1983), đem theo sự bí ẩn về số phận của bức tranh danh giá nhất hội họa Việt Nam. Các ngôi biệt thự ở ngã ba này đã không còn, đều thay bằng các tòa cao ốc mới, để lại nỗi bâng khuâng cho những người còn nhớ về phố của tầng lớp thượng lưu một thuở.

Cánh đông của hồ Thiền Quang vẫn còn một vài số nhà của cư dân ven hồ bên cạnh ba ngôi chùa và hòn đảo duy nhất có Nhà Văn hóa Học sinh - Sinh viên. Các phố lân cận gần với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng chính là Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập đúng 100 năm trước, cùng lúc khu vực hồ Thiền Quang bắt đầu triển khai quy hoạch. Nhiều văn nghệ sĩ, nhất là các họa sĩ, chọn sống ở khu vực này. Ngã ba Thiền Quang - Yết Kiêu cách không xa Trường Mỹ thuật là nơi có lớp dạy vẽ quen biết với nhiều thế hệ học trò của họa sĩ Phạm Viết Song ở số nhà 13 Thiền Quang. Lớp vẽ ông Song đã thành một địa chỉ văn hóa, nhiều người học xuất thân công nhân và người lao động ở các nhà máy, xí nghiệp đã từ đây đỗ vào các trường có ngành mỹ thuật, trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Trước đó, gia đình họa sĩ ở phố Nguyễn Du và dọn về đây từ năm 1962.

Chỉ quá vài bước chân là số nhà 108 Yết Kiêu, ngay ngã ba với phố Vũ Hữu Lợi, gắn với tên tuổi một tác giả mà người Việt Nam nào cũng biết là nhạc sĩ Văn Cao. Nhưng đấy vẫn chưa phải địa chỉ duy nhất. Trước cách mạng, Văn Cao đã từng ở nhờ người bạn ở căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền cách đó 130m, nơi ông đã viết bài Tiến quân ca trong hoàn cảnh thiếu ăn mùa đông rét cuối năm 1944. Gần như là hàng xóm với Văn Cao là nhà thơ Trần Dần, ở phố Vũ Hữu Lợi bên cạnh. Những năm tháng dài dằng dặc sau thời kỳ Nhân văn Giai phẩm, các ông âm thầm sống, viết và vẽ ở những ngã ba này.

Với Văn Cao, đó là phố có tiếng còi tàu đêm đông: “Gió cuối năm luồn vào phố hẹp/ Ruột phố Hà Nội cũ” (Một đêm Hà Nội), khi đường tàu hỏa dọc đường Nam Bộ (Lê Duẩn hiện nay) cũng chỉ cách căn nhà một ô phố. Với Trần Dần là phố xộc xệch: “Phố nào xiên vào phố đông/ Chơm chớp đèn mi lam... tơ bòng mớ phố/ Biết đâu phố nào đục/ Thành quách bàn cờ đâu biết phố nào trong?” (Gái trai thành quách bàn cờ).

Đi quá xuống ngã ba Yết Kiêu - Nguyễn Thượng Hiền là lối về của nhà thơ Tế Hanh và họa sĩ Trần Văn Cẩn cùng ở số nhà 10. Và nơi này lại dẫn ra ngã ba giao với phố Trần Bình Trọng, khép thành một lộ trình như Tế Hanh viết: “Phố này đêm ấy có trăng. Cùng đi một quãng nói bằng lặng im/ Phố này anh đến tìm em/ Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây/ Anh theo các phố đó đây/ Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em” (Hà Nội vắng em).

Những ngã ba phố này thường không cần lắp đèn tín hiệu giao thông do phố nhỏ và lưu lượng xe vốn không nhiều. Những ngôi nhà của các văn nghệ sĩ nép mình dưới những vườn cây sau bức hàng rào hoa bê tông đúc, kiểu cách hiện đại vuông vắn, tựa như đồng dạng ngôn ngữ mới mẻ trong nghệ thuật mà họ tạo ra. Sự hòa hợp giữa môi trường sống và phẩm chất sáng tạo của cư dân là một điểm đáng nhớ của khu vực phố quanh hồ Thiền Quang.

