Nga gặp khó với ICBM mới, phải sử dụng tên lửa cũ

Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới nhưng đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng khi triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất.

Sự chậm trễ và thất bại trong thử nghiệm của ICBM RS-28 Sarmat buộc Nga phải dựa vào các tên lửa cũ, ít hiệu quả hơn trong bối cảnh các quốc gia khác như Mỹ và Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng hạt nhân.

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa R-36 đã tháo vũ khí. (Nguồn: Getty Images)

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa R-36 đã tháo vũ khí. (Nguồn: Getty Images)

RS-28 Sarmat, tên lửa kế nhiệm R-36 từ thời Liên Xô, gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng trong các thử nghiệm. Hình ảnh vệ tinh vào tháng 9/2024 cho thấy một vụ nổ lớn tại bệ phóng của Sarmat ở sân bay vũ trụ Plesetsk, được cho là kết quả của một thử nghiệm thất bại.

Các chuyên gia nhận định rằng Sarmat đã trải qua nhiều lần thử nghiệm bay bị hủy bỏ hoặc thất bại. Dù được thiết kế để thay thế R-36 – tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân mạnh nhất của Nga – Sarmat hiện vẫn chưa thể đưa vào hoạt động, buộc Nga phải kéo dài tuổi thọ của các tên lửa cũ.

R-36, được NATO gọi là "Satan", ra đời từ năm 1988 và dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2007. Tuy nhiên, hơn 15 năm sau, Nga vẫn phải tiếp tục duy trì các tên lửa này.

Theo Timothy Wright, chuyên gia công nghệ tên lửa, việc kéo dài thời gian sử dụng R-36 là giải pháp tạm thời không thể duy trì lâu dài do các linh kiện đã không còn được sản xuất. Ông cảnh báo rằng, nếu Nga cố phóng hàng loạt tên lửa R-36, "chỉ một số ít có thể rời khỏi bệ phóng thành công".

Nga có thể tháo rời các tên lửa không sử dụng để lấy linh kiện, nhưng nguồn cung này có hạn. Fabian Hoffmann, chuyên gia tại Dự án Hạt nhân Oslo, nhận định rằng không ai biết chính xác các tên lửa này còn có thể hoạt động được bao lâu.

Trung Quốc đang đưa vào hoạt động ICBM DF-41 mới, trong khi Mỹ nâng cấp kho tên lửa của mình thông qua chương trình Sentinel. Trong khi đó, các ICBM khác của Nga như RS-24 Yars có sức chứa nhỏ hơn, chỉ mang được 3 đầu đạn hạt nhân, không thể so sánh với khả năng mang 10-16 đầu đạn của Sarmat.

Mặc dù Nga hiện triển khai khoảng 1.674 đầu đạn hạt nhân, việc thiếu các tên lửa có tải trọng lớn như Sarmat làm suy giảm khả năng răn đe chiến lược.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nga-gap-kho-voi-icbm-moi-phai-su-dung-ten-lua-cu-169250120102224288.htm