Một thỏa thuận về việc Nga chuyển giao tiêm kích Su-35 để mang về máy bay không người lái Iran được nhận định sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên, nhưng ý kiến này liệu có chính xác?
Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ mới đây đã đưa ra một nhận định khá thận trọng về khả năng thực hiện thỏa thuận giữa Liên bang Nga và Iran liên quan đến trao đổi tiêm kích Su-35 lấy máy bay không người lái tấn công:
"Những thông tin sơ bộ và chưa được xác nhận từ ngày 2/8 cho thấy Iran có thể đã gửi một lô UAV nội địa đến Liên bang Nga để tiến hành các bài thử nghiệm trên thực địa", báo cáo hàng ngày của Viện nghiên cứu Chiến tranh cho biết.
Nhưng có một khía cạnh thú vị - cùng với máy bay không người lái, Iran đã cử phi công và kỹ thuật viên đến Nga để được đào tạo vận hành cũng như đảm bảo khả năng hoạt động cho chiến đấu cơ đa năng Su-35.
Hiện tại, Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhấn mạnh rằng họ chưa thể khẳng định chính xác 100% điều này, mặc dù thông tin tỏ ra hoàn toàn phù hợp với những thông báo gần đây về sự hợp tác ngày càng sâu sắc trên lĩnh vực quân sự giữa Iran và Nga.
Hai bên đã mở rộng hợp tác quân sự chủ yếu trong lĩnh vực hàng hàng không, trước đó họ chỉ công khai đề cập đến máy bay dân dụng. Hơn nữa trong điều kiện như vậy, việc đổi UAV lấy Su-35 trở nên cực kỳ có lợi cho Tehran.
Thực tế là tình trạng Không quân Iran hiện nay giống như một "viện bảo tàng ngoài trời", bởi vì quốc gia Hồi giáo này đã bị áp đặt những biện pháp trừng phạt nặng nề từ thời điểm năm 1979.
Vì vậy, mọi phương tiện tác chiến của Không quân Iran đều đã lạc hậu hàng thập kỷ, với chủ lực là những chiến đấu cơ do Mỹ chuyển giao cách đây đã hơn 40 năm, điểm sáng duy nhất là một vài tiêm kích do Nga hay Trung Quốc cung cấp chỉ mới hơn chút xíu.
Theo số liệu của Military Balance 2021, trang bị của Không quân Iran hiện nay gồm những chiến đấu cơ sau: F-5 Tiger - hơn 75 chiếc; F-4 Phantom - lên đến 68 chiếc; F-14 Tomcat - lên đến 43 chiếc; F-7M (bản sao MiG-21 của Trung Quốc) - 24 chiếc.
Bên cạnh đó, Iran còn sở hữu một số chiến đấu cơ do phi công Iraq mang máy bay chạy trốn sang bao gồm: MiG-29 - 35 chiếc; Mirage F-1 - tối đa 10 chiếc; Su-22 - khoảng 10 chiếc; Su-24 - 29 chiếc; Su-25 - 10 chiếc.
Đối với thống kê nói trên, điều cực kỳ quan trọng cần phải lưu ý đó là số liệu chỉ nói về định lượng tối đa, bởi vì Không quân Iran bị thiếu hụt các thành phần phụ tùng và một phần nhất định trong phi đội của họ đã bị sử dụng như nguồn cung cấp linh kiện cho những chiến đấu cơ khác.
Đối với máy bay Liên Xô hay Trung Quốc, những cỗ máy này rất có thể ở trạng thái sẵn sàng bay tốt hơn, do khả năng cao xảy ra tình trạng Moskva cùng với Bắc Kinh âm thầm cung cấp phụ tùng thay thế cho Tehran.
Trong mọi trường hợp, tiêm kích Su-35 rất cần thiết đối với Iran, bởi vì tình trạng hiện tại không cho Tehran cơ hội thắng trong cuộc chiến với bất kỳ đối thủ nào trong khu vực. Đăc biệt, Iran sẽ không thể ngăn chặn Israel thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân.
Trước thực tế trên, ngay cả một số lượng nhỏ Su-35 cũng giúp tăng cường đáng kể khả năng phòng không của Iran, bất chấp việc trước đó Tehran tỏ ra quan tâm hơn đến Su-30SM với cấu hình hai phi công, thuận tiên hơn cho tác chiến không đối đất.
Đối với Nga, nếu nhận được máy bay không người lái Iran thì Moskva sẽ lập tức có phương tiện tác chiến lợi hại để tung vào chiến trường Ukraine, lợi ích về mặt quân sự là rõ ràng.
Nhưng tổn hại về danh tiếng của Nga liên quan đến lĩnh vực máy bay không người lái sẽ là rất đáng kể, bởi trước đó Moskva nhiều lần khẳng định "sự vượt trội" hay "độc nhất vô nhị" của những UAV do mình chế tạo và rồi thực tế cho thấy họ phải đi mua từ Iran.
Bạch Dương