Nga My giúp người dân nâng cao thu nhập
Nga My từng là một trong những xã nghèo của huyện Phú Bình. Chính vì vậy, nâng cao thu nhập, giúp người dân thoát nghèo chính là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền xã chú trọng. Nhờ vậy, đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh trong những năm gần đây.
Trước đây, để kiếm kế sinh nhai, anh Tạ Văn Vóc (xóm Đại An, xã Nga My) phải đi làm thuê ở nhiều nơi nhưng thu nhập bấp bênh. Đến năm 2012, anh quyết tâm trở về địa phương mở xưởng gia công cơ khí để phát triển kinh tế gia đình. Anh Vóc cho biết: Kể từ khi bắt tay vào khởi nghiệp, tôi đã được chính quyền xã hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với số tiền 200 triệu đồng.
Từ số vốn này và khoản tiền tích lũy của bản thân, anh xây dựng được nhà xưởng, mua trang thiết bị, nguyên vật liệu. Ngoài ra, anh được cán bộ xã hướng dẫn thực hiện nhanh gọn thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại diện tích dựng nhà xưởng. Sau vài năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở ngày càng phát triển. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ bán các sản phẩm cơ khí đạt trên 3 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương.
Nhằm khuyến khích người dân đầu tư phát triển kinh tế, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã yêu cầu các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt vai trò cầu nối để giúp các hộ dân có nhu cầu được tiếp cận kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi. Tính đến nay, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 33,1 tỷ đồng với gần 760 hộ vay, dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT là 62,7 tỷ đồng với 427 hộ vay.
Ngoài vốn tín dụng, xã cũng thường xuyên kết nối, tạo điều kiện cho các hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo tham gia các chương trình hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã có 38 hộ dân được tham gia chương trình hỗ trợ bò cái sinh sản từ Quỹ bò nái Xuân Dịp và Quỹ Thiện Tâm. Hiện đã có 19 hộ dân đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bê con còn được chuyển giao cho nhiều hộ nghèo khác phát triển kinh tế. Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng hỗ trợ 10 hộ dân 10 con bò nái sinh sản.
Cùng với đó, xã cũng định hướng người dân tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, thế mạnh của địa phương, cụ thể là chăn nuôi lợn, bò, gà. Đồng thời khuyến khích hộ sản xuất, chăn nuôi chủ động đổi mới hình thức sản xuất, từ nhỏ lẻ sang tập trung, ưu tiên phát triển chuỗi liên kết. Điển hình vào năm 2022, trên địa bàn có Hợp tác xã Chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp được thành lập, với lĩnh vực hoạt động chính là chăn nuôi bò, lợn, gà.
Ông Dương Văn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: Được sự định hướng của chính quyền địa phương, tôi và nhiều hộ chăn nuôi khác đã liên kết thành lập hợp tác xã vào năm 2022 với 35 thành viên. Hiện, ngoài xuất bán thịt hơi, chúng tôi còn sản xuất 14 sản phẩm chế biến sâu để nâng cao nâng cao thu nhập, phát triển bền vững. Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã đã bán được 3 tấn sản phẩm các loại. Số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng nên Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với thu nhập 6-9 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, gần Cụm công nghiệp Kha Sơn, Khu công nghiệp Điềm Thụy và Yên Bình (TP. Phổ Yên), xã thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Xã yêu cầu Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu tìm kiếm việc làm của đoàn viên, hội viên. Từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin nhu cầu tuyển dụng của các công ty, nhà máy trong và ngoài địa bàn. Trung bình hằng năm, xã giới thiệu việc làm cho khoảng 200 lao động. Tính đến ngày 1-7, trên địa bàn xã có gần 3.700 lao động làm việc tại các công ty.
Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong phát triển kinh tế, những năm gần đây, đời sống của người dân xã Nga My đã được nâng lên rõ rệt. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 60,2 triệu đồng/năm, tăng gần 28 triệu đồng so với năm 2016. Số hộ nghèo giảm còn 107 hộ, chiếm 3,32% (giảm 1,57% so với năm 2022); hộ cận nghèo còn 136 hộ, chiếm 4,86% (giảm 0,53% so với năm 2022).
Ông Nguyễn Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thời gian tới, xã sẽ huy động các nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngoài ra, xã tiếp tục tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển đa dạng ngành nghề, điển hình là chế biến nông sản, cơ khí, sản xuất đồ mộc dân dụng. Đồng thời tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng, tạo việc làm cho lao động địa phương...