Nga đáp trả thế nào đối với chiến lược năng lượng mới của EU

Kế hoạch của EU được công bố nhằm tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia và khu vực trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và mở rộng quan hệ trong lĩnh vực năng lượng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên trang phân tích chính trị của Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây có bài viết cho biết ngày 18/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Chiến lược năng lượng đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) mang tên "Sự tham gia của EU vào năng lượng toàn cầu trong một thế giới đang thay đổi".

Tài liệu này vốn được EC tiết lộ rất lâu trước các sự kiện ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga. Do đó, văn bản cuối cùng của tài liệu đã được sửa đổi đáng kể để phù hợp với tình hình mới.

Nhiều nội dung mới được bổ sung để hỗ trợ các tổ hợp năng lượng của các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tài liệu đặc biệt nhấn mạnh tới sự cần thiết “chuyển đổi xanh” của EU và toàn thế giới nhằm cải thiện an ninh năng lượng của các quốc gia bằng cách từ chối tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Các kế hoạch của EU đang được công bố nhằm tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia và khu vực khác trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ cần thiết, cũng như mở rộng trực tiếp quan hệ thương mại trong lĩnh vực năng lượng.

* Đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt

Trong những năm tới, EU dự định tăng nhập khẩu khí đốt từ các nguồn thay thế. Về định lượng, EC sẽ thúc đẩy tăng nhập khẩu LNG sản phẩm ở dạng khí thêm 50 tỷ m3 và khí đốt đường ống thêm 10 tỷ m3.

Để đạt được mục tiêu này, vào tháng 4/2022, Nền tảng mua sắm Năng lượng EU đã được thành lập, nhằm nâng cao vị thế của các nước EU riêng lẻ thông qua sử dụng trọng lượng kinh tế tổng thể của Nền tảng này khi đàm phán với các nhà xuất khẩu. Các quốc gia Tây Balkan và “bộ ba liên kết” gồm Gruzia, Moldova và Ukraine có thể tham gia nền tảng này.

Bắt đầu từ mùa Thu năm 2021, EC đang thúc đẩy các nhà xuất khẩu LNG và khí đốt vận chuyển qua đường ống tăng nguồn cung. Những nỗ lực này đã dẫn đến các lô hàng kỷ lục trong giai đoạn từ tháng 1-4/2022, với khối lượng tương đương 42 tỷ m3. Vào tháng 3/2022, Brussels đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về nguồn cung cấp LNG bổ sung và với Canada về việc thành lập một nhóm công tác chuyên biệt.

Hiện Brussels hy vọng sẽ đạt được mục đích nói trên thông qua việc thiết lập thỏa thuận ba bên về cung cấp khí đốt từ Ai Cập và Israel trong thời gian ngắn sắp tới. EC đưa ra một tính toán chủ quan rằng Hàn Quốc và Nhật Bản, trước đây đã chuyển hướng một số tàu chở LNG sang EU, sẽ sẵn sàng hỗ trợ châu Âu một lần nữa nếu cần thiết.

Chiến lược cũng nhấn mạnh rằng Qatar đã đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các thỏa thuận trao đổi khí đốt cho các công ty châu Âu và châu Á.

Na Uy đã cung cấp thêm một khối lượng khí đốt bổ sung qua đường ống cho thị trường EU. Brussels dự kiến sẽ tăng mua khí đốt từ Azerbaijan và Algeria, theo đó, EC có kế hoạch, thứ nhất là nối lại đối thoại năng lượng, và thứ hai là tăng cường hợp tác, có tính đến tầm quan trọng chiến lược của Hành lang Khí đốt phía Nam và sự cần thiết nâng cao năng lực lưu thông của đường ống dẫn khí xuyên biển Adriatic.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dự án này đã bị loại khỏi danh sách “các dự án có lợi ích chung” trong lĩnh vực năng lượng (PRI) của EU theo Quy định Mạng lưới Năng lượng xuyên châu Âu. Điều này là do danh sách PRI thứ 5 được đệ trình lên EC vào tháng 11/2021, trước khi diễn ra các sự kiện ở Ukraine và nhu cầu tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế chưa cấp thiết như hiện nay.

Brussels hy vọng rằng các quốc gia châu Phi cận Sahara, đặc biệt là Angola, Nigeria (cung cấp 15% lượng khí đốt nhập khẩu của EU vào năm 2021) và Senegal, có thể tăng nguồn cung cấp LNG cho châu Âu trong một khoảng thời gian hợp lý. Việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) có thể đưa Iran vào danh sách các nhà cung cấp khí đốt.

