Thỏa thuận hòa bình hay phép thử chiến lược?

Cuộc điện đàm kéo dài hai giờ ngày 19/5 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã tạo ra một luồng dư luận sôi động về khả năng tái thiết quan hệ Nga - Mỹ và mở ra cơ hội chấm dứt cuộc chiến dai dẳng tại Ukraine.

Nhưng đằng sau những tín hiệu “nồng ấm”, giới quan sát vẫn nhìn thấy những rào cản sâu xa trong cấu trúc địa - chính trị và trong bản thân chiến lược đối ngoại của mỗi bên.

Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Cuộc điện đàm không chỉ đánh dấu lần tiếp xúc cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, mà còn là tín hiệu rõ nét nhất cho thấy Washington và Moscow đang dò tìm lại các kênh đối thoại sau hơn hai năm đối đầu toàn diện. Truyền thông Nga mô tả đây là “một cuộc trao đổi cởi mở và kéo dài bất thường”, trong khi giới chức Nhà Trắng tiết lộ rằng, trọng tâm cuộc thảo luận xoay quanh giải pháp chính trị cho xung đột Ukraine, an ninh năng lượng và tương lai của cơ chế đối thoại chiến lược toàn cầu.

Đáng chú ý là cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang chịu áp lực ngày càng lớn từ cả Quốc hội Mỹ và các đồng minh châu Âu về việc không nhân nhượng quá mức với Moscow. Trong khi đó, phía Nga xem đây là cơ hội chiến lược nhằm tìm kiếm sự công nhận vai trò cường quốc trên bàn cờ quốc tế và ít nhất là tạm thời phá vỡ thế cô lập địa chính trị.

Tiến sĩ Andrey Kortunov, thành viên Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC), cảnh báo, sự lạc quan cần được điều tiết một cách tỉnh táo. Bởi các yếu tố then chốt định hình quan hệ song phương vẫn chưa có sự thay đổi căn bản.

Trên thực tế, ông cho rằng, mọi thay đổi tích cực gần đây chủ yếu đến từ cá nhân Tổng thống Trump và một nhóm thân cận có thiện cảm tương đối với Moscow, chứ không đại diện cho đồng thuận chính trị rộng khắp ở Washington. Điều này đặc biệt đúng khi nhìn vào Quốc hội Mỹ, nơi nhiều nghị sĩ, cả Cộng hòa và Dân chủ, đang ủng hộ các gói cấm vận mới, trong đó có đề xuất gây tranh cãi về việc đánh thuế 500% lên dầu khí nhập khẩu từ các quốc gia mua của Nga. Những động thái này cho thấy xu hướng đối đầu vẫn là một phần cố hữu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, vượt lên trên ý chí cá nhân của bất kỳ tổng thống nào.

Khác với nhiệm kỳ đầu tiên, lần trở lại này của ông Donald Trump diễn ra trong bối cảnh quan hệ quốc tế đã thay đổi sâu sắc: trật tự đơn cực bị xói mòn, Trung Quốc vươn lên với thế đối trọng toàn cầu, còn chiến sự Ukraine trở thành điểm tập trung các mâu thuẫn cấu trúc giữa NATO và một nước Nga ngày càng quyết đoán.

Trong bối cảnh đó, ông Donald Trump xem việc đạt được “một thỏa thuận lịch sử” về Ukraine không chỉ là một bước đi chiến lược mà còn là một chiến thắng cá nhân mang tính biểu tượng. Song việc hiện thực hóa điều đó lại vấp phải ba tầng cản trở: sự cứng rắn của Quốc hội Mỹ, phản ứng dè dặt của Ukraine và sự lo ngại của các đồng minh NATO tại châu Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần khẳng định bất kỳ tiến trình hòa bình nào cũng phải dựa trên nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm cả Crimea và Donbass. Đây là điều Moscow khó chấp nhận, đặc biệt khi họ đã đầu tư lớn vào việc thiết lập thực thể hành chính - chính trị tại các khu vực này.

