Nga cảnh báo về nguy cơ xung đột toàn cầu

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về một cuộc xung đột toàn cầu nếu các nước NATO để Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Sự thay đổi thái độ của phương Tây

Từ đầu tháng 5, Nga mở cuộc tấn công tại khu vực Kharkov, Đông Bắc Ukraine và kiểm soát hàng loạt ngôi làng đã khiến phương Tây và Ukraine sửng sốt. Đặc biệt trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky từng khen ngợi Kharkov là một minh chứng cho việc Kiev xây dựng thành công các công sự phòng thủ.

Không dừng lại tại đó, sau khi đạt bước đột phá ở Kharkov, các chuyên gia quân sự đánh giá Nga có thể sẽ tiếp tục mở một mặt trận mới khi Moscow đang tập hợp lực lượng ở phía Tây, khu vực lãnh thổ giáp vùng Sumy.

Những bước tiến lớn mà Nga đạt được đang khiến các nước phương Tây đặt ra kế hoạch cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà họ cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang gây tranh cãi giữa các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì có thể khiến xung đột leo thang, thậm chí còn có nguy cơ làm nổ ra một cuộc xung đột toàn cầu.

Nga mở cuộc tấn công tại khu vực Kharkov, Đông Bắc Ukraine. Ảnh: Reuters.

Nga mở cuộc tấn công tại khu vực Kharkov, Đông Bắc Ukraine. Ảnh: Reuters.

“Quyền đáp trả" của Ukraine với Nga là vấn đề đã được giới lãnh đạo Ukraine nêu ra từ lâu, nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nước viện trợ hàng đầu, trong đó có Mỹ và Đức, với lo ngại rằng việc để Kiev dùng tên lửa tầm xa do họ cung cấp tấn công bên ngoài lãnh thổ Ukraine sẽ khiến xung đột leo thang nghiêm trọng, tăng nguy cơ nổ ra đụng độ trực tiếp giữa NATO với Moscow.

Sau nhiều ngần ngại, Mỹ năm ngoái đã chuyển giao tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine, nhưng với điều kiện ràng buộc là Kiev chỉ được sử dụng chúng để tấn công các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát chứ không được phép tập kích mục tiêu bên ngoài biên giới. Ukraine đến nay vẫn tôn trọng cam kết này do lo ngại Mỹ cắt viện trợ nếu vi phạm.

Tuy nhiên, khi tình hình chiến trường ngày càng khó khăn, lời kêu gọi từ phía Ukraine càng trở nên khẩn thiết. Nga nhận ra sự ràng buộc trong cách sử dụng vũ khí của Ukraine và đã tập trung lực lượng ngay sát biên giới để phát động các cuộc tấn công mà không lo bị tập kích.

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Ảnh: AFP.

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Ảnh: AFP.

Tình hình chiến trường và những lời kêu gọi khẩn thiết của Ukraine đã châm ngòi làn sóng tranh cãi quyết liệt trong NATO. Tại phiên họp mùa xuân của Hội đồng Nghị viện NATO, diễn ra từ ngày 24 - 27/5 (giờ địa phương) ở Sofia (Bulgaria), khối liên minh quân sự này đã ra tuyên bố chung kêu gọi phương Tây bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí đã được cấp để nhắm vào các mục tiêu quân sự bên trong Nga.

Hôm 24/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói với tờ The Economist rằng các nước phương Tây nên dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí bên trong lãnh thổ Nga.

Đã đến lúc các đồng minh xem xét liệu họ có nên dỡ bỏ một số hạn chế mà họ đặt ra đối với việc sử dụng vũ khí mà họ đã viện trợ cho Ukraine hay không. Đặc biệt khi hiện nay nhiều cuộc giao tranh đang diễn ra ở Kharkov, gần biên giới.

Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO.

Một số quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, Phần Lan, Ba Lan và các nước Baltic đã bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi của Ukraine. Tuy nhiên, tâm lý miễn cưỡng vẫn được thể hiện. Kênh truyền hình CNN ngày 30/5 dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng đạn dược của Mỹ, nhưng Kiev chỉ có thể tấn công các mục tiêu ở biên giới gần Kharkov.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: GETTY IMAGES.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: GETTY IMAGES.

Một số nước châu Âu trong đó có Đức và Italy đã kêu gọi thận trọng. Phó Thủ tướng Italy Antonio Tajani lập luận rằng vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev chỉ nên được sử dụng trong biên giới của Ukraine.

