Nga bán thiết kế tiêm kích độc đáo Yak-141 để Mỹ phát triển F-35B?

Tiêm kích Yak-141, chiến đấu cơ được thiết kế dành riêng cho Hải quân Xô Viết nhằm thay thế cho tiêm kích hạm Yak-38 để trang bị cho tàu sân bay Minsk và Kiev. Đặc tính nổi trội của nó là khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng giống như máy bay F-35B.

Người Mỹ tự hào với chiếc tiêm kích F-35B có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng, nhưng ít ai biết rằng, trước đó người Nga cũng làm được điều tương tự với chiếc Yak-141, tiếc rằng với những khó khăn về kinh tế khiến dự án này bị đóng băng.

Yakovlev Yak-141 là một máy bay tiêm kích thử nghiệm có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng của Liên Xô, nó sở hữu rất nhiều điểm tương đồng với chiếc F-35B Lightning II.

Với thiết kế mang tính đột phá, tiêm kích hạm Yak-141 đã lập nhiều kỷ lục thế giới.

Ngay khi phát triển và có chuyến bay thử nghiệm thành công, Cục thiết kế Yakovlev đã nhanh chóng quảng bá về dòng tiêm kích hạm độc đáo này, điều này khiến phương Tây bất ngờ và thán phục.

Quá trình phát triển Yak-141 đã được bắt đầu vào năm 1975. Khi đó yêu cầu đặt ra cho chúng là phải trở thành máy bay siêu âm đầu tiên có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Ngoài ra, chúng cũng phải có vũ khí và radar, tương đương với vũ khí của các máy bay chiến đấu tiền tuyến.

Trước đó Cục thiết kế Yakovlev đã có kinh nghiệm dày dặn trong việc chế tạo các loại máy bay có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Những cái tên phải kể đến như hai dòng tiêm kích hạm là Yak-36 và Yak-38.

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ và quân đội Liên Xô không hoàn toàn hài lòng với hiệu suất của Yak-36 và Yak-38, đặc biệt là do phạm vi hoạt động ngắn và hệ thống điện tử kém.

Ngoài ra tiêm kích hạm Yak-38 còn thua kém dòng tiêm kích hạm Harrier có tính năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng tương tự của Anh.

Vì vậy, vào năm 1975, Cục thiết kế Yakovlev được lệnh phát triển một loại máy bay mạnh hơn, chúng phải có với tốc độ siêu thanh, khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, tầm bay xa hơn và trang bị vũ khí mạnh mẽ, có thể cất cánh từ hàng không mẫu hạm.

Các nhà thiết kế từ văn phòng Yakovlev phát hiện ra rằng kiểu bố trí động cơ kép của Yak-38 và Harrier không phù hợp với máy bay mới.

Thay vào đó, họ tạo ra một thiết kế mới với một động cơ duy nhất, có thể quay xuống 95° kèm thêm với hai vòi xả lực đẩy thẳng đứng bổ sung, chúng nằm ở giữa thân, ngay sau trọng tâm máy bay.

Chúng sẽ chỉ bật khi cất và hạ cánh thẳng đứng hoặc bay lơ lửng. Các kỹ sư đã phải kéo dài thân máy bay để ổn định khí động học.

Ban đầu, một thiết kế kiểu "con vịt" được đề xuất với một động cơ hình vuông duy nhất, tuy nhiên ý tưởng này ngay sau đó đã bị từ chối vì khả năng cơ động thấp và các vấn đề kỹ thuật phát sinh.

Nguyên mẫu đầu tiên của Yak-141 được hoàn thành vào năm 1987 và có chuyến bay cùng năm. Tổng cộng có 4 chiếc đã được chế tạo, hai chiếc để thử nghiệm tĩnh và hai chiếc để thử nghiệm bay.

Các cuộc thử nghiệm chuyến bay đã được thực hiện thành công vào năm 1990.

Các bài thử nghiệm bao gồm cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, cất cánh trên đường băng ngắn, bay ở tốc độ siêu âm sau đó giảm tốc độ để bay lơ lửng.

Năm 1991, trong một chuyến bay duy nhất, chiếc máy bay mới này đã lập 12 kỷ lục thế giới.

Sau chuyến bay này, chiếc máy bay mới nhận được ký hiệu chín thức là Yak-141.

Năm 1991, hai máy bay nguyên mẫu đã thực hiện cú hạ cánh thẳng đứng đầu tiên trên tàu sân bay hạng nhẹ Baku (sau đổi tên thành Đô đốc Gorshkov ) lớp Kiev .