Cùng lúc đó, Berlin, Paris và Warsaw đều bày tỏ lo ngại rằng một “thỏa thuận Trump” thiếu sự tham vấn của châu Âu sẽ dẫn đến chia rẽ trong nội bộ NATO, nhất là khi những nhượng bộ với Nga có thể bị xem là tiền lệ nguy hiểm. Điều này đặt ra một nghịch lý: chính quyền Tổng thống Donald Trump cần nhanh chóng thể hiện kết quả, nhưng Nga lại không có lý do gì để chấp nhận các nhượng bộ vội vàng. Như chính Tiến sĩ Kortunov nhận xét, “Tổng thống Donald Trump không coi trọng đối tác yếu thế và Moscow hiểu điều đó rõ hơn ai hết”.

Dù Nhà Trắng tỏ thiện chí đối thoại, nhưng cấu trúc chính trị tại Washington vẫn mang tính “kềm tỏa”. Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết siết chặt cấm vận Nga chỉ một tuần trước cuộc điện đàm giữa hai vị Tổng thống. Đáng chú ý, một đề xuất áp thuế nhập khẩu 500% lên dầu mỏ và khí đốt từ các quốc gia mua từ Nga, dù chưa có tính bắt buộc, đã tạo hiệu ứng “răn đe mềm” với cả đối tác thứ ba.

Từ góc nhìn thể chế, các cơ chế kiểm soát chiến lược từng giữ vai trò “vành đai an toàn” giữa hai siêu cường - như Hiệp ước INF (2019), New START (2026 hết hiệu lực) hay Open Skies (2020) - nay đều đã bị đình chỉ hoặc bỏ ngỏ. Không chỉ mất đi “hành lang đỏ” ngăn leo thang xung đột, Moscow và Washington hiện thiếu hẳn một cơ sở pháp lý chung cho ổn định chiến lược. Do vậy, bất kỳ “thiện chí chính trị” nào, nếu chỉ dừng lại ở cấp thượng đỉnh, sẽ không đủ sức làm thay đổi xu thế căng thẳng tổng thể. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không thể tận dụng thời cơ.

Giới phân tích Nga cho rằng nếu Moscow thể hiện một cách tiếp cận khôn ngoan – chẳng hạn thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin như trao đổi tù binh, hỗ trợ hành lang nhân đạo hay đồng ý tham gia các nhóm tiếp xúc ba bên – thì điều đó có thể tạo ra “không gian chính trị” cho chính quyền Tổng thống Donald Trump đàm phán mà không bị xem là quá nhượng bộ. Ngược lại, nếu Nga thể hiện lập trường cứng rắn và bất hợp tác, điều đó sẽ nhanh chóng được khai thác bởi các nhóm chính trị đối lập tại Mỹ để gây sức ép lên Nhà Trắng.

Về dài hạn, một trong những khuyến nghị đáng chú ý nhất của Tiến sĩ Kortunov là cần khôi phục các kênh đối thoại ngoài kênh chính phủ: từ hợp tác viện nghiên cứu, diễn đàn doanh nghiệp cho tới chương trình trao đổi giáo dục, học giả và nghị viện địa phương. Đó là phần việc âm thầm nhưng thiết yếu, góp phần tạo dựng lại “hệ sinh thái quan hệ” đã bị phá vỡ sau năm 2022. Bởi nếu chỉ trông đợi vào đối thoại giữa Kremlin và Nhà Trắng, quan hệ Nga - Mỹ sẽ mãi bị chi phối bởi chu kỳ chính trị 4 năm một lần của Hoa Kỳ.

Trong một thế giới đang chuyển động theo hướng đa cực, sự bền vững của bất kỳ mối quan hệ chiến lược nào cũng đòi hỏi những nền móng sâu rộng và vượt lên trên tính toán ngắn hạn. Cuộc điện đàm hôm 19/5 chỉ là bước mở màn, chưa phải bước ngoặt, nhưng có thể là chất xúc tác cho một chương mới.

Tuy nhiên, để viết nên chương đó, cả hai bên đều phải trả giá bằng sự điều chỉnh chiến lược - không chỉ trong đối thoại song phương mà cả trong cách họ tái định nghĩa vai trò của mình trong trật tự quốc tế. Mọi hy vọng về một “thỏa thuận lớn” cần được đặt trong bối cảnh phức tạp của trật tự thế giới đa cực, nơi sự thực dụng phải song hành với nguyên tắc, và kỳ vọng cần luôn gắn liền với sự tỉnh táo.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/thoa-thuan-hoa-binh-hay-phep-thu-chien-luoc--i769353/