Nga: Chỉ 3% ngũ cốc Ukraine đến các nước nghèo nhất, dường như 'không có cơ hội' gia hạn thỏa thuận
Nga cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực xảy ra là do hành động của các nước phương Tây, chứ không phải bởi chiến dịch quân sự đặc biệt do Moscow tiến hành ở Ukraine.
Ngày 17/6, trong cuộc hội đàm với phái đoàn ngoại giao cấp cao châu Phi tại St.Peterburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine theo thỏa thuận đảm bảo đi qua Biển Đen an toàn không giúp giải quyết các vấn đề của châu Phi vốn phát sinh từ tình trạng giá lương thực toàn cầu tăng cao, bởi vì chỉ 3% ngũ cốc Ukraine được chuyển đến các nước nghèo nhất.
Tổng thống Nga nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng lương thực xảy ra là do hành động của các nước phương Tây, chứ không phải do chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo từ Nam Phi, Senegal, Ai Cập, Zambia, Uganda, Cộng hòa Congo và Quần đảo Comoros đã hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin tại Cung điện Konstantinovsky với hy vọng hòa giải cuộc xung đột Nga-Ukraine, sau khi thực hiện chuyến thăm Kiev hôm 16/6.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định, dường như “không có cơ hội” gia hạn thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua Biển Đen thông qua vùng biển do Moscow kiểm soát.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Izvetia, ông Peskov chia sẻ: “Khó có thể dự đoán bất kỳ quyết định cuối cùng nào trong vấn đề này, nhưng tôi có thể nói rằng, xét trên thực tế hiện trạng mà chúng ta đang có, thỏa thuận này không có cơ hội”.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen - thường được gọi là Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen - được ký ngày 22/7/2022 giữa các đại diện của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc, liên quan đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm và phân bón của Ukraine qua Biển Đen.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng những nội dung của thỏa thuận liên quan đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Nga không được thực hiện một cách đầy đủ.