Tiêm kích Yak-141 được thiết kế cho cả lực lượng không quân và hải quân.

Ý tưởng ban đầu là tạo ra một bệ cất cánh và hạ cánh di động, có kích thước nhỏ và có thể chịu được trọng lượng của máy bay cũng như các luồng hơi nóng từ động cơ.

Nền tảng này sẽ được gắn trên phương tiện vận tải DT-30 Vityaz có thể cơ động trên mọi địa hình.

Nền tảng này sẽ được gắn trên phương tiện vận tải DT-30 Vityaz có thể cơ động trên mọi địa hình.

DT-30 Vityaz có thể vận chuyển máy bay đến những vùng lãnh thổ như vậy mà các phương tiện địa hình thông thường không thể tiếp cận và không có sân bay.

DT-30 Vityaz có thể vận chuyển máy bay đến những vùng lãnh thổ như vậy mà các phương tiện địa hình thông thường không thể tiếp cận và không có sân bay.

Yak-141 có thể hạ cánh trên bệ di động này, nạp nhiên liệu từ một tàu chở dầu DT-30 Vityaz khác và tiếp tục sứ mệnh của mình.

Tải trọng của DT-30 Vityaz là 30 tấn hoàn toàn phù hợp với việc chuyển chở dòng tiêm kích độc đáo này. Các thử nghiệm thực tế của Yak-141, dựa trên DT-30 Vityaz đã được thực hiện.

Tuy nhiên quá trình phát triển DT-30 Vityaz bị kéo dài và chương trình Yak-141 cũng gặp khó khăn và cuối cùng bị dừng lại. Vì vậy, ý tưởng độc đáo có thể mang lại lợi thế cho Liên Xô này đã không được thực hiện.

Tiêm kích Yak-141 có khả năng tấn công các mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển. Nó được trang bị một khẩu pháo 30 mm bên trong thân.

Trang bị tên lửa bao gồm tên lửa không đối không R-73, hoặc tên lửa không đối không R-27 và tên lửa không đối hạm Kh-31.

Theo kế hoạch, Yak-141 sẽ có khả năng mang tên lửa không đối không R-77 và cả tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 đang được phát triển.

Yak-141 cũng có khả năng mang bom thông minh và bom không điều khiển. Cánh của máy bay chiến đấu này có thể gập lại khi triển khai trên các tàu sân bay.

Máy bay chiến đấu đa năng Yak-141 không được đưa vào sản xuất loạt vì nhiều nguyên nhân.

Dự án đã chấm dứt vào năm 1991 sau một tai nạn khi hạ cánh trên tàu sân bay, khi một nguyên mẫu hạ cánh trong điều kiện gió thổi mạnh và phát nổ.

Sau khi Liên Xô tan rã, ngân sách quân sự bị hạn chế. Năm 1992, chương trình Yak-141 bị hủy bỏ cũng như nhiều hệ thống vũ khí hứa hẹn khác.

Vào năm 1995, Nga cho ngừng hoạt động tất cả các tàu sân bay lớp Kiev, đây chính là lớp tàu sân bay mà Yak-141 dự kiến được biên chế.

Vào năm 1995, Nga cho ngừng hoạt động tất cả các tàu sân bay lớp Kiev, đây chính là lớp tàu sân bay mà Yak-141 dự kiến được biên chế.

Năm 1992, Yak-141 được giới thiệu tại triển lãm hàng không quốc tế Farnborough và Le Bourget năm 1993.

Khách tham quan và các nhà thẩm định đã cho điểm cao nhất đối với chiếc máy bay độc đáo này.

Một số quốc gia tỏ ra quan tâm đến việc mua chiếc máy bay này, tuy nhiên cuối cùng không có đơn đặt hàng nào được thực hiện.

Vào đầu những năm 1990, Lockheed Martin của Mỹ đã hợp tác với Cục thiết kế Yakovlev lúc này thuộc về Nga để tiếp tục phát triển loại máy bay này, Kết quả của sự hợp tác này vẫn chưa được biết.

Cũng có thông tin cho biết, Lockheed Martin đã bỏ ra 400 triệu USD để mua thiết kế Yak-141 để từ đó phát triển hệ thống động lực trang bị cho F-35B.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-ban-thiet-ke-tiem-kich-doc-dao-yak-141-de-my-phat-trien-f-35b-post528593.antd