Nga liên tục phá kỷ lục về số lượng UAV tấn công Ukraine, Kiev căng mình đối phó

Trong năm qua, các nhà máy tại Nga đã tăng tốc sản xuất hàng loạt UAV, thực hiện các cuộc tấn công sử dụng máy bay không người lái với số lượng kỷ lục nhằm vào Ukraine gần như hàng ngày.

Nga tấn công UAV với số lượng kỷ lục

Theo giới chức Ukraine, cuộc tấn công hôm 9/7 được cho là lớn nhất từ trước đến nay. Vào rạng sáng cùng ngày, Nga phóng tổng cộng 728 UAV và đạn mồi nhằm vào các thành phố ở miền Tây Ukraine. Các cuộc không kích diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích Nga vì chần chừ trong các cuộc đàm phán hòa bình, nói rằng Mỹ đã “nghe quá nhiều điều sáo rỗng” từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng cuộc tấn công một lần nữa cho thấy Nga không có ý định chấm dứt xung đột.

Nga tấn công UAV và tên lửa vào Kiev. Ảnh: Reuters

Nga tấn công UAV và tên lửa vào Kiev. Ảnh: Reuters

“Vào thời điểm mà rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện để đạt được hòa bình và lệnh ngừng bắn thì chỉ có Nga là liên tục từ chối tất cả", ông Zelensky lên tiếng chỉ trích.

Các đợt không kích thường nhắm vào các mục tiêu quân sự của Ukraine nhằm buộc Kiev tiêu hao UAV đánh chặn. Ukraine cho biết lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ phần lớn UAV trong cuộc tấn công hôm 9/7 với thiệt hại được ghi nhận chủ yếu ở một số nhà kho tại miền Tây Ukraine.

Theo phân tích dữ liệu từ Ukraine của tổ chức Center for Information Resilience (CIR) có trụ sở tại Anh, kể từ đầu năm nay đã có hơn 24.000 UAV được Nga phóng vào các thị trấn và thành phố của Ukraine. Riêng cuộc tấn công hôm 9/7 có số lượng UAV nhiều hơn toàn bộ tháng 7 năm ngoái.

“Họ liên tục phá những kỷ lục mới", ông Yuriy Ihnat, Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine, cho biết.

Nhiều cuộc tấn công lớn nhất diễn ra giữa lúc căng thẳng Nga - Mỹ gia tăng. Cuộc tấn công với số lượng UAV kỷ lục cũng được ghi nhận sau cuộc điện đàm gần đây giữa ông Trump và ông Putin, trong đó Tổng thống Mỹ bày tỏ thất vọng vì phía Nga không sẵn lòng chấm dứt xung đột.

Moscow ngày 9/7 đã cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng trong phát biểu mới nhất của ông Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố rằng nhiều điều ông Putin nói ra là “vô nghĩa".

“Chúng tôi đón nhận điều đó một cách bình tĩnh. Chúng tôi vẫn kỳ vọng tiếp tục đối thoại với Washington và nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng", ông Peskov nói. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho rằng, ông Trump có “phong cách khá gay gắt trong cách diễn đạt".

Một số nhà quan sát cho rằng, yếu tố mở đường cho quy mô tấn công UAV chưa từng có hôm 9/7 là thỏa thuận mà Nga ký với Iran vào tháng 11/2022, theo đó cho phép Nga mua và sản xuất UAV Shahed của Iran ngay trên lãnh thổ của mình. Theo một báo cáo gần đây từ tổ chức C4ADS, Nga đã chi 1,75 tỷ USD để mua công nghệ, thiết bị, mã nguồn và 6.000 UAV Shahed từ Iran.

Vào thời điểm đó, Moscow đã tiêu hao phần lớn kho tên lửa tầm xa trong suốt năm 2022 và UAV Shahed, vốn hiệu quả và có giá rẻ, đã trở thành giải pháp thay thế giúp Nga tiếp tục duy trì các đợt tấn công trên không. Ước tính chi phí sản xuất một UAV Shahed tại Nga dao động từ 35.000 đến 60.000 USD.

Các nhà máy UAV tăng tốc sản xuất

Các mẫu UAV ban đầu được vận chuyển trực tiếp từ Iran, nhưng sau đó Nga đã mua công nghệ và dần nắm vững các khâu trong chuỗi sản xuất. Tại Tatarstan ở phía Đông Moscow, các cơ sở bên trong Khu kinh tế đặc biệt Alabuga đã được mở rộng để đáp ứng nhu cầu sản xuất UAV.

Mặc dù cơ sở này đã nhiều lần bị UAV của Ukraine tấn công nhưng Nga vẫn duy trì hoạt động sản xuất. Giới chức tình báo tại Kiev cho biết Nga đã chuyển giao một phần hoạt động này sang các nhà máy khác trên khắp đất nước nhằm phân tán rủi ro.

Đối với Nga, việc sản xuất UAV trong nước là cách để giảm sự phụ thuộc vào Iran - một quyết định được cho là mang tính chiến lược trong bối cảnh Israel vừa tiến hành các cuộc không kích vào Iran hồi tháng trước, khiến kho UAV của Tehran bị suy giảm nghiêm trọng do các đòn phản công nhằm vào đối thủ.

Không những thế, Nga còn cải tiến thiết kế UAV ban đầu của Iran, giúp chúng bay nhanh hơn và êm hơn. Điều này làm tăng khả năng cơ động và giúp gia tăng mức độ gây tổn thất cho đối phương.

Các quan chức Ukraine cho biết Nga hiện sản xuất hơn 5.000 UAV tầm xa và mồi nhử mỗi tháng với một số trong đó có thể nhằm vào mục tiêu ở khoảng cách lên tới 2.500 km. Khả năng sản xuất quy mô lớn như vậy đã giúp Moscow phủ kín bầu trời Ukraine bằng các UAV tấn công.

Trước mối đe dọa này, Ukraine đã huy động mọi lực lượng sẵn có như triển khai tiêm kích và trực thăng, sử dụng thiết bị gây nhiễu điện tử và các đội phòng không cơ động trên mặt đất, đồng thời sử dụng ngày càng nhiều UAV để đánh chặn UAV của Nga đang lao đến.

“Chúng tôi đang sử dụng tất cả nguồn lực mà mình có", Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Ihnat cho biết.

Cùng lúc đó, Nga cũng liên tục thay đổi chiến thuật nhằm gây tổn thất tối đa cho đối phương. Theo Kiev, mục tiêu của Nga là buộc Ukraine phải tiêu hao các tên lửa đánh chặn đắt tiền để bắn hạ các UAV mồi nhử - loại phương tiện được thiết kế giống UAV Shahed nhưng không mang đầu đạn. Nga đã triển khai hàng trăm mồi nhử này để đánh lạc hướng hệ thống phòng không Ukraine khỏi các mối đe dọa thực sự.

Tuy nhiên, lực lượng phòng không Ukraine đang dần cải thiện khả năng nhận diện các UAV mồi nhử nhờ quan sát những điểm khác biệt về âm thanh, hình dáng và quỹ đạo bay, ông Ihnat nói. Ukraine hiện đặt mục tiêu vô hiệu hóa các phương tiện mồi nhử này bằng tác chiến điện tử, chẳng hạn như can thiệp vào tần số vô tuyến điều khiển chúng.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Wall Street Journal

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/nga-lien-tuc-pha-ky-luc-ve-so-luong-uav-tan-cong-ukraine-kiev-cang-minh-doi-pho-post1214058.vov