Nga cản Mỹ tìm nguồn cung dầu thay thế?

Trong bối cảnh phương Tây và Iran đều muốn nhanh chóng khôi phục thỏa thuận hạt nhân, Nga đưa ra các yêu cầu vào phút chót khiến đàm phán phải tạm dừng.

Tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã bị tạm dừng trong ngày 11/3, trong bối cảnh thị trường dầu mỏ thế giới đang bất ổn. Nếu đàm phán thất bại, giá dầu thế giới có thể tăng phi mã, đồng thời khu vực vùng Vịnh có nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực mới, theo Bloomberg.

Bất đồng vào phút chót?

Suốt 11 tháng qua, 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cùng Liên minh châu Âu (EU), Đức và Iran đã thảo luận về khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân từng đạt được năm 2015 (JCPOA), qua đó dỡ bỏ các biện pháp cấm vận với Tehran, đổi lấy Iran đóng băng chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, hôm 11/3, các cuộc đối thoại đã tạm dừng. Quan chức phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết đàm phán gặp vấn đề vì "các yếu tố bên ngoài". Ông Borrell không nói rõ trở ngại hiện nay là gì.

Đại diện EU cho hay các bên đã tiến rất gần tới thỏa thuận cuối cùng. Ông Borrell không nói rõ khi nào tiến trình đàm phán sẽ được khôi phục.

Hôm 9/3, xuất hiện các thông tin cho thấy tiến trình đàm phán khôi phục JCPOA gặp diễn biến mới với những yêu cầu từ Nga, dù đã ở những công đoạn cuối cùng, theo Reuters.

Moscow yêu cầu Washington bảo đảm bằng văn bản rằng các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt do chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ làm ăn giữa Nga và Iran.

"Chúng tôi cần bảo đảm những biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ thương mại, kinh tế, đầu tư trong JCPOA", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, theo Tass.

Ông Lavrov cho biết muốn Washington cam kết ít nhất ở cấp ngoại trưởng, để Nga có thể triển khai các hợp tác kinh tế, đầu tư, quân sự và công nghệ với Iran.

 Các cuộc đàm phán khôi phục JCPOA diễn ra ở Vienna, Áo. Ảnh: AFP.

Các cuộc đàm phán khôi phục JCPOA diễn ra ở Vienna, Áo. Ảnh: AFP.

Mikhail Ulyanov, trưởng đoàn đàm phán Nga, nói đề nghị của Moscow không nhận được phản hồi tích cực.

"Trong bối cảnh mới, với hàng loạt lệnh trừng phạt chống Nga, chúng tôi có quyền bảo vệ lợi ích của mình trong lĩnh vực hạt nhân và xa hơn nữa", ông Ulyanov nói, theo Reuters.

Dù các vòng đàm phán then chốt nhất đã kết thúc, ông Ulyanov tuyên bố Mỹ và EU vẫn cần bảo đảm rằng các lệnh trừng phạt hiện nay không ảnh hưởng tới việc Nga triển khai các dự án hạt nhân ở Iran, cũng như quan hệ kinh tế - thương mại giữa Moscow và Tehran.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hôm 8/3 khẳng định Mỹ sẽ không nhượng bộ Nga.

Sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov công bố yêu cầu mới, trưởng đoàn đàm phán Iran Ali Bagheri Kani đã rời hội nghị và trở về Tehran. Bộ Ngoại giao Iran khẳng định Tehran sẽ không để lợi ích của mình bị "các yếu tố nước ngoài" xâm hại.

Trong ngày 11/3, Tass dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết việc tạm dừng các cuộc thảo luận là cần thiết.

"Tạm dừng các cuộc đàm phán ở Vienna có thể là động lực để giải quyết các vấn đề tồn đọng và một lần nhóm họp trở lại cuối cùng, kết thúc thành công cuộc đàm phán là mục tiêu chính của tất cả các bên", ông Khatibzadeh cho hay.

Nga đưa ra điều kiện mới chỉ vài giờ sau khi IAEA thông báo một trong những bất đồng lớn cuối cùng giữa Mỹ và Iran đã được giải quyết, và thỏa thuận có thể được công bố trong vòng vài ngày.

