Nga 'lạnh nhạt' với ý tưởng để Vatican thay Mỹ dẫn dắt hòa đàm với Ukraine

Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đang đặt hy vọng vào Vatican để đưa Nga và Ukraine vào các cuộc đàm phán hòa bình, sau khi Tổng thống Trump cho biết Giáo hoàng Leo XIV đang quan tâm đến ý tưởng này. Tuy nhiên, Điện Kremlin dường như không mấy mặn mà với đề xuất trên.

Nga không mặn mà với Vatican

Các quan chức Nga hiện không có kế hoạch để Tổng thống Putin đến Vatican hay bất kỳ địa điểm nào khác nhằm tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao với Ukraine. Thay vào đó, họ tập trung vào các vòng đàm phán kỹ thuật đã khởi động tại Istanbul từ tuần trước, Bloomberg dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết. Một trong số những nguồn tin này dự đoán, Moscow hy vọng các cuộc thương lượng sẽ được tiếp tục tại Istanbul.

Phát biểu trước báo giới ngày 19/5, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rằng “chưa có bất kỳ thỏa thuận nào” về việc tổ chức vòng đàm phán tiếp theo tại Vatican. Tuy nhiên, từ phía châu Âu, các quan chức cho biết hiện đang diễn ra những cuộc thảo luận tích cực về vai trò của Vatican như một nước chủ nhà tiềm năng hoặc trung gian hòa giải. Các cuộc gặp mặt có thể diễn ra sớm nhất vào tuần tới, song điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự đồng thuận và sẵn sàng tham gia từ phía Moscow, các nguồn tin giấu tên cho biết.

Ông Peskov. Ảnh: Reuters

Ông Peskov. Ảnh: Reuters

Ở chiều ngược lại, các quan chức Mỹ đang tích cực phối hợp với phía Ukraine nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán, đồng thời ngầm gửi thông điệp tới Nga rằng họ mong muốn hạn chế sự tham gia của các nhân vật theo đường lối cứng rắn, điển hình như trợ lý của ông Putin – ông Vladimir Medinsky, người đứng đầu phái đoàn Moscow tại Istanbul.

Động lực thúc đẩy sự tham gia của Giáo hoàng vào vai trò trung gian được tăng cường rõ rệt kể từ sau cuộc điện đàm kéo dài hai giờ giữa hai nhà lãnh đạo Trump-Putin vào đầu tuần này. Cuộc trò chuyện này không mang lại cam kết ngừng bắn từ phía Nga trong cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II. Ukraine và các đồng minh châu Âu từng kỳ vọng ông Trump sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nếu Nga tiếp tục leo thang xung đột. Trái lại, ông chủ Nhà Trắng lại kêu gọi Kiev và Moscow “ngay lập tức bắt đầu đàm phán” nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn, đồng thời tuyên bố Washington sẽ “lùi bước” nếu không có tiến triển trong quá trình đàm phán.

“Vatican, dưới sự đại diện trực tiếp của Giáo hoàng Leo, đã chính thức bày tỏ mong muốn mạnh mẽ được tổ chức các cuộc đàm phán", ông Donald Trump khẳng định trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social. “Hãy để quá trình này bắt đầu ngay từ bây giờ!”.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin được cho là sẽ không đến Italy – một quốc gia thành viên NATO, do lo ngại về các vấn đề an ninh. Hơn nữa, theo ông Sergei Markov, cố vấn chính trị thân cận với Điện Kremlin, Nga không xem Vatican là một thực thể trung lập trong cuộc xung đột hiện nay.

Khó khăn trước mắt

Tình hình được đánh giá là phức tạp bởi mối quan hệ căng thẳng và đầy tính lịch sử giữa Giáo hội Công giáo La Mã và Giáo hội Chính thống giáo Nga, do Thượng phụ Kirill đứng đầu – một người ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Nga và cuộc chiến ở Ukraine. Cuộc gặp lịch sử năm 2016 tại Cuba giữa Kirill và Giáo hoàng Francis được xem là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của hai đức tin lớn này đối thoại trực tiếp kể từ cuộc Đại ly giáo năm 1054, sự kiện đã chia rẽ sâu sắc Cơ đốc giáo phương Đông và phương Tây vì những khác biệt về thần học.

Theo các nguồn tin am hiểu, Giáo hội Chính thống Nga phản đối sự can dự của Vatican vào tiến trình đàm phán hòa bình, coi đây như một đối thủ truyền thống tại Ukraine – nơi mà chính quyền địa phương cũng không lên án việc đóng cửa các nhà thờ thân Moscow.

Italy là một trong những quốc gia ký kết Công ước Rome, cơ sở thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) – tổ chức đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 3/2023. Về mặt pháp lý, điều này đồng nghĩa với việc, ít nhất trên lý thuyết, Rome sẽ có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin ngay khi đặt chân đến thủ đô của Italy. Đây là một rào cản pháp lý mang tính biểu tượng và thực tiễn không thể xem nhẹ, đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt đối với khả năng nhà lãnh đạo Nga có thể xuất hiện ở Vatican để tham dự các vòng đàm phán hòa bình.