Tại Bỉ, Thủ tướng Alexander De Croo ngày 28/5 đã công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine 30 máy bay chiến đấu F-16 trong thời gian từ nay đến năm 2028, nhưng cũng thông báo với Tổng thống Ukraine Zelensky khi ông ở thăm Bỉ rằng những chiến đấu cơ này sẽ không được sử dụng bên trong nước Nga.

Ukraine trong thế khó khăn chưa từng thấy

Những tranh cãi xung quanh việc sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn đang diễn ra ác liệt và khó lường, khi quân đội Nga đẩy mạnh triển khai hai gọng kìm thép từ phía Bắc và phía Đông, xiết chặt các lực lượng Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 26/5 cảnh báo rằng Nga đang tập trung lực lượng gần biên giới hai nước để chuẩn bị cho một đợt tiến công mới tại khu vực Đông Bắc Ukraine. Mặt khác, lực lượng Nga vẫn tiến công ở tiền tuyến phía Đông, với thị trấn chiến lược Chasov Yar là một trọng điểm. Ông Zelensky đưa ra thông tin này trong bài phát biểu bên trong đống đổ nát của một nhà xuất bản tại tỉnh Kharkov.

Nga đang chuẩn bị cho hoạt động tấn công ở nơi cách Kharkov 96km về phía Tây Bắc. Moscow đang tập kết thêm binh sĩ gần biên giới chúng tôi.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trước đó, Nga đã gây bất ngờ cho Ukraine vào ngày 10/5 khi binh sĩ Nga tiến vào biên giới Đông Bắc, đánh sâu vào phòng tuyến Ukraine và kiểm soát các ngôi làng gần biên giới.

Chiến dịch tiến công của Nga vào tháng 5 này là sự kiện đáng kể nhất trong nhiều tháng giao tranh giữa Nga và Ukraine. Các chuyên gia quân sự cho rằng một trong những mục tiêu lớn của Nga là mở rộng chiều dài chiến trường hiện đã ở mức hàng trăm kilomet, từ đó buộc Ukraine phải căng mỏng hơn nữa lực lượng của mình, giúp Nga tận dụng lợi thế về quy mô quân đội.

Hiện tại, các lực lượng Ukraine đang phải phòng ngự trước quân đội Nga tiến công ở khu vực Đông Donetsk, ở miền Đông Bắc và cả ở tỉnh Zaporizhzhia (nằm về phía Đông Nam). Như vậy, về mặt quân sự trên thực địa, Ukraine đang đối mặt đồng thời với cả hai gọng kìm lớn của quân đội Nga.

Việc phòng thủ Chasov Yar của Ukraine giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị máy bay không người lái khi pháo binh thiếu đạn dược. Ảnh: New York Times.

Việc phòng thủ Chasov Yar của Ukraine giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị máy bay không người lái khi pháo binh thiếu đạn dược. Ảnh: New York Times.

Không chỉ vậy, các lãnh đạo Nga còn tiến hành tâm lý chiến khi nhiều lần ám chỉ khả năng nước này sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với Ukraine và NATO. Trong tháng 5 này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo rằng chính sách của Moscow về chiến tranh hạt nhân vẫn chưa thay đổi trong tình hình có nhiều biến đổi.

Vào ngày 21/5, Nga đã khởi động cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật để đáp trả điều mà Bộ Quốc phòng Nga gọi là “các tuyên bố khiêu khích và các mối đe dọa của giới chức phương Tây liên quan đến Liên bang Nga”.

Bệ phóng của tổ hợp Iskander Nga tham gia diễn tập hạt nhân chiến thuật. Ảnh: BQP Nga.

Bệ phóng của tổ hợp Iskander Nga tham gia diễn tập hạt nhân chiến thuật. Ảnh: BQP Nga.

Đây là lần đầu tiên Nga công khai thông báo về cuộc diễn tập liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Các nhà phân tích cho rằng cuộc diễn tập nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Ukraine và phương Tây, trong bối cảnh các nước đồng minh tăng cường viện trợ quân sự, thậm chí mở đường cho Kiev sử dụng các vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Theo các chuyên gia, cuộc diễn tập là lời cảnh báo rõ ràng nhất từ phía Nga, rằng, nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến chống Ukraine.

