Xe tăng T-62M được cho là sự bổ sung khẩn cấp cho lực lượng tăng thiết giáp Nga gồm chủ yếu là T-72B3 và T-80BVM đang chịu nhiều thiệt hại trên chiến trường Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine vừa tiết lộ thông tin Quân đội Nga đang bắt đầu huy động các phương tiện bọc thép thế hệ cũ ra khỏi kho nhằm bù đắp những tổn thất mà họ phải gánh chịu trong cuộc giao tranh ở Ukraine.
Tính đến sáng ngày 24/3, theo Bộ Quốc phòng Ukraine, Quân đội Nga và phe ly khai miền Đông đã mất 530 xe tăng và khoảng 1.600 đơn vị xe bọc thép khác. Nga không thừa nhận con số này.
Đây là những thiệt hại to lớn mà tổ hợp công nghiệp - quân sự của Nga không thể bù đắp được trong ngắn hạn mà có thể là trong trung hạn. Bởi vì các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến công việc của nhà sản xuất xe tăng duy nhất của Nga - Uralvagonzavod.
Trong tình huống này, Điện Kremlin thực sự không có nhiều lựa chọn, dẫn tới việc họ phải tái sử dụng những chiếc T-62M - sản phẩm bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ năm 1962.
Những chiếc xe tăng này được cho là đã bị loại biên để lấy sắt vụn vào năm 2013, nhưng rồi được giữ lại làm lực lượng dự bị động viên với con số lên tới 900 chiếc (thực tế thấp hơn, do T-62M liên tục được bàn giao cho Quân đội Syria).
Nhìn chung, Điện Kremlin đã thử nghiệm "động viên" T-62M vào năm 2018 trong cuộc diễn tập đặc biệt của đơn vị hậu cần. Tuy nhiên sau đó chỉ có không quá vài chục xe tăng lỗi thời được trang bị cho quân ly khai Donbass hoặc ở Syria.
Mặc dù vậy, nếu Điện Kremlin vẫn quyết định "gọi tái ngũ" T-62M thì điều đó là không thể trong thời gian ngắn. Thiết bị được cất giữ ngoài trời tại các căn cứ dự bị chỉ ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu "có điều kiện".
Trong thực tế, ít nhất, nó phải được đại tu hoàn toàn, công việc sẽ bao gồm thay thế đường ống dẫn nhiên liệu, kết nối thông tin liên lạc, hệ thống dây điện... và hơn thế nữa.
Và thậm chí sau tất cả những thao tác này, một chiếc xe tăng với khả năng tác chiến cực kỳ hạn chế vẫn khó lòng được chuyển giao ngay cho Quân đội Nga, bởi vì T-62M đã thực sự quá lỗi thời.
Những nhược điểm của xe tăng T-62M có thể kể ra bao gồm pháo 115 ly không nạp đạn tự động và hệ thống điều khiển hỏa lực gần như hoàn toàn thô sơ, liên lạc vô tuyến lạc hậu và không có khả năng chiến đấu vào ban đêm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Điện Kremlin vẫn có thể gây thêm một số rắc rối cho quân phòng thủ Ukraine, ngay cả chỉ với sự trợ giúp của T-62M lạc hậu.
Có thể những chiếc xe tăng này sẽ được sử dụng để tăng cường các trạm kiểm soát và hành động chống lại sự kháng cự. Một quyết định như vậy sẽ giải phóng nhiều thiết bị hiện đại hơn còn sót lại để chống lại quân đội chính quy của Ukraine.
Bạch Dương