Thậm chí nếu tất cả những trở ngại đó được giải quyết, con đường dẫn đến một thỏa thuận hòa bình vẫn còn rất dài và đầy thách thức. Một kết quả khả thi cần phải dựa trên một cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp giữa ba nhà lãnh đạo: ông Trump, ông Putin và ông Zelensky. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ, đề xuất về một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy không hề được đề cập, phản ánh sự thận trọng hoặc những bất đồng tiềm ẩn trong việc định hình lộ trình đàm phán.

Giáo hoàng Peter xuất hiện trên ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter, tại Vatican ngày 8/5. Ảnh: Reuters

Giáo hoàng Peter xuất hiện trên ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter, tại Vatican ngày 8/5. Ảnh: Reuters

Quốc tế tăng cường ủng hộ vai trò trung gian của Vatican

Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Zelensky bày tỏ sự biết ơn tới Vatican vì "đã sẵn sàng làm nền tảng cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ukraine và Nga" trên nền tảng X, Giáo hoàng Leo XIV gặp mặt Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, thể hiện sự quan tâm và cam kết của Tòa Thánh vào tiến trình ngoại giao.

Không chỉ vậy, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng xác nhận trong cuộc điện đàm với tân Giáo hoàng rằng Vatican đã sẵn sàng chào đón vòng đàm phán tiếp theo giữa các bên tại Rome. Bà Meloni đang nỗ lực hết sức để làm cầu nối, thể hiện qua những cuộc điện đàm liên tục với ông Trump và nhiều nhà lãnh đạo quốc tế nhằm khởi động lại tiến trình đàm phán.

“Sự sẵn sàng mà Vatican và Đức Giáo hoàng đã thể hiện là vô cùng quý giá", bà Meloni nói với báo chí sau cuộc gặp với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, đồng thời nhấn mạnh rằng “rõ ràng có nhiều lựa chọn khác nhau trên bàn đàm phán cho phần đầu tiên của các cuộc thảo luận cấp kỹ thuật".

Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng ủng hộ sáng kiến hòa bình này, khẳng định với các phóng viên trong chuyến thăm Vilnius, Litva rằng “những nỗ lực phối hợp nhằm đưa Giáo hoàng vào các sáng kiến hòa bình là điều đã được chúng tôi cùng phát triển và chứng thực”. Ông Merz nhấn mạnh rằng “giải pháp cho xung đột phải bắt đầu từ một lệnh ngừng bắn thực chất", phản ánh sự đồng thuận quan trọng của các đồng minh phương Tây về bước đi đầu tiên trong tiến trình hòa bình.

Mặc dù vậy, theo ba nguồn tin thân cận với Điện Kremlin, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là địa điểm phù hợp nhất để tiếp tục đàm phán về bản ghi nhớ các điều kiện cho thỏa thuận hòa bình, dựa trên các trao đổi trước đó giữa ông Putin và ông Trump. Một quan chức châu Âu cảnh báo rằng việc Nga lựa chọn Thổ Nhĩ Kỳ cùng sự tái xuất hiện của các đại diện từ các vòng đàm phán thất bại năm 2022 cho thấy Moscow đang “quay trở lại điểm xuất phát", làm trì hoãn quá trình hòa bình. Tổng thống Zelensky cùng các đồng minh châu Âu chỉ trích Nga cố tình kéo dài thời gian đàm phán nhằm củng cố và mở rộng các chiến dịch quân sự.

Trong lịch sử ngoại giao quốc tế, Tòa Thánh Vatican nổi tiếng là một trung gian hòa giải hiệu quả, đã từng góp phần thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba năm 2014, cũng như giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Chile và Argentina vào năm 1978. Vatican cũng tích cực tham gia các nỗ lực hòa giải xung đột tại Trung Đông, đặc biệt giữa Israel và Palestine, khẳng định vị thế trung lập và có uy tín trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo phân tích của bà Ksenia Luchenko, một chuyên gia độc lập về các vấn đề tôn giáo, “để có thể coi Vatican như một diễn đàn đàm phán sẽ là một lựa chọn rất khó khăn đối với Kremlin".

Bà Luchenko lý giải: “Nếu đây thực sự là cơ hội duy nhất để Nga đạt được một thỏa thuận quan trọng với Mỹ , có thể ông Putin sẽ chấp nhận đến Vatican. Nhưng trước hết, ông ấy sẽ tìm mọi cách để đề xuất các giải pháp thay thế khác, nhằm tránh những ràng buộc chính trị và pháp lý mà Vatican có thể mang lại".

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Bloomberg, RT

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-lanh-nhat-voi-y-tuong-de-vatican-thay-my-dan-dat-hoa-dam-voi-ukraine-post1201671.vov