Mới đây Mỹ xúc tiến thành lập một liên minh quân sự mới đó chính là AUKUS, thành viên ngoài Washington thì còn bao gồm hai đồng minh cốt lõi Anh và Australia.
Giới chuyên gia phân tích chính trị thế giới cho rằng tổ chức này ra đời chủ yếu nhằm kiềm chế Trung Quốc, tuy nhiên về lâu dài thì AUKUS có thể sẽ gián tiếp đe dọa tới Nga.
Cột mốc quan trọng trong việc tạo lập liên minh quân sự nói trên chính là thỏa thuận giữa Washington và Canberra về việc cung cấp công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân.
Phương tiện tác chiến này có một ưu điểm vượt trội, cực kỳ quan trọng khi so sánh với những tàu ngầm diesel-điện thông thường, kể cả khi chúng tích hợp sẵn động cơ AIP.
Lợi thế lớn nhất của tàu ngầm hạt nhân nằm ở chỗ chúng có tầm hoạt động không giới hạn, điều này cho thấy tham vọng của Hải quân Australia là vươn tới những vùng biển xa, bởi nếu chỉ phục vụ nhu cầu bảo vệ lãnh hải, Canberra đã chọn loại phi hạt nhân.
Nhận thức được vấn đề trên, Australia đã từ bỏ thương vụ đóng tàu ngầm thông thương ký với Pháp, tạo ra cuộc tranh cãi nảy lửa ngay trong hàng ngũ NATO giữa những quốc gia đồng minh chủ chốt.
Vấn đề đáng quan tâm tiếp theo chính là việc Mỹ cam kết hỗ trợ công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia có thể không đơn giản chỉ nhằm mục đích đối phó Trung Quốc.
Đối với Moskva, việc thành lập một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc có nghĩa là các bước đi của Nga trên lĩnh vực chính sách đối ngoại sẽ được Washington nhìn nhận theo quan điểm đối lập.
Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ làm ngơ trước hợp tác quân sự giữa Nga với một số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, coi đây là cách để tạo đối trọng với Trung Quốc.
Tuy nhiên sự hỗ trợ của Moskva trong việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc có thể trở thành cơ sở cho những lệnh trừng phạt mới được Washington nhắm vào cả hai bên.
Những dự đoán cho rằng AUKUS sẽ phát triển thành một tổ chức quân sự gần giống với NATO đang khiến Điện Kremlin thực sự lo ngại.
Khái niệm về liên minh quân sự mới bao gồm việc duy trì quyền kiểm soát các đại dương nhằm phục vụ lợi ích của Mỹ và các đồng minh.
Washington không có khả năng kiểm soát hành lang vận tải đường bộ Âu - Á, và họ không nên làm điều đó bởi trong tương lai gần, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa chính trên thế giới sẽ là đường biển.
Chính vì lý do này, trên phạm vi toàn bộ các đại dương thế giới, không phải riêng lục địa Á - Âu, sẽ trở thành chiến trường chính giữa Washington và Bắc Kinh.
Đối với Nga, với tư cách là một cường quốc quân sự trên đất liền, Moskva sẽ không bị đe dọa chừng nào họ vẫn tránh can thiệp vào cuộc đối đầu Trung - Mỹ.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích không loại trừ viễn cảnh trong vài thập kỷ nữa, tàu ngầm hạt nhân Australia có thể xuất hiện ngoài khơi đảo Sakhalin và bán đảo Kamchatka.
Chưa dừng lại đây, những chiến hạm này thậm chí còn băng qua eo biển Bering, hướng tới Bắc Băng Dương, tạo ra mối đe dọa tiềm tàng mới đối với Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga.
Trong diễn biến mới nhất, Nga đang dự định xây dựng thêm Hạm đội Bắc Cực, mục đích của Moskva là bảo vệ Tuyến đường biển phía Bắc, nhưng cũng có thể nhằm sẵn sàng đối phó với thách thức tương lai.
Bạch Dương