Nga không bị ảnh hưởng khi Mỹ-EU cảnh báo rút khỏi đàm phán về Ukraine

Nhà ngoại giao Nga lưu ý mặc dù không nói rõ, nhưng Mỹ thể hiện họ không có ý định đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết bất đồng giữa Nga và Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại thành phố St. Petersburg, ngày 11/4/2025. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại thành phố St. Petersburg, ngày 11/4/2025. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)

Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna (Áo), ông Mikhail Ulyanov, tuyên bố việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ chối tiếp tục làm trung gian giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến lập trường của Moskva.

Nhà ngoại giao lưu ý mặc dù không nói rõ, nhưng Mỹ thể hiện họ không có ý định đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết bất đồng giữa Nga và Ukraine, đồng thời nhấn mạnh đối thoại nên do chính các bên liên quan tiến hành.

Ông Ulyanov cho rằng EU cũng bày tỏ quan điểm tương tự thông qua đại diện chính thức của mình. Ông cho rằng cả Washington và EU đều kỳ vọng những tuyên bố này có thể làm lung lay quan điểm của Nga.

Ngày 29/4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cảnh báo nước này sẽ từ bỏ vai trò trung gian nếu Nga và Ukraine không sớm đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm chấm dứt xung đột.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết tại cuộc gặp bên lề tang lễ của Giáo hoàng Francis tuần trước, ông đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Donald Trump về hệ thống phòng không và các lệnh trừng phạt Nga. Ông Zelensky đánh giá đây là cuộc gặp diễn ra tốt đẹp nhất giữa 2 nhà lãnh đạo này từ trước đến nay.

Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống, ông Zelensky tuyên bố ông và nhà lãnh đạo Mỹ nhất trí lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày giữa Kiev và Moskva là bước đi đúng đắn trước tiên hướng tới chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Tổng thống Zelensky cũng cho biết đã nêu vấn đề trừng phạt Nga và phản ứng của ông Trump về câu hỏi này "rất mạnh mẽ," song không nêu cụ thể.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh thỏa thuận khoáng sản quan trọng được Mỹ và Ukraine ký kết ngày 30/4 vừa qua sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế và quốc phòng giữa hai nước.

Lầu Năm Góc ngày 2/5 tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ trị giá 310 triệu USD về huấn luyện và hỗ trợ bảo trì máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.

Theo Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng (DSCA) Mỹ, thương vụ bao gồm nâng cấp và cải tiến máy bay, huấn luyện bay, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật; phụ tùng thay thế, sửa chữa, thiết bị mặt đất và các phần mềm chuyên dụng.

Lockheed Martin Aeronautics, BAE Systems và AAR Corporation là các nhà thầu chính của thỏa thuận.

Tuy nhiên, DSCA cho biết thương vụ không bao gồm máy bay bởi các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chứ không phải Mỹ, sẽ cung cấp các máy bay.

Trước đó, một thỏa thuận trị giá 266,4 triệu USD, đã được thông qua vào tháng 12/2024, dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden nhằm cung cấp thiết bị bảo trì quan trọng và dịch vụ liên quan đến F-16 cho Ukraine.

Một số thành viên NATO, trong đó có Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ, cùng cam kết cung cấp 79 chiếc F-16 cho Ukraine và dự kiến trong năm 2025 sẽ có thêm nhiều đợt bàn giao máy bay cho Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nga-khong-bi-anh-huong-khi-my-eu-canh-bao-rut-khoi-dam-phan-ve-ukraine-post1036421.vnp