EC dự định sẽ đặc biệt chú trọng đến việc phổ biến chủ đề chống rò rỉ khí metan trên trường quốc tế. Theo tính toán của Brussels, cách tiếp cận như vậy sẽ giúp đưa thêm 46 tỷ m3 khí đốt ra thị trường thế giới mỗi năm và thiết kế để đưa khối lượng này đến châu Âu.

Để đạt được mục tiêu này, châu Âu sẵn sàng cung cấp cho các đối tác hỗ trợ kỹ thuật trong việc thực hiện thu giữ rò rỉ khí metan và xây dựng kế hoạch làm việc theo dạng “bạn thu gom - chúng tôi mua” thông qua vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế.

* Thiếu hụt dầu và các sản phẩm từ dầu

Để chống lại sự thiếu hụt dầu và các sản phẩm dầu trên toàn cầu, mà Brussels coi là hậu quả của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, hiện chưa có một biện pháp cụ thể nào được đề xuất trong khuôn khổ chiến lược.

EC dự định tiếp tục đàm phán với các đối tác nước ngoài với hy vọng mang lại đủ khối lượng cho thị trường. Trong đó bao gồm việc Iran chính thức quay trở lại thị trường thế giới (hiện đang sử dụng một số cơ chế nhất định để bán sản phẩm của mình lách qua các lệnh trừng phạt), cũng như sự phối hợp của EU với các nước trong Vịnh Ba Tư.

* Nguồn cung than bổ sung

Trong bối cảnh lệnh cấm vận đối với than của Nga, được đưa ra trong gói trừng phạt thứ 5 chống Nga, EU dự kiến sẽ bù đắp thâm hụt trong ngắn hạn thông qua nguồn cung thay thế từ 44-56 triệu tấn than mỗi năm. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia sản xuất than đều bày tỏ từ chối cung cấp cho tới năm 2030.

Brussels tin tưởng rằng không có cuộc khủng hoảng về giá trên thị trường than: Với việc áp dụng các hạn chế đối với việc mua than của Nga, sản phẩm này đã tăng giá ở EU khoảng 15%, nhưng vào cuối tháng Tư, giá than đã quay trở lại mức trước khi có lệnh cấm vận.

Cơ sở cung cấp khí đốt Bovanenkovo của Nga. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cơ sở cung cấp khí đốt Bovanenkovo của Nga. Ảnh: AFP/ TTXVN

* Phát triển thị trường hydro

Với hy vọng nhập khẩu 10 triệu tấn hydro mỗi năm vào năm 2030 (trước đó mục tiêu này đã được nêu lên trong Chiến lược hydro của EU vào tháng 6/2020 để bổ sung cho khối lượng sản xuất hydro trong EU), EC sẽ tìm cách ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư với các đối tác nước ngoài. EU có kế hoạch tạo ra ba “hành lang” chính để nhập khẩu loại nhiên liệu này: Khu vực Biển Bắc và Nam Địa Trung Hải, cũng như Ukraine. Ngoài ra, Brussels dự kiến sẽ ký “Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hydro” với Nhật Bản vào cuối năm 2022.

Trong bối cảnh đó, EC trích dẫn dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) về khả năng các khu vực trên thế giới có thể sản xuất hydro “xanh” với giá dưới 1,5 USD/kg (mức cần thiết để cạnh tranh về giá với khí đốt tự nhiên) vào năm 2050.

Dựa trên phân tích của IRENA, châu Âu sẽ có thể tạo ra một khối lượng sản phẩm có giá trị năng lượng là khoảng 280.000 GWh mỗi năm, thấp hơn khoảng 23 lần so với Trung Đông và Bắc Phi, khu vực đứng thứ hai về tiềm năng trên thế giới sau khu vực châu Phi cận Sahara.

Liên quan vấn đề này, EC đang tham gia vào việc hình thành “Đối tác Hydrogen Xanh Địa Trung Hải”, và liên kết đầu tiên của dự án này sẽ là “Đối tác EU và Ai Cập về hydro”. Cũng ở Bắc Phi, Brussels đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Morocco. Ngoài ra, Namibia và Nam Phi cũng là các quốc gia đang phát triển sản xuất sản phẩm này, được coi là những nhà cung cấp tiềm năng hydro “xanh” ở châu Phi cận Sahara.

Với Ukraine, việc phát triển Quan hệ Đối tác Chiến lược về Khí tái tạo, bao gồm hydro và biomethane, vẫn đang tiếp diễn. Chính sách này được lên kế hoạch mở rộng ngay sau khi hoàn cảnh cho phép.