Một biệt thự cổ kiểu Pháp trên đường Nguyễn Gia Thiều.

Một biệt thự cổ kiểu Pháp trên đường Nguyễn Gia Thiều.

3. Ngõ Đoàn Nhữ Hài mở ra từ phố Trần Quốc Toản có ngôi nhà của nhà văn Tô Hoài, người dành nhiều trang viết cho khu vực hồ Thiền Quang mà ông vẫn viết bằng lối định danh cũ là Thiền Cuông, trước hết từ một lý do rất thường tình với một nhà văn ưa hoạt động xã hội: Ông từng làm trưởng khối phố dân cư khu vực này: “Thế là tôi làm ban đại biểu khối 98 quãng từ 1965 tới 1972, ít lâu trước khi thành phố gộp khối phố thành cấp phường như bây giờ… Tôi đi đường, hôm nào cũng có người gọi. Đứng vỉa hè cũng giải quyết việc” (Chiều chiều, chương XI). Ông cũng mô tả việc mua nhà định cư ở đây khi trở về Hà Nội sau năm 1954, ít nhất phải 7-8 năm ông phải thuê một căn gác nhỏ trước khi gia đình có một ngôi nhà riêng:

Trong ngõ hẻm, căn nhà một tầng hơn sáu mươi thước vuông. Chủ nhà, một ông công chức về hưu đã luống tuổi, cũng mới ở nhà này mấy năm muốn ra ở ngoại ô. Tôi đã mua nhà bằng tiền kịch bản Vợ chồng A Phủ, vừa làm phim lại vừa in sách - cả thảy trên hai nghìn đồng… Trong ngõ có hơn mười cái nhà liền một bên, trước mặt là tường một cơ quan. Trên đầu tường nhà tôi - miếng lá vả trát giữa, hai cột trụ đắp nổi chữ số 1923 năm xây, mái lợp ngói Satic của nhà máy gạch Tây phố Quan Thánh.

Các họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, Trần Văn Lắm trong Nam ra học Trường Mỹ thuật Đông Dương đều đã trọ học ngõ này. Các anh còn nhớ trong nhà có cái giếng. Nhà tôi ở, trần cót quét vôi còn hai cái móc sắt để mắc quạt kéo. ở sân bếp, một cái giếng mạch ngang, nước sủi váng vàng ố, nước để giặt rũ, không làm nước tắm nước ăn được. Hôm nay đầu ngõ vẫn còn một vòi nước công cộng trước ở vỉa hè ngoài đường được chuyển vào ngõ, tuổi cái vòi nước ấy phải ngót thế kỷ” (Chiều chiều, chương XI).

Cuộc sống quanh hồ Thiền Quang được ông trưởng khối phố Tô Hoài ghi lại vừa với trách nhiệm cộng đồng vừa bằng con mắt nhà văn, từ cuộc sống của những phận người vô danh như mẹ con người y tá đói ăn, đến từng có danh như viên Tổng đốc thời Pháp Vi Văn Định đã thành một ông già lạc thời bị trẻ con chọc phá, hay những trận bom B52 thả những quả bom đầu tiên rơi xuống hồ Thiền Quang, để rồi tàn phá khu Khâm Thiên lân cận. Hồ Thiền Quang thành nơi ông đi dạo cùng những bạn văn của một thời ngổn ngang của chủ nghĩa lý lịch và trắc trở của những số phận văn chương: “Một đợt nghiên cứu học tập về bảo vệ Đảng. Yêu cầu là xem xét và đấu tranh đưa ra khỏi Đảng những trường hợp đảng viên phức tạp về chính trị và lịch sử. Trên bàn tôi, những đệp lý lịch xếp từng chồng, tôi đọc, tôi đọc, tôi đọc...” (Chiều chiều, chương X). Một họa sĩ Phan Kế An bị xem xét khai trừ khỏi Đảng, nhưng Huỳnh Văn Gấm đứng lên phản đối. Những Thế Lữ, Quang Dũng, Đồ Phồn, Trinh Đường, Nguyễn Hải Trừng… mỗi người một số phận nhiều cay đắng mà Tô Hoài ít nhiều va chạm.

