Nga lên tiếng sau khi ông Trump dọa áp thuế khủng với BRICS

Theo quan chức Điện Kremlin, nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) chỉ thảo luận về việc tạo ra các nền tảng đầu tư chung nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhóm.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Tại buổi họp báo hôm 31/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donal Trump về việc áp thuế lên các nước BRICS nếu họ tạo ra đồng tiền riêng, khẳng định rằng nhóm không có kế hoạch như vậy.

“BRICS không xem xét việc tạo ra một loại đồng tiền chung. Điều này không được thảo luận trong quá khứ cũng như hiện tại, không nằm trong chương trình nghị sự. Thay vào đó, BRICS tập trung vào việc thiết lập các nền tảng đầu tư chung mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư vào các nước thứ ba, cũng như các khoản đầu tư chung giữa các quốc gia thành viên” - ông Peskov cho hay.

Đồng thời, quan chức Điện Kremlin lưu ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến điều này trong một tuyên bố đưa ra gần đây.

Ông Peskov đưa ra phát ngôn trên khi đề cập những phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã cảnh báo sẽ áp thuế đối với các nước BRICS nếu họ tạo ra một loại đồng tiền chung thay thế đồng USD.

Trước đó, hôm 30/1, Tổng thống Trump một lần nữa cam kết sẽ áp dụng 100% thuế nhập khẩu đối với các quốc gia thành viên BRICS nếu họ tìm cách tạo ra một loại tiền tệ mới hoặc bất kỳ lựa chọn thay thế nào khác cho đồng USD trong thương mại quốc tế.

Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ áp thuế đối với các nước BRICS nếu họ tạo ra một loại đồng tiền chung thay thế đồng USD. Ảnh: Tass

Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ áp thuế đối với các nước BRICS nếu họ tạo ra một loại đồng tiền chung thay thế đồng USD. Ảnh: Tass

Thông qua tài khoản mạng xã hội Truth Social của mình, ông Trump tuyên bố: "Chúng ta sẽ yêu cầu những quốc gia có vẻ thù địch này cam kết rằng họ sẽ không tạo ra một loại tiền tệ BRICS mới, cũng không ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng đô la Mỹ hùng mạnh. BRISC sẽ không có bất kỳ cơ hội nào để thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế. Nếu các nước này không tuân thủ, họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 100% và có thể mất đi cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ”.

Tuyên bố của ông Trump phản ánh mối quan ngại của Mỹ về khả năng suy giảm vị thế của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Việc đe dọa áp thuế 100% có thể được xem như một nỗ lực nhằm duy trì sự thống trị của đồng USD trong thương mại quốc tế, đồng thời gửi thông điệp cảnh báo tới nhóm BRICS về những hệ quả tiềm tàng nếu họ tìm cách thách thức vị thế này.

Phản ứng trước tuyên bố này, các nước thành viên BRICS đã có những phản hồi khác nhau. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nhanh chóng khẳng định rằng nước này "chưa bao giờ ủng hộ việc phi USD hóa".

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết khối BRICS sẵn sàng đối thoại với ông Trump để làm rõ rằng mục đích của họ không phải là từ bỏ đồng USD, mà là rút ra bài học từ những chính sách sai lầm của Washington.

Những đồn đoán về một loại đồng tiền chung của BRICS đã nổi lên trong những năm gần đây. Vào năm 2023, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng về một “đồng tiền giao dịch” trong nhóm. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác trong BRICS như Nga, Trung Quốc và Nam Phi, đã phủ nhận việc thảo luận về động thái như vậy.

Các nhà lãnh đạo BRICS đã nhiều lần khẳng định rằng họ không quan tâm đến việc làm suy yếu USD và đồng tiền này bị suy yếu là do chính trị hóa.

Bên cạnh đó, BRICS đã không công bố kế hoạch tạo ra một đồng tiền chung tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất ở Kazan, Nga, vào tháng 10/2024. Thay vào đó, họ cam kết thiết lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới để hoạt động song song với mạng lưới SWIFT của phương Tây, đồng thời tăng cường sử dụng nội tệ trong thương mại quốc tế.

BRICS bao gồm các thành viên sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cùng với các nước mới gia nhập như Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Vào tháng 1 vừa qua, Indonesia đã chính thức gia nhập nhóm vào tháng 1 vừa qua.

BRICS đã thắt chặt quan hệ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây, chuyển sang sử dụng nội tệ trong giao dịch song phương và tăng cường hợp tác tài chính.

Một báo cáo được công bố vào tháng 10 bởi Ernst & Young Ấn Độ dự báo rằng các chính sách phối hợp của BRICS có thể dần làm giảm sự thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu và dự trữ ngoại hối, giảm sự phụ thuộc vào SWIFT và thách thức vị thế dẫn đầu về công nghệ của các nền kinh tế phương Tây.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-len-tieng-sau-khi-ong-trump-doa-ap-thue-khung-voi-brics.html