Nga 'đại công cáo thành', rút quân chờ động thái từ Ukraine: Kịch hay vẫn còn?
Mặc dù có lý do để thở phào nhẹ nhõm, nhưng Ukraine vẫn phải ghi nhớ: Chiến lược phô diễn sức mạnh và răn đe đối thủ của Nga sẽ không phải chỉ vậy mà kết thúc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 22/4 thông báo quân đội nước này sẽ bắt đầu rút khỏi các cứ điểm sát biên giới Ukraine để trở về căn cứ. Nếu được thực hiện toàn bộ, quyết định rút quân sẽ hạ màn căng thẳng giữa Nga và Ukraine kéo dài nhiều tuần qua, diễn biến mà giới quan sát lo ngại có khả năng leo thang thành cuộc xung đột lớn.
Mặc dù có lý do để thở phào nhẹ nhõm, nhưng Kiev và châu Âu vẫn cần phải nhớ một điều: Chiến lược phô diễn sức mạnh và răn đe đối thủ của Nga sẽ không phải chỉ vậy mà kết thúc, cây bút Peter Dickinson của UkraineAlert Service nhận định.
Vẫn còn phải xem liệu việc Nga tuyên bố rút quân có áp dụng cho toàn bộ hoạt động thiết lập quân đội ở các vùng giáp biên giới với Ukraine hay không.
Phát biểu tại Brussels hồi tuần trước, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell tuyên bố Nga đã triển khai hơn 100.000 quân tới biên giới Ukraine, cùng với một loạt các khí tài quân sự. Thông tin này cũng phù hợp với các đánh giá tương tự của Mỹ và Ukraine.
Trong những tuần tới, phương Tây sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình để xác định các động thái đặc biệt của Điện Kremlin.
Ukraine cô đơn giữa “cuộc vui đông người”
Xét ở khía cạnh hình ảnh, cuộc khủng hoảng với Nga dường như đã mang lại một số mặt tích cực cho Ukraine. Về mặt đối nội, Tổng thống Zelenskyy đã có một số khoảnh khắc đậm tính chính khách nhất kể từ khi đắc cử tổng thống hai năm trước.
Ông đã thể hiện sự dũng cảm mang tính cá nhân khi đến thăm tiền tuyến; tiến hành các cuộc gặp cấp cao với giới lãnh đạo nước ngoài bao gồm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron; truyền đạt thông điệp trấn an tới các phương tiện truyền thông quốc tế; và có bài phát biểu thông điệp quốc gia không ngại ngần nhắc tới Nga. “Không thể mang đến hòa bình bằng một chiếc xe tăng”, ông gừi lời tới Tổng thống Vladimir Putin.
Theo quan điểm của Ukraine, phản ứng của quốc tế đối với động thái của Nga cũng phần nào mang đến sự khích lệ. Mỹ vẫn tiên phong với những thông điệp tới Kiev và Moscow, trong đó nêu rõ sự ủng hộ dành cho Ukraine và cảnh báo sẵn sàng có các động thái đáp trả Điện Kremlin. Liên minh các quốc gia phương Tây cũng lên tiếng ủng hộ Ukraine gọi hành động của Nga là “đáng báo động”.
Giới quan sát tin rằng động thái phô trương quân sự của Nga một phần thúc đẩy bởi mong muốn kiểm tra cam kết của đồng minh đối với Ukraine. Nếu đây thực sự là mục đích của Nga thì phản ứng mà họ nhận được đã hiện lên rất rõ nét.
Bất chấp những tiến bộ đáng hoan nghênh này, Ukraine vẫn ở trong tình trạng rủi ro và gặp khó về mặt an ninh. Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng không mang lại sự gia tăng đáng kể nào về hỗ trợ quân sự trực tiếp của phương Tây, trong khi lời kêu gọi ngày càng mạnh mẽ hơn của Ukraine về việc trở thành thành viên của NATO đã bị làm ngơ một cách lặng lẽ.
Do đó, rất ít người ở Kiev lạc quan về sự giúp đỡ từ bên ngoài. Dù Ukraine có thể mong đợi nhận được vũ khí cần thiết và khả năng tiếp cận thông tin tình báo quan trọng trong trường hợp leo thang, họ tin rằng mình cuối cùng vẫn đơn độc khi đối mặt với người hàng xóm khổng lồ.
Nga hái “quả ngọt”
Căng thẳng địa chính trị gia tăng bất ngờ gần đây cũng cho phép Nga đạt được một số mục tiêu chiến lược. Tổng thống Putin có thể phô diễn linh hoạt sức mạnh quân sự trên đấu trường toàn cầu và nhận được lời mời tổ chức hội nghị thượng đỉnh từ người đồng cấp Joe Biden, điều một lần nữa đập tan những quan điểm cho rằng vị thế siêu cường của Nga đã phai nhạt.
Có lẽ quan trọng nhất, Điện Kremlin cũng đã chứng tỏ khả năng điều phối hoặc phân tích kịch bản cuộc chiến hỗn hợp chống lại Ukraine theo ý muốn. Thông điệp gửi đến Kiev và các đối tác phương Tây của Ukraine không thể rõ ràng hơn: Nga không loại trừ một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột và có thể sẽ sử dụng vũ lực nếu không có những nhượng bộ cần thiết.
Giờ đây, phương Tây và Ukraine sẽ phải quyết định xem họ sẽ cho phép mình bị Điện Kremlin lấn lướt theo cách như vậy cho đến khi nào. Tổng thống Putin có thể ra lệnh rút quân ở thời điểm hiện tại, nhưng không điều gì có thể ngăn ông lặp lại những chiến thuật “hù dọa” này bất cứ khi nào cần thiết.
Như chuyên gia Vadym Denysenko từ Viện Tương lai Ukraine mô tả: “Những gì chúng ta vừa chứng kiến không khác gì một cuộc diễn tập phục vụ cho động thái quân sự toàn diện với Ukraine. Phần lớn lực lượng tiềm năng trong tương lai vẫn giữ vị trí và sẵn sàng hành động. Lần tới, Tổng thống Putin sẽ có thể sử dụng những kinh nghiệm vô giá mà lực lượng vũ trang Nga thu được trong đợt triển khai quân gần đây”.