Hiện nay, Mỹ và Iran vẫn còn một số khác biệt về phạm vi áp dụng và thời gian dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Iran cũng yêu câu Mỹ bảo đảm sẽ không bao giờ bỏ rơi thỏa thuận một lần nữa.

Yếu tố Ukraine

Chiến dịch quân sự mà Nga phát động chống Ukraine dường như là lý do chính khiến đàm phán khôi phục JCPOA gặp trở ngại vào phút chót.

Ngoại trưởng Ireland Simon Coveny, trung gian dàn xếp các cuộc đàm phán, cho biết chiến sự ở Ukraine đã khiến mục tiêu đạt được thỏa thuận trở nên khó khăn hơn.

"Các nhà ngoại giao đã cố gắng thúc đẩy thỏa thuận trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, bởi chúng tôi hiểu chiến sự sẽ khiến tình hình phức tạp hơn nhiều", ông Coveny nói.

Bất chấp yêu cầu từ phía Nga trong phút chót, giới chức EU cho biết vẫn có thể cứu vãn thỏa thuận nếu Tehran và Washington chấp nhận nhượng bộ.

 Khôi phục JCPOA sẽ giúp hạ nhiệt giá dầu thô thế giới. Ảnh: Tehran Times.

Khôi phục JCPOA sẽ giúp hạ nhiệt giá dầu thô thế giới. Ảnh: Tehran Times.

Cả Iran và phương Tây đều có nhu cầu sớm khôi phục JCPOA, dù với những lý do khác nhau.

Sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA năm 2018, Washington tái áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt Tehran. Từ đó, nền kinh tế Iran rơi vào khủng hoảng, một phần do mất nguồn thu quan trọng từ xuất khẩu dầu mỏ.

Đại dịch Covid-19 càng khiến nền kinh tế Iran lao đốc. Trong năm 2021, lạm phát tại Iran ở mức 45%, trong khi giá thực phẩm tăng 70% so với năm 2020. Nền kinh tế ảm đạm dẫn tới bất ổn xã hội, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Iran trong hai năm gần đây.

Với phương Tây, một khi JCPOA được khôi phục, thị trường năng lượng thế giới sẽ có thêm nguồn cung giúp giảm giá dầu thô hiện ở mức cao kỷ lục. Trong ngày 11/3, giá dầu Brent biển bắc giao tháng 5 được giao dịch ở mức 110 USD/thùng.

Iran hiện có hàng triệu thùng dầu thô dự trữ trong các bồn chứa, có thể nhanh chóng tung ra thị trường. Nếu các lệnh cấm vận được nới lỏng, Tehran có thể nhanh chóng khôi phục khai thác tại các giếng dầu.

Iran từng là nước sản xuất dầu nhiều thứ 2 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Ước tính, sản lượng khai thác dầu thô của Iran sẽ quay lại mức một triệu thùng mỗi ngày trong vài tháng. Đến đầu năm 2023, Iran có thể tung ra thị trường 3,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

Iran được kỳ vọng trở thành nguồn cung dầu thô triển vọng, trong bối cảnh phương Tây đang tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu thô của Nga.

Giới chức Mỹ cũng đang tiếp xúc với chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro để thảo luận khả năng để dầu của Venezuela trở lại thị trường.

Nếu JCPOA được khôi phục, Iran đồng ý chuyển ra nước ngoài toàn bộ số uranium làm giàu ở mức cao, đồng thời tháo dỡ các máy ly tâm. Iran sẽ chỉ giữ lại uranium làm giàu ở mức 3,67% để sản xuất điện.

Tehran cũng cam kết khôi phục hoạt động thanh sát quốc tế do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiến hành vào cuối tháng 5.

JCPOA cũng có thể giúp mang lại ổn định cho khu vực Trung Đông, giảm nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Iran với các nước láng giềng như Saudi Arabia và UAE.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nga-can-my-tim-nguon-cung-dau-thay-the-post1301877.html