Nga My - Mái nhà bình yên của dân tộc ít người nhất Việt Nam

Sau 19 năm chuyển về vùng đất mới xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An), được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở, hỗ trợ các mô hình sinh kế, hỗ trợ về kiến thức…, cuộc sống của đồng bào Ơ Đu - dân tộc ít người nhất ở Việt Nam đã bước sang một trang mới.

 Người Ơ Đu ở bàn Văng Môn được hỗ trợ làm chuồng và bò giống để nuôi theo hình thức nuôi nhốt.

Người Ơ Đu ở bàn Văng Môn được hỗ trợ làm chuồng và bò giống để nuôi theo hình thức nuôi nhốt.

Cuộc thiên di lịch sử

Người Ơ Ðu từng sinh sống dọc hai bên bờ sông Nậm Nơn và Nậm Mô thuộc các xã Kim Đa, xã Kim Tiến, xã Xá Lượng. Năm 2006, người dân ở các xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Dương (Tương Dương) phải di dời để nhường đất xây dựng thủy điện Bản Vẽ vì toàn bộ khu vực này trở thành lòng hồ.

Hơn 70 hộ dân Ơ Đu sống ở các xã kể trên cũng được di chuyển đến bản Văng Môn, xã Nga My, cách nơi ở cũ khoảng 50 cây số. Đây là cuộc thiên di lịch sử, thay đổi hoàn toàn cuộc sống vốn chỉ quẩn quanh với núi rừng, phát rừng trồng rẫy, chăn nuôn gia súc thả rông, cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp của người Ơ Đu.

"Chuyển về xã Nga My là một môi trường hoàn toàn mới. Người dân Ơ Đu phải bắt đầu lại tất cả mọi thứ từ nơi ăn, chốn ở đến việc chăn nuôi, trồng trọt… Đây là giai đoạn rất khó khăn khi họ phải từng bước thích nghi", PCT UBND xã Nga Mỹ - bà Vi Thị Mùi chia sẻ.

Về nơi ở mới, từ phong tục, tập quán canh tác đến các mối quan hệ xã hội đều mới lạ. Dù được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền nhưng việc thay đổi toàn bộ nếp sống, từ nhà cửa, ruộng vườn đến cách thức mưu sinh là một thử thách không nhỏ và đòi hỏi sự kiên trì của lãnh đạo địa phương và cả sự nỗ lực từ người dân.

Chị Lo Thị Ét cũng được Nhà nước hỗ trợ làm chuồng và cấp 4 con bò giống sau khi về tái định cư tại bản Văng Môn

Chị Lo Thị Ét cũng được Nhà nước hỗ trợ làm chuồng và cấp 4 con bò giống sau khi về tái định cư tại bản Văng Môn

Trước những khó khăn ban đầu ấy, chính quyền xã Nga My, cùng với sự quan tâm của huyện Tương Dương và các cấp, các ngành, đã không ngừng nỗ lực để hỗ trợ người Ơ Đu ổn định cuộc sống. Sự quan tâm này không chỉ dừng lại ở những chính sách vĩ mô mà được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, "cầm tay chỉ việc", giúp bà con từng bước vượt qua thách thức và vững vàng trên mảnh đất mới.

Ngay sau khi di dời, một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền là đảm bảo nơi ăn, chốn ở ổn định cho người Ơ Đu. "Được hỗ trợ về nhà ở, đất ở, hỗ trợ các mô hình sinh kế, sản xuất kinh tế hộ gia đình, đó là những thuận lợi đầu tiên và rất quan trọng khi người Ơ Đu chuyển về bản Văn Môn", bà Mùi nói và cho biết, việc có nhà ở kiên cố, đất đai để canh tác là điều kiện tiên quyết giúp bà con an cư lạc nghiệp. Thế nhưng không chỉ là nhà ở, chính quyền còn đặc biệt chú trọng cải thiện hạ tầng giao thông.

Việc xây dựng cầu dân sinh, xây dựng tuyến đường vào khu sản xuất bản Văng Môn là những minh chứng cụ thể cho thấy sự quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội. Giao thông thuận lợi không chỉ giúp bà con ổn định sản xuất mà còn mở ra cơ hội giao thương hàng hóa.

Phát triển sinh kế bền vững

Đi đôi với việc ổn định nơi ở, chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ các mô hình sinh kế bền vững, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán của người Ơ Đu. Người dân Ơ Đu được hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng xây dựng các mô hình kinh tế như: mô hình nuôi bò nhốt, trồng cây keo, trồng ngô, trồng sắn… Những mô hình này được lựa chọn dựa trên tiềm năng của địa phương và khả năng thích ứng của bà con, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế.

