“Vào ngày 30/6, để thể hiện cử chỉ thiện chí, lực lượng vũ trang Nga đã hoàn thành nhiệm vụ trên đảo Rắn và rút đơn vị đồn trú tại đây”, AFP dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
"Như vậy, điều này chứng minh cho cộng đồng thế giới thấy rằng Nga không can thiệp vào nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong quá trình tổ chức hành lang nhân đạo, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản từ lãnh thổ Ukraine", tuyên bố nêu thêm.
Tuyên bố của bộ này cũng cho hay, quyết định trên sẽ không cho phép Kiev "suy diễn về cuộc khủng hoảng lương thực trong tương lai", khi nước này cáo buộc do Nga kiểm soát hoàn toàn phần tây bắc của biển Đen nên không thể xuất khẩu ngũ cốc.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh lực lượng Nga sẽ "tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine".
Trong khi đó, Reuters đưa tin người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, xác nhận lực lượng Nga đã rút khỏi đảo Rắn.
“Không còn quân Nga trên đảo Rắn nữa. Lực lượng vũ trang của chúng ta đã làm rất tốt”, ông Yermak viết trên Twitter.
Theo Wall Street Journal, vị trí quan trọng của đảo Rắn trên biển Đen với cả Nga lẫn Ukraine khiến hai bên liên tục tranh chấp hòn đảo nhỏ này kể từ khi Moscow nắm quyền kiểm soát hồi tháng 2.
Kể từ khi tiếp quản, Nga đã nỗ lực thiết lập căn cứ trên đảo Rắn và củng cố hệ thống phòng thủ.
Mặt khác, Ukraine tăng cường ngăn chặn kế hoạch của Nga, thông báo đã thực hiện một số cuộc không kích thành công nhắm vào trực thăng, hệ thống phòng không và vũ khí hạng nặng khác của Nga.
Tuy nhiên, Moscow lại không thừa nhận những tuyên bố của phía Ukraine đưa ra.
Vào ngày Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, tàu tuần dương Moscow đã tiếp cận một mỏm đá ở biển Đen và ra lệnh cho quân đội Ukraine tại đó hoặc hạ vũ khí, hoặc sẽ có đổ máu.
Lực lượng đồn trú Ukraine khi đó đã phản ứng và nói: “Tàu chiến Nga, hãy biến đi!”. Tuy nhiên sau đó, quân của Kyiv đã đầu hàng và Moscow giành được quyền kiểm soát hòn đảo.
Lời phản ứng của quân Ukraine trên đảo Rắn hiện được in trên nhiều biển quảng cáo và cây cầu khắp nước này, và cả ở trạm kiểm soát quân sự trên đường tới chiến tuyến miền Đông. Đây được xem là biểu trưng cho quyết tâm chống lại quân Nga của Ukraine.
Tuy nhiên, sự việc tại đảo Rắn không đơn thuần mang ý nghĩa như vậy. Hòn đảo nhỏ bé - chỉ khoảng 220.000 m2 - có vị trí quan trọng đặc biệt với lực lượng nào đồn trú tại đây.
Có lực lượng trên đảo sẽ cho phép Nga tự do tấn công Ukraine và chặn các chuyến hàng từ các cảng của nước này. Tuy vậy, vị trí cô lập của đảo Rắn cũng khiến hòn đảo này rất dễ bị tổn thương.
Ban đầu các nhà phân tích quân sự cho rằng Nga có khả năng đã cân nhắc những rủi ro khi tiếp tục xây dựng hệ thống phòng thủ trên đảo, bất chấp các cuộc không kích của Ukraine. Moscow cho rằng những lợi thế khi duy trì hòn đảo lớn hơn nhiều so với việc từ bỏ.
Việc kiểm soát đảo Rắn cũng cho phép Nga dùng các loại vũ khí có khả năng tấn công vùng phía tây nam Ukraine, đồng thời củng cố khả năng quân sự trước bất cứ cuộc giao tranh tiềm ẩn nào trong tương lai từ khu vực ly khai Transnistria thân Nga ở miền Đông Moldova.
Ngoài ra, Nga cũng có thể ngăn chặn các tàu chở ngũ cốc qua sông Danube và đến Romania. Romania là thành viên của NATO, có các cảng xử lý một số tàu chở ngũ cốc bị mắc kẹt tại cảng của Ukraine và có bờ biển Đen chỉ cách đảo Rắn khoảng 50 km.
Hòn đảo trước đây từng thuộc Romania, trước khi Liên Xô tiếp quản vào năm 1948 và sử dụng làm căn cứ radar.
Còn đối với Kiev chiếm lại đảo Rắn sẽ phá vỡ thế phong tỏa của Nga khi lực lượng của Moscow có tàu chiến tuần tra ở vùng biển phía nam Odesa.
Các nước phương Tây và Ukraine nhiều lần cáo buộc Moscow chặn các chuyến hàng ngũ cốc và thực phẩm từ bến phía nam xuất khẩu tới những nước khác.
Tuy nhiên với tuyên bố mới nhất của Nga, có vẻ như tạo thuận lợi cho các chuyến hàng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Điều này sẽ tác động lớn tới an ninh lương thực trên thế giới bởi Ukraine hiện là quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Việt Hùng