Nguy cơ leo thang căng thẳng

Giới chuyên gia cho rằng việc ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí NATO xuất phát từ sự tuyệt vọng của liên minh xuyên Đại Tây Dương trước những thất bại quân sự liên tiếp của Kiev trên chiến trường. Việc có thể sử dụng các loại vũ khí tầm xa, uy lực do các đồng minh phương Tây cung cấp sẽ giúp các nhà hoạch định quân sự của Kiev định hình chiến trường rộng lớn hơn theo hướng có lợi cho họ.

Tuy nhiên, khả năng mở rộng cách sử dụng vũ khí được viện trợ, bao gồm việc tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga, sẽ vấp phải phản ứng đáp trả mạnh mẽ của Nga, nguy cơ leo thang căng thẳng và dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga không đảm bảo sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân chiến lược tổng thể. Các cuộc tấn công này có thể làm gián đoạn các đường tiếp viện, cơ cấu chỉ huy và trung tâm hậu cần của Nga, từ đó làm giảm hiệu quả các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng về cơ bản sẽ không làm thay đổi cán cân quyền lực.

Tên lửa được phóng từ hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tên lửa được phóng từ hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các loại vũ khí như hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của Mỹ đủ hiệu quả đối với Ukraine, nhưng chúng khó có thể thay đổi bản chất của một cuộc chiến tranh tiêu hao. Các hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa ATACMS cũng có thể trở thành mục tiêu của quân đội Nga.

Việc Bộ Quốc phòng Liên bang Nga ngày 30/5 tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 8 tên lửa ATACMS trên bầu trời Crimea là một minh chứng rõ ràng cho thấy điều đó.

Không chỉ vậy, các đợt huy động quân liên tiếp cho thấy lực lượng Nga đã tăng thêm 15% kể từ khi bắt đầu xung đột. Xét trên những số liệu này, Ukraine khó có thể đuổi kịp Nga.

Ukraine đang gặp khó khăn trong việc tuyển quân và nền kinh tế đang suy yếu. Trừ khi Kiev và các đồng minh có thể thay đổi bản chất của cuộc xung đột này, nếu không, triển vọng sẽ không mấy khả quan.

Tổng thống Nga Putin nhiều lần cảnh báo phương Tây cần cân nhắc trước khi tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ảnh: AFP.

Tổng thống Nga Putin nhiều lần cảnh báo phương Tây cần cân nhắc trước khi tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ảnh: AFP.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ là một thời điểm quan trọng. Nếu ông Trump thắng, một nhiệm kỳ tổng thống mới của cựu Tổng thống Donald Trump có thể chứng kiến việc Mỹ tái tập trung vào các vấn đề trong nước, thậm chí có thể cắt giảm nguồn cung viện trợ quân sự cho Ukraine.

Việc sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga cũng được cho là sẽ dẫn đến tác động đáng kể về địa chính trị. Nó có thể thổi bùng căng thẳng giữa Nga và các nước thành viên NATO nếu các nước này cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Sự leo thang liên tục có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu những hậu quả nghiêm trọng này xảy ra ở châu Âu, Mỹ sẽ hành xử thế nào? Hãy lưu ý rằng chúng ta ngang bằng trong lĩnh vực vũ khí chiến lược. Thật khó để nói rằng, liệu họ có muốn một cuộc xung đột toàn cầu không?

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nguy cơ leo thang, bao gồm khả năng Nga trả đũa các thành viên NATO, là mối lo ngại thực sự. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nếu Mỹ tấn công các mục tiêu của Nga, điều đó đồng nghĩa với việc “khơi mào một cuộc chiến tranh thế giới mới”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng tuyên bố Moscow sẽ tấn công đáp trả vào các mục tiêu của Anh nếu Ukraine sử dụng vũ khí do London cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh xung đột leo thang, không thể bỏ qua khả năng tính toán sai lầm và những hậu quả ngoài ý muốn nếu Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây. Việc tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ và khó lường từ phía Moscow.

Các mối đe dọa hạt nhân của Điện Kremlin không thể bị loại bỏ hoàn toàn, đặc biệt nếu Nga coi các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ như một mối đe dọa hiện hữu. Học thuyết quân sự của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu trường hợp này xảy ra.

Có thể thấy, cuộc xung đột ngày càng khốc liệt tại Ukraine đòi hỏi phải có sự đánh giá liên tục và cách tiếp cận thận trọng để đảm bảo rằng các hành động được thực hiện góp phần tạo ra một giải pháp bền vững và công bằng mà không leo thang thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, tàn khốc hơn.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nga-canh-bao-ve-nguy-co-xung-dot-toan-cau-240896.htm