Bà Lương Thị Ngọc (bìa phải) cùng cán bộ Hội phụ nữ đến thăm một hộ dân

Bà Lương Thị Ngọc (bìa phải) cùng cán bộ Hội phụ nữ đến thăm một hộ dân

Để những mô hình này thực sự hiệu quả, chính quyền đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho người dân Ơ Đu. Những lớp tập huấn này không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn hướng dẫn kỹ năng thực hành, giúp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Người dân đã từ bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, tự cấp tự túc để hướng tới sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập. Việc chuyển giao công nghệ và kỹ thuật mới chính là chìa khóa để phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế cũng được triển khai tích cực. Chẳng hạn, "dự án hỗ trợ cho bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi dân tộc Ơ Đu" không chỉ tập trung vào sức khỏe mà còn gián tiếp hỗ trợ sinh kế cho các gia đình thông qua việc giảm bớt gánh nặng y tế, giúp các bà mẹ có thêm thời gian và sức lực cho lao động sản xuất. Đây là sự đầu tư vào nguồn nhân lực tương lai, đảm bảo một thế hệ Ơ Đu khỏe mạnh và có tri thức.

Bên cạnh hỗ trợ vật chất và kinh tế, chính quyền xã Nga My đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào Ơ Đu. Việc "đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng và Nhà nước về các chế độ chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Ơ Đu" giúp bà con nắm bắt được quyền lợi của mình, từ đó chủ động hơn trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ và tham gia vào các hoạt động phát triển. Các buổi tuyên truyền thường được tổ chức một cách gần gũi, sử dụng ngôn ngữ và hình thức phù hợp với tập quán của người Ơ Đu để thông điệp dễ dàng đi vào lòng dân.

Phó Chủ tịch xã Nga My tự hào chia sẻ: "Người Ơ Đu sau khi về tái định cư luôn duy trì và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc như mô hình dệt thổ cẩm, tiếng nói người Ơ Đu, mô hình Câu lạc bộ Dân ca dân vũ dân tộc Ơ Đu, bản Văng Môn…".

Phụ nữ Ơ Đu trong lễ hội đón tiếng sấm - lễ hội lớn và linh thiêng của dân tộc Ơ Đu

Phụ nữ Ơ Đu trong lễ hội đón tiếng sấm - lễ hội lớn và linh thiêng của dân tộc Ơ Đu

Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ toàn diện và những việc làm cụ thể, thiết thực của chính quyền địa phương, hiện nay, đời sống của bà con nhân dân Ơ Đu tại xã Nga My đã dần ổn định. Giao thông thuận lợi, bà con nhân dân an tâm lao động, sản xuất, duy trì bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Ơ Đu.

Đây là thành quả đáng trân trọng của một quá trình dài nỗ lực, thể hiện cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có nguy cơ mai một.

Tuy nhiên, hành trình phát triển của người Ơ Đu không dừng lại ở đây. Để cuộc sống thực sự bền vững, chính quyền địa phương cần tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sinh kế hiệu quả, khuyến khích bà con tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Bà Lương Thị Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã Nga My, cho biết: Cuộc sống của người Ơ Đu đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm qua. Trong bản nhiều hộ dân có kinh tế khá giả. "Người dân Ơ Đu rất quan tâm hơn đến việc học hành của con trẻ. Hiện tỷ lệ đến trường của trẻ em người Ơ Đu đã đạt 100%. Có nhiều người Ơ Đu tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp và đang có công việc ổn định tại cơ quan Nhà nước như bác sĩ, công an, cán bộ xã…", bà Ngọc chia sẻ.

Nga My vẫn còn là xã khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo còn cao (44,88%). "Có những bản còn rất nhiều khó khăn như bản Na Ngân và Na Kho, đây là 2 bản xa xôi nhất ở Nga My. Bản Na Ngân cách trung tâm xã 25km, đường vào đây vẫn là đường đất. Giao thông cách trở, trình độ dân trí thấp nên cuộc sống của người dân nơi còn nhiều hạn chế", bà Vi Thị Mùi cho hay.

Trong khi đó, mặc dù là bản tái định cư nhưng bản Văng Môn với 103 hộ người Ơ Đu, 442 nhân khấu nằm bên cạnh tuyến đường nhựa liên huyện và gần trụ sở UBND xã nên điều kiện phát triển rất thuận lợi. Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng người Ơ Đu ở bản Văng Môn đang có những bước tiến mạnh mẽ. Nga My thật sự là mái nhà bình yên của dân tộc ít người nhất Việt Nam này.

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nga-my-mai-nha-binh-yen-cua-nguoi-o-du-20250522230911856.htm