Ngoài ra, EU dự định dẫn đầu việc phát triển các tiêu chuẩn và phương pháp chứng nhận quốc tế cho thị trường hydro toàn cầu mới nổi dựa trên khuôn khổ pháp lý của riêng mình và khả năng thiết lập “Quỹ hydro toàn cầu châu Âu” (Global European Hydrogen Facility) đang được nghiên cứu.

* Làm cách nào để Nga cân bằng lợi thế cạnh tranh với châu Âu

Chiến lược năng lượng đối ngoại của EU hiện nay ưu tiên các liên kết trên trường quốc tế. Mặc dù trên thực tế là các ưu tiên có mang tính chính trị nhưng được thực hiện theo hướng kinh tế: Mong muốn của Brussels được thể hiện trong các chương trình và luật pháp quốc gia rất cụ thể. Các sáng kiến nhằm nâng cao tiềm năng xuất khẩu của các khu vực lân cận về hydro và điện “xanh” được đặc biệt quan tâm.

Do đó, nhu cầu tiềm năng của EC làm phát sinh nguồn cung thực tế từ các đối tác. Cần lưu ý rằng, nhìn chung, các nhà xuất khẩu có triển vọng không có công nghệ để khởi động sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu của EU hoặc năng lực để phát triển chúng. Điều này khẳng định vai trò then chốt của các công ty từ các nước có nền kỹ thuật công nghệ phát triển hơn trong việc tạo ra công suất cần thiết.

Đồng thời, các công ty châu Âu chắc chắn có lợi thế: Một mặt, với sự tham gia của các công ty này, các tiêu chuẩn châu Âu được thiết lập, theo đó, các sản phẩm phải được sản xuất để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Mặt khác, EU có tác động đến các nước đang phát triển bằng cách hỗ trợ tài chính với điều kiện các nước này phải mua thiết bị phục vụ sản xuất từ các nước EU. Về vấn đề này, kinh nghiệm của các công ty Nga trong việc thực hiện các dự án sản xuất và chế biến dầu khí ở nước ngoài để bán thêm sản phẩm cho các nước thứ ba, kể cả các nước châu Âu, không thể áp dụng đầy đủ trong trường hợp này.

Yếu tố quan trọng trong việc cân bằng lợi thế cạnh tranh với châu Âu sẽ là sự tham gia của Nga trong việc hình thành các tiêu chuẩn khí hậu-năng lượng quốc tế mới thông qua đối thoại với các bên tham gia chính và sự tham gia của các chuyên gia Nga trong hoạt động của các tổ chức chuyên môn. Điều này một mặt sẽ cho phép “bám sát” quá trình, mặt khác, tác động một phần đến quá trình đang diễn ra.

Trong tình hình hiện nay, khi hoạt động của Nga trên các nền tảng đối thoại chính bị hạn chế bởi quan điểm của các nước phương Tây thì việc tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước là hoàn toàn có thể thông qua việc sử dụng các phương pháp thay thế, bao gồm: Thứ nhất, tác động chính trị và kinh tế tập trung vào từng quốc gia để đạt được hiệu quả tối đa; thứ hai, đi trước các công ty phương Tây để thiết lập ở các nước thứ ba năng lực sản xuất đầy đủ đáp ứng các nhu cầu của châu Âu, và kế hoạch thu lợi nhuận từ hoạt động này mà không thể hiện quyền sở hữu tài sản trực tiếp của các công ty Nga; thứ ba, định hướng lại việc sản xuất các sản phẩm và thiết bị cho các quốc gia tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, nhưng không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga như Trung Quốc; cuối cùng, thiết lập kỹ lưỡng một chương trình nghị sự thay thế phù hợp với quá trình chuyển đổi năng lượng “xanh”, có thể thu hút các quốc gia, vốn vì một số lý do nhất định không muốn tham gia các xu hướng mới hoặc đang tụt hậu trong việc thực hiện, nhằm tăng cường hợp tác và tạo ra một “khối thiểu số” chính trị sẽ giúp Nga không hành động đơn độc tại các khu vực quốc tế.

Đặc biệt cần lưu ý tránh tụt hậu về mặt kỹ thuật trong một môi trường chính trị không thuận lợi. Trong bối cảnh có sự thay đổi dần dần của cơ cấu tiêu thụ các sản phẩm năng lượng, điều tối quan trọng là phải phân bổ đủ nguồn lực tài chính và chất xám để phát triển tiên tiến của công nghệ, điều sẽ cho phép Nga có được chỗ đứng trên các thị trường mới không chậm hơn các đối thủ./.

Quang Vinh (P/v TTXVN tại Moskva)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nga-dap-tra-the-nao-doi-voi-chien-luoc-nang-luong-moi-cua-eu/248512.html