Nga chính thức đưa 'vũ khí tối thượng' Avangard vào trực chiến
Bộ Quốc phòng Nga hôm 27/12 thông báo chính thức đưa các tên lửa siêu thanh Avangard 'bất khả chiến bại' đầu tiên vào trực chiến.
Đây là một trong những loại vụ khí mới do Nga phát triển và được Tổng thống Vladimir Putin ca ngợi là “bất khả chiến bại”.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống tên lửa liên lục địa siêu thanh Avangard thuộc thế hệ tên lửa mới có khả năng tấn công các mục tiêu ở khắp nơi trên thế giới và có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện có trên thế giới, kể cả hệ thống lá chắn tên lửa mà Mỹ đang triển khai tại châu Âu.
Avangard được thiết kế bằng chất liệu tổng hợp có thể chịu được 2.000 độ C của việc bay trong khí quyển với vận tốc siêu thanh. Không giống với đầu đạn thông thường, đi theo đường bay dễ đoán sau khi tách ra, Avangard có thể bẻ lái một cách khó lường trong khí quyển khi đang bay tới mục tiêu, khiến việc đánh chặn trở nên khó hơn nhiều. Tên lửa này có khả năng bay liên lục địa với tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đánh giá việc triển khai những tên lửa này là một sự kiện tuyệt vời đối với đất nước và các lực lượng vũ trang Nga: "Chỉ thị của Tổng thống về tái vũ trang lực lượng hạt nhân chiến lược với các hệ thống tấn công hoàn toàn mới đang được thực hiện. Mức độ hiện đại hóa của lực lượng tên lửa chiến lược là hơn 76%, và đối với bộ ba hạt nhân gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hạt nhân và không quân chiến lược là 82%."
Tổng thống Nga Putin thì so sánh việc phát triển thành công tên lửa Avangard với sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik năm 1957, biểu tượng cho sự đột phá công nghệ của trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Cùng với Avangard, một loại vũ khí khác cũng được nhà lãnh đạo Nga đánh giá “bất khả chiến bại” là tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng thế hệ thứ 5 Samat dự kiến sẽ được bàn giao cho các lực lượng vũ trang Nga vào năm 2020. Đây là loại vũ khí không có giới hạn về tầm bắn và có khả năng tấn công các mục tiêu từ cực Bắc sang cực Nam. Ngoài ra, trong số các hệ thống vũ khí đang được Nga phát triển còn có tàu ngầm hạt nhân không người lái, tên lửa siêu thanh cho máy bay chiến đấu hay vũ khí laser.
Thông báo về việc đưa hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard vào trực chiến và một loạt vũ khí đang được phát triển diễn ra trong bối cảnh Nga và Mỹ trong năm nay đã chấm dứt việc tham gia Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có từ Chiến tranh Lạnh. Vấn đề tương lai của Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (viết tắt là START-3) hết hạn vào năm 2021 cũng đang bị đặt dấu hỏi. Nga cáo buộc Mỹ đang tìm cách phá vỡ các hiệp ước hiện có nhằm khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, để từ đó làm cạn kiệt nền kinh tế Nga. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, việc Nga công bố các loại vũ khí “tối thượng” mới không không đơn giản chỉ nhằm phô diễn sức mạnh quân sự, mà còn để chứng tỏ rằng các chỉ số kinh tế không ảnh hưởng tới khả năng của Nga trong phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có vũ khí chiến lược. Thông điệp lớn nhất mà Nga muốn gửi tới Mỹ là hãy nhanh chóng xem xét việc gia hạn Hiệp ước START-3, điều mà Mỹ vẫn từ chối đưa ra tuyên bố chính thức dù Nga nhiều lần kêu gọi.
Tổng thống nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận mới trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Tuy nhiên, cho đến khi đạt được quá trình này, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố lực lượng hạt nhân của mình, tái vũ trang các lực lượng tên lửa chiến lược nhằm đảm bảo khả năng răn đe chống lại mọi âm mưu xâm lược đối với Nga hoặc các đồng minh.”
Theo quan điểm của Mỹ, Hiệp ước này là một thiếu sót lớn khi không bao phủ tất cả các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn của Nga. Mỹ không bác bỏ việc ký kết một hiệp ước vũ khí mới với Nga, nhưng luôn nhấn mạnh đó phải là một hiệp ước tốt hơn với toàn bộ các loại vũ khí chiến lược của Nga phải được đưa vào thỏa thuận./.