Nga đã vô hiệu hóa HIMARS ở Ukraine như thế nào?

Nga triển khai tác chiến điện tử, vô hiệu hóa tín hiệu vệ tinh và pháo phản lực HIMARS trở nên hoàn toàn không hiệu quả ở Ukraine. Công nghệ gây nhiễu của Nga có thể khiến pháo HIMARS trượt mục tiêu 15 m trở lên.

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS được Mỹ cung cấp cho Ukraine hoàn toàn không hiệu quả do hệ thống gây nhiễu điện tử của Nga.

Pháo phản lực HIMARS không còn hiệu quả do tác chiến điện tử của Nga

Báo The Washington Post trích dẫn nội dung đánh giá bí mật về vũ khí của Ukraine nói rằng Ukraine đã phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sử dụng nhiều loại vũ khí do Mỹ cung cấp vì gặp phải một số vấn đề.

Báo cáo trên đề cập các loại vũ khí như pháo dẫn đường bằng GPS Excalibur và HIMARS.

 Mỹ và NATO khai hỏa tổ hợp pháo phản lực M142 HIMARS ở Estonia. Ảnh: Sgt. Cesar Salazar Jr./US Army

Mỹ và NATO khai hỏa tổ hợp pháo phản lực M142 HIMARS ở Estonia. Ảnh: Sgt. Cesar Salazar Jr./US Army

“Công nghệ Excalibur ở phiên bản hiện tại đã mất đi tiềm năng. Việc sử dụng nó trên chiến trường Ukraine đã chứng minh đây không phải là vũ khí “một phát, một mục tiêu” – báo cáo chỉ ra.

Một nguồn tin quân sự Ukraine nói với The Washington Post rằng hệ thống HIMARS có thể phóng tên lửa xa tới 80 km. Trong những ngày đầu cuộc chiến, HIMARS được ca ngợi là dây cứu sinh cho Ukraine, nhưng giờ đây mối đe dọa đã không còn đáng kể trên chiến trường.

“Người Nga đã triển khai tác chiến điện tử, vô hiệu hóa tín hiệu vệ tinh và HIMARS trở nên hoàn toàn không hiệu quả” – nguồn tin cho hay.

Theo đánh giá bí mật về vũ khí của Ukraine, công nghệ gây nhiễu của Nga có thể khiến tên lửa HIMARS trượt mục tiêu 15 m trở lên.

Trước đó, một báo cáo tiết lộ các quả bom lượn được Mỹ cung cấp cũng liên tiếp trượt mục tiêu do công nghệ gây nhiễu của Nga.

Các hệ thống khác như tên lửa Storm Shadow của Anh và Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS của Mỹ ít bị ảnh hưởng trước công nghệ gây nhiễu của Nga.

Trang Defense One cho biết gây nhiễu là một chiến thuật ít tốn kém vì phần mềm khá rẻ và có thể phá hủy các loại đạn dược trị giá hàng chục ngàn USD.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói rằng Nga tiếp tục mở rộng việc sử dụng tác chiến điện tử và Mỹ tiếp tục phát triển và đảm bảo rằng Ukraine có những năng lực cần thiết để hoạt động hiệu quả.

Dù vậy, ông Mike Nagata- trung tướng lục quân Mỹ về hưu cũng là người đã dẫn dắt các chiến dịch đặc biệt tại Trung Đông – nói Mỹ vẫn đang tụt hậu về khả năng tác chiến điện tử, theo Defense One. Ông cũng kêu gọi Mỹ sáng tạo hơn nữa để giành lại ưu thế trong chiến tranh điện tử.

Bên cạnh đó, công nghệ gây nhiễu của Nga cũng đã làm gián đoạn hệ thống internet và vệ tinh Starlink của Ukraine, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho binh lính tiền tuyến của Ukraine, theo báo The New York Times.

Kể từ khi xung đột với Nga nổ ra, quân đội Ukraine đã sử dụng dịch vụ internet vệ tinh Starlink của Space X để liên lạc và phối hợp tấn công.

Các thành viên của Lữ đoàn tấn công số 92 của Ukraine cho hay hệ thống Starlink đã trở nên vô cùng chậm chạp khi quân đội Nga mở cuộc tấn công lớn xuyên qua biên giới phía bắc hướng tới tỉnh Kharkiv.

“Một ngày trước cuộc tấn công, nó đã bị sập. Nó trở nên cực kỳ cực kỳ chậm. Chúng tôi đang thua trong cuộc chiến tác chiến điện tử” – một binh sĩ Ukraine có tên hiệu Ajax nói.

Mỹ nên làm gì?

Theo trang Business Insider, Trung tướng Antonio Aguto – người đứng đầu Nhóm Hỗ trợ an ninh - Ukraine thừa nhận tác chiến điện tử là thách thức lớn đối với một số “năng lực chính xác nhất” của Mỹ. Giới chức Mỹ cũng đã nhận diện vấn đề và cho biết Mỹ cùng Ukraine đang nỗ lực tìm giải pháp.

 Hệ thống tác chiến điện tử R-330Zh Zhitel của Nga. Ảnh: MILITARNYI

Hệ thống tác chiến điện tử R-330Zh Zhitel của Nga. Ảnh: MILITARNYI

Bất kỳ biện pháp nào giúp giải quyết thách thức do tác chiến điện tử gây ra sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Ukraine, mà còn giúp Mỹ xử lý các vấn đề gây lo ngại bấy lâu khi Mỹ chuẩn bị cho khả năng nổ ra một cuộc xung đột lớn.

Ông Mark Cancian – cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ, hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang cố gắng vượt qua các mối đe dọa từ tác chiến điện tử bằng cách tập trung vào các lựa chọn như sử dụng dải tín hiệu hẹp hơn hay tạo ra tín hiệu mạnh hơn có khả năng vô hiệu hóa các nỗ lực gây nhiễu.

Dù vậy, ông Cancian cũng lưu ý rằng đối phương sẽ luôn đưa ra các biện pháp đối phó làm giảm hiệu quả.

Tại một sự kiện truyền thông đầu tháng 5, ông Doug Bush – người đứng đầu bộ phận mua sắm của Lục quân Mỹ - nói rằng không có gì ngạc nhiên khi Nga có thể gây nhiễu vũ khí Mỹ. Ông Bush nhấn mạnh đây là một phần trong chu kỳ đổi mới liên tục của cả hai bên. Ông nói thêm Mỹ học được rằng với bất kỳ loại vũ khí chính xác nào thì cần có nhiều cách để dẫn nó tới mục tiêu.

Ông Bush cho biết thêm Lục quân Mỹ từ lâu đã thành lập một đội ngũ tập trung vào việc điều chỉnh vũ khí để ứng phó các vấn đề tác chiến điện tử trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Điều này cho thấy Lầu Năm Góc đã nẵm rõ tình hình.

Washinton cho hay các nỗ lực điều chỉnh vũ khí chính xác để ứng phó mối đe dọa này chỉ là một lát cắt của giải pháp nhiều tầng. Các giải pháp khác bao gồm sử dụng vũ khí khác và ưu tiên nhắm mục tiêu vào điểm phát ra tín hiệu tác chiến điện tử ngay từ đầu trong một cuộc xung đột.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/nga-da-vo-hieu-hoa-himars-o-ukraine-nhu-the-nao-post792609.html