Nga-Mỹ 'hụt hơi' trong nỗ lực giải quyết căng thẳng Ukraine bằng giải pháp ngoại giao
Việc Mỹ và Nga không thể tìm được giải pháp ngoại giao để giải quyết căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine làm dấy lên lo ngại con đường ngoại giao liên quan đến 'điểm nóng' này đang đi vào bế tắc.
Các quan chức cấp cao Mỹ và Nga đã gặp gỡ tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10/1 nhưng không đạt được đột phá. Sau đó, Washington còn cảnh báo rằng Moskva có thể thực hiện chiến dịch “treo cờ giả”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thậm chí tuyên bố: “Chúng tôi nắm được thông tin cho thấy Nga đã bố trí một nhóm để thực hiện chiến dịch treo cờ giả ở Đông Ukraine”.
Đại sứ quán Nga tại Washington, D.C. đã bác bỏ cáo buộc của Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, khẳng định Moskva “phản đối chiến tranh” và “không hề có bằng chứng" từ cáo buộc của Washington. Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng lên tiếng bác bỏ cáo buộc của bà Jen Psaki.
Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thể hiện rõ ràng sẽ không loại trừ khả năng kết nạp thêm Ukraine, điều Nga không đồng tình.
Từ những diễn biến này, bà Melinda Haring tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) nhận định: “Lập trường của Nga và Mỹ là không thể hòa giải”.
Ông Dmitry Trenin-giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva bổ sung: “Việc thiếu một giải pháp ngoại giao hợp lý dẫn đến cuộc khủng hoảng này trầm trọng hơn với một giải pháp quân sự lại được coi là lối thoát”.
Bà Marie Dumoulin tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định: “Quyết định về việc liệu có tiếp tục duy trì đối thoại sẽ do Tổng thống Vladimir Putin quyết định và không ai biết được điều gì sẽ diễn ra”.
Cố vấn của Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) tại Pháp, ông Francois Heisbourg đánh giá một câu hỏi mở là liệu các cuộc đối thoại với Mỹ đơn giản chỉ là việc “câu thời gian” của Nga.
Theo bà Marie Dumoulin, Nga đang chơi trò “lúc nóng lúc lạnh” và giữ áp lực tối đa để đạt được thêm nhượng bộ từ phương Tây đối với cấu trúc an ninh châu Âu ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.