Quân khu miền Tây của Nga hôm 11/1 cho biết các cuộc diễn tập bắn đạn thật sẽ diễn ra tại vùng Smolensk gần biên giới Belarus, cùng các vùng Voronezh, Belgorod và Bryansk tiếp giáp với Ukraine.
300 khí tài quân sự sẽ được sử dụng trong hoạt động, trong đó có các xe tăng T-72B3, xe chiến đấu bộ binh BMP-2 và những những loại pháo hạng nặng đã được huy động cho cuộc diễn tập này.
"Mỗi đơn vị sẽ hoàn thành các bài diễn tập bằng cách tham gia trận chiến huấn luyện có hoạt động bắn đạn thật, trong đó các xe bọc thép BMP-2 và xe tăng T-72B3 sẽ thể hiện kỹ năng tác chiến phối hợp, nhắm trúng những mục tiêu giả định ở khoảng cách tối đa 1.200 m", Quân khu miền Tây cho hay.
Thông báo về cuộc diễn tập được đưa ra một ngày sau khi Nga và Mỹ hội đàm về tình hình căng thẳng xung quanh Ukraine suốt nhiều tháng qua, nhưng không đạt bước đột phá nào.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định nước này "không có ý định tấn công Ukraine", nhưng cảnh báo Mỹ "không đánh giá thấp nguy cơ đối đầu".
Hiện Nga đang bài binh bố trận quanh Ukraine với quân số được cho rằng lên tới trên 100.000 quân cùng hàng ngàn phương tiện bọc thép.
Về phía Washington, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman phản đối những đề xuất an ninh "không có triển vọng thành công" của Moscow.
Bà Wendy Sherman cũng yêu cầu ngăn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp thành viên đối với Ukraine.
Bà còn cảnh báo Nga sẽ đối mặt hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2014, thời điểm Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, nếu tấn công Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov, phụ trách đoàn đàm phán của Nga cho rằng cần có những đột phá và nhượng bộ giữa hai bên.
Ông nói Moscow sẽ quyết định có tiếp tục đối thoại với Washington hay không sau cuộc họp với các quan chức NATO vào ngày 12/1.
Trong khi đó, đại diện Mỹ cho biết hai bên đã trao đổi thẳng thắn và sẵn sàng sớm gặp lại nhau để thảo luận chi tiết về các vấn đề song phương.
Bảy tiếng đàm phán vừa qua chưa thể giúp Mỹ và Nga khơi thông bế tắc, đặc biệt về tương lai NATO mở rộng hiện diện về phía đông, kết nạp Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov khẳng định sau cuộc họp tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 10/1 rằng yêu cầu bắt buộc là Ukraine "không bao giờ" được trở thành thành viên của NATO.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhắc lại rằng Washington không bao giờ có thể đưa ra cam kết như vậy bởi "chúng tôi không cho phép bất kỳ ai đóng sập cánh cửa của NATO". .
Thế bế tắc này đã khiến Ukraine, quốc gia không được mời tham gia cuộc đàm phán, rơi vào tình trạng không chắc chắn, khi cuộc gặp của quan chức Mỹ và Nga chưa thể đưa ra một cam kết liên quan tới động thái Moscow triển khai khoảng 100.000 quân ở biên giới phía tây.
Tuy nhiên, ông Ryabkov khẳng định Nga "không có ý định tấn công Ukraine". Hai bên cũng đưa ra một số đánh giá tích cực.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại sau cuộc họp, bà Sherman nói đã thấy một số lĩnh vực mà hai nước có thể đạt được tiến bộ. Ông Ryabkov mô tả cuộc đàm phán "rất chuyên nghiệp, sâu sắc và cụ thể".
Cuộc đàm phán tiếp tục vào ngày 12/1 tại Brussels, Bỉ, khi quan chức Nga gặp các đại diện của NATO. Một ngày sau, cuộc họp của Hội đồng An ninh và Hợp tác châu Âu sẽ được tổ chức tại Vienna, Áo, với sự tham gia của cả Nga, Mỹ và Ukraine.
Ông Ryabkov nói rằng kết quả của các cuộc thảo luận đó sẽ quyết định liệu Nga có sẵn sàng tham gia tiến trình ngoại giao hay không.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cảnh báo nếu phương Tây không đồng ý với yêu cầu NATO ngừng tăng hiện diện ở Đông Âu, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường, khiến an ninh của toàn bộ lục địa gặp nguy hiểm.
Thông điệp hòa giải lẫn đe dọa được Ryabkov đưa ra trong bối cảnh nhiều quan chức Mỹ vẫn rất lo ngại về nguy cơ Nga phát động một chiến dịch quân sự lớn vào Ukraine.
Nhưng lực lượng Nga ở biên giới Ukraine không gia tăng trong những tuần gần đây như nhiều quan chức tình báo Mỹ dự đoán vài tuần trước đó.
Điều này báo hiệu Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đưa ra quyết định cuối cùng, hoặc có thể đang xem xét một phương án khác.
Quan chức Mỹ cho biết họ đang chuẩn bị mọi kịch bản, từ một cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine, hay các xâm nhập quy mô nhỏ, hoặc đòn tấn công mạng làm tê liệt quốc gia này.
"Thứ trưởng Ryabkov cố gắng duy trì một lập trường linh hoạt để Tổng thống Putin có thể đưa ra nhiều lựa chọn", Kadri Liik, chuyên gia về Nga tại Hội đồng Đối ngoại ở Berlin, nói.
"Tổng Putin sẽ quyết định liệu có nên tiếp tục các cuộc đàm phán với những điều kiện mà Mỹ đưa ra hay không", ông Kadri Liik nói.
Tổng thống Putin ngày càng coi thái độ ủng hộ của phương Tây với Ukraine là mối đe dọa hiện hữu. Ông cho rằng quốc gia láng giềng từng thuộc Liên Xô này đang bị biến thành một mặt trận "chống Nga", mà phương Tây có thể sử dụng để tấn công hoặc làm suy yếu đất nước của ông.
Nhưng mục tiêu của Nga không chỉ giới hạn trên lãnh thổ Ukraine. Moscow đã đưa ra một loạt đề xuất an ninh với phương Tây vào tháng trước nhằm tìm cách giảm hiện diện quân sự của NATO xuống mức những năm 1990.
Nga cũng yêu cầu NATO đảm bảo không mở rộng liên minh về phía đông hoặc triển khai vũ khí, lực lượng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tuy nhiên phương Tây lại không đồng ý với điều này.
Việt Hùng