Nga dọa triển khai tên lửa hạt nhân ở phần lãnh thổ châu Âu
Nga cảnh báo triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở phần lãnh thổ tại châu Âu để phản ứng trước những đe dọa tương tự từ NATO.
Ngày 13/12, hãng tin RIA của Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga sẽ buộc phải hành động nếu phương Tây từ chối tham gia thỏa thuận về không phổ biến các lực lượng hạt nhân tầm trung tại châu Âu.
Ông Ryabkov cảnh báo vì thiếu các bước tiến trong giải pháp ngoại giao và chính trị nên Nga buộc phải phản ứng bằng hành động quân sự, với công nghệ quân sự.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh - Reuters
Tên lửa hạt nhân tầm trung (có tầm bắn 500-5.500km) đã bị cấm tại châu Âu sau hiệp ước năm 1987 giữa lãnh đạo Xô Viết khi đó là Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhằm giảm căng thẳng sau Chiến tranh Lạnh. Tới năm 1991, hai bên đã phá hủy 2.700 vũ khí loại này.
Năm 2019, Mỹ rút khỏi hiệp ước sau nhiều năm cáo buộc Nga vi phạm quy định qua việc phát triển tên lửa hành trình mà Nga gọi là 9M729 còn NATO gọi là “Screwdriver”.
Hồi tuần trước, ông Ryabkov so sánh căng thẳng hiện tại ở biên giới Nga - Ukraine với khủng hoảng tên lửa Cuba 1962, vốn đẩy Mỹ và Liên Xô tới bờ vực chuẩn bị chiến tranh hạt nhân.
Ông Ryabkov nhận định có những dấu hiệu gián tiếp cho thấy NATO đang tiến gần tới tái triển khai tên lửa tầm trung, bao gồm việc tái triển khai Bộ Tư lệnh Pháo binh 56 hồi tháng trước, đơn vị vận hành tên lửa hạt nhân Pershing thời Chiến tranh Lạnh.
Mặc dù NATO khẳng định sẽ không triển khai các loại tên lửa mới của Mỹ tại châu Âu và sẽ chỉ ngăn chặn các tên lửa mới của Nga bằng các vũ khí truyền thống. Tuy nhiên, ông Ryabkov bày tỏ Nga “hoàn toàn thiếu niềm tin” vào tổ chức này.
Thời gian gần đây, Chính quyền Moscow yêu cầu phương Tây đảm bảo không mở rộng quân sự sang phía Đông.
Trong khi đó, căng thẳng biên giới Nga - Ukraine tăng cao khi phương Tây và Kiev cáo buộc Nga tập trung lượng lớn quân đội gần biên giới, chuẩn bị tấn công tổng lực. Nga nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.