Nga cáo buộc Mỹ âm mưu 'định cư' ở Biển Đen

Cùng với việc thường xuyên điều tàu chiến hoạt động ở Biển Đen, Mỹ đang kêu gọi sửa đổi Công ước Montreux nhằm gia tăng quy mô hiện diện quân sự và 'định cư' trong khu vực.

Tàu chỉ huy đổ bộ lớp Blue Ridge USS Mount Whitney (LCC / JCC 20), soái hạm Hạm đội 6, đã tiến vào Biển Đen hôm 1/11, lần thứ ba kể từ năm 2014, trong một cuộc tập trận với các lực lượng NATO. Theo truyền thông Nga, thực tế, đây là một sở chỉ huy nổi, được trang bị các thiết bị điện tử, thông tin liên lạc và thông tin tình báo hiện đại nhất.

Từ soái hạm Mount Whitney, bộ chỉ huy nhanh chóng nhận được thông tin chiến thuật cần thiết để quản lý hiệu quả toàn bộ đội hình.

Mount Whitney được hộ tống bởi tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke USS Porter và tàu chở dầu USNS John Lenthall. Nhóm này được hỗ trợ bởi các tàu của các đồng minh trong khu vực, trong khi từ trên không được bảo vệ bởi hàng không Mỹ triển khai tại các căn cứ ở châu Âu, bao gồm máy bay ném bom chiến lược B-1B.

Soái hạm USS Mount Whitney. Ảnh: Wikimedia.

Soái hạm USS Mount Whitney. Ảnh: Wikimedia.

Hạm đội 6 nói, đây là hoạt động phối hợp định kỳ nhằm duy trì an ninh hàng hải và ổn định trong khu vực, nâng cao sự sẵn sàng tập thể của NATO.

Để dọn đường cho sự xuất hiện của các tàu Mỹ ở Biển Đen, từ cuối tháng 10, truyền thông Mỹ đăng tin Nga đang tập trung quân đội ở biên giới với Ukraine, đăng kèm các hình ảnh vệ tinh về thiết bị quân sự trong khu vực Yelnya, điều mà Nga cho là một âm mưu; lưu ý, vùng Smolensk mà báo chí Mỹ đề cập cách xa Ukraine hơn 250km đường chim bay.

Tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke USS Porter qua eo biển Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tiến vào Biển Đen. Ảnh: USNI.

Tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke USS Porter qua eo biển Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tiến vào Biển Đen. Ảnh: USNI.

Đầu tháng 11, người đứng đầu CIA, William Burns, đến Moscow, theo CNN, mục đích của chuyến thăm nhằm "để cảnh báo Điện Kremlin Mỹ đang theo dõi chặt chẽ hoạt động tập kết của quân đội Nga ở biên giới với Ukraine".

Tiếp đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ kêu gọi cần cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine và gửi tàu chiến đến Biển Đen để “kiềm chế và đẩy lùi hành động xâm lược” của Nga.

Theo Công ước Montreux năm 1936, tổng trọng tải tàu chiến của bất kỳ quốc gia nào không nằm trong khu vực Biển Đen khi vào biển này trong thời bình không được vượt quá 30 nghìn tấn. Truyền thông Nga lưu ý, nhóm tàu chiến hiện tại của Hạm đội 6 ở Biển Đen không phù hợp với giới hạn này. Chính vì những hạn chế pháp lý mà người Mỹ chưa bao giờ kéo lực lượng tấn công chủ lực qua eo biển Bosphorus để vào Biển Đen bởi tàu sân bay hạt nhân có lượng choán nước ít nhất từ 80.000 tấn trở lên.

 Tàu chở dầu USNS John Lenthall. Nguồn: Hải quân Mỹ.

Tàu chở dầu USNS John Lenthall. Nguồn: Hải quân Mỹ.

Washington rõ ràng không hài lòng với điều này, hãng thông tấn RIA của Nga nhận định, bởi những tàu nằm trong giới hạn Công ước Montreux, dù hiện đại nhất, cũng khó có thể vượt qua Hạm đội Biển Đen hùng hậu của Nga.

Viết trên tờ The Hill, một sĩ quan hải quân Mỹ kêu gọi Washington và Liên minh Bắc Đại Tây Dương phải chống lại sự thống trị của Nga ở Biển Đen, thậm chí đề xuất bỏ qua những hạn chế của Công ước Montreux, kết hợp cùng lúc nhiều tàu chiến của các thành viên NATO để đối phó với hạm đội Nga.

Văn Phong/RIA

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/nga-cao-buoc-my-am-muu-dinh-cu-o-bien-den-114887.html