Nga cáo buộc tiêm kích hạm Mỹ 'áp sát nguy hiểm' vận tải cơ An-30 tại Syria

Nga cáo buộc tiêm kích hạm F/A-18 Mỹ 'áp sát nguy hiểm' vận tải cơ An-30 của nước này ở không phận Syria, buộc phi công áp dụng biện pháp tránh va chạm. Hiện Washington chưa lên tiếng về điều này.

"Tiêm kích F/A-18 của liên quân Mỹ đã tiếp cận nguy hiểm với vận tải cơ An-30 Nga đang thực hiện chuyến bay theo kế hoạch ở độ cao 6.700 m trên không phận Syria lúc 11h05-11h10 ngày 17/8", đại tá Oleg Ignasyuk, phó giám đốc Trung tâm Hòa giải Các bên tham chiến tại Syria của Nga, cho biết.

Quan chức Nga nói rằng vụ chạm mặt diễn ra tại khu vực Al-Tanf thuộc tỉnh Homs, miền trung Syria, phía bắc thủ đô Damascus. "Kíp lái Nga đã thể hiện trình độ chuyên nghiệp cao và nhanh chóng áp dụng những biện pháp cần thiết để tránh va chạm", Đại tá Ignasyuk nói thêm.

Quân đội Nga cũng cáo buộc 6 tiêm kích F-15, hai tiêm kích Typhoon, 4 chiến đấu cơ F/A-18 và 6 cường kích A-10 Thunderbolt thuộc liên quân do Mỹ dẫn đầu đã "xâm phạm không phận Syria" trong ngày 17/8.

Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bình luận về thông tin.

Tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet

Tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet

Hiện hải quân Mỹ đang sử dụng chủ yếu là tiêm kích hạm hạng nặng F/A-18 thuộc phiên bản E/F Super Hornet.

F/A-18E/F Super Hornet được phát triển từ tiêm kích hạm nổi tiếng F/A-18 Hornet. Chúng được đưa vào trang bị trong không quân hải quân Mỹ vào năm 1999 nhằm thay thế cho chiếc máy bay F-14 Tomcat. F/A-18 Super Hornet được tihết kế với hai phiên bản, phiên bản E một chỗ ngồi và F hai chỗ ngồi.

Những thay đổi về cấu trúc làm cho máy bay lớn hơn, tầm bay xa hơn, mang nhiều vũ khí hơn và có khả năng thực hiện đa nhiệm vụ với khả năng tàng hình nhẹ, nhằm né tránh bị phòng không đối phương truy sát. Đây được coi là loại tiêm kích hạm mạnh nhất của Mỹ.

Việc trang bị radar mạnh hơn, kho vũ khí đa dạng hơn, và trải qua những lần thực chiến, F/A-18E/F Super Hornet được coi là máy bay thế hệ thứ 4,5 thành công nhất thế giới. Nó cũng là máy bay tiêm kích hạm có khả năng trang bị nhiều vũ khí và tầm bay xa nhất.

Điểm độc đáo là hệ thống hệ thống tiếp nhiên liệu trên không (ARS) vừa giúp chúng có khả năng nhận nhiên liệu từ máy bay tiếp dầu, đồng thời chúng cũng sẽ biến mình thành máy bay tiếp dầu để tiếp dầu cho máy bay khác khi cần thiết.

Theo TASS, Reuters

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-cao-buoc-tiem-kich-ham-my-ap-sat-nguy-hiem-van-tai-co-an-30-tai-syria-post586584.antd