Máy nước ở ngã ba Trần Quốc Toản - Đoàn Nhữ Hài năm 1975 mà nhà văn Tô Hoài nhắc đến trong Chiều chiều. Ảnh: Henry J.

Máy nước ở ngã ba Trần Quốc Toản - Đoàn Nhữ Hài năm 1975 mà nhà văn Tô Hoài nhắc đến trong Chiều chiều. Ảnh: Henry J.

Mặt hồ này trở thành không gian tựa như đáy giếng trong thần thoại thu nhận những bí mật, là nơi Tô Hoài, với tư cách phó bí thư đảng bộ cơ quan văn hóa văn nghệ trung ương, có thể dốc lòng nói ra những ẩn ức khó nói về nhân thân các bạn văn nghệ, cũng là đồng chí của ông trong những năm tháng truân chuyên ấy. Hồi ức của ông một mặt gợi lại không khí lãng đãng của những con phố còn vương vất vẻ nên thơ, mặt khác như chiêu tuyết cho một thời mà Tô Hoài viết: Tôi chắc là anh cũng như tôi mỗi khi nhớ còn áy náy về cuộc họp chi bộ hôm ấy vốn định đoạt cuộc sống và tinh thần những con người sống chỉ trong bán kính một cây số quanh hồ Thiền Quang.

Nhưng những bóng ma quá khứ từ những vụ án Ôn Như Hầu hay các cuộc kiểm thảo thời chiến tranh đã nhường chỗ cho sự náo nhiệt của những quán xá và nhà hàng mượn các địa điểm còn giữ được chút vẻ sang cả. Quanh hồ Thiền Quang cũng là điểm hẹn của những phận người đủ loại, thậm chí từng mang biệt danh “chợ tình hồ Ha-le” với các tệ nạn, liên kế bến xe Kim Liên một thời nhem nhuốc mà nay đã thành khách sạn hạng sang Hotel du Parc (Nikko cũ).

Những phố quanh hồ cũng thành con đường của những tòa soạn và nhà xuất bản tiếng tăm của giới trí thức và văn chương: Các nhà xuất bản Hội nhà văn (từng có tên Tác phẩm mới), Chính trị quốc gia - Sự thật, Tri thức, Kim Đồng, tạp chí Cộng sản, các báo Tiền Phong, Văn hóa… Những bài hát lãng mạn cuối thế kỷ XX vẫn dành cho không gian này một vai khá yêu kiều, dù là hoài niệm xa vắng trong tưởng tượng của người chưa từng đến đây: “Hà Nội người có nhớ, hương lan vương vương bên hồ Thiền Quang. Hà Nội người có nhớ, chiếc áo xanh lam thơ ngây cô em học trò. Áo trắng Tây Sơn Trưng Vương em tan trường về. Đường qua nẻo phố hẹn hò…” (Hà Nội ngày tháng cũ - Song Ngọc). Ở ngã ba Trần Nhân Tông - Nguyễn Đình Chiểu vẫn còn ngôi trường Tây Sơn, vốn là trường nữ học tư thục trước năm 1954, nằm bên hàng cây bồ đề dẫn ra hồ Thiền Quang, dường như đã thành cảm hứng cho lời ca đầy hoài niệm.

Một khu phố đã trở thành một nơi đi về của những người làm văn hóa, hiển nhiên vì những lý do về không gian tương hợp với hoạt động của họ, nhưng cũng là sự tình cờ của lịch sử.

Những ngã ba phố cũng là nơi diễn ra sự gặp gỡ và lựa chọn con đường nhiều ngẫu hứng hơn. Thiếu những phố như khu vực quanh hồ Thiền Quang, vẻ đẹp của Hà Nội dường như vắng hẳn một góc cạnh rất thời đại của nó.

Nguyễn Trương Quý

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nga-ba-pho-va-mat-guong-thoi-gian-46874.html