Nga - Mỹ nhất trí thúc đẩy nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine

Tại cuộc hội đàm kéo dài hơn bốn tiếng ngày 18/2, phái đoàn Mỹ và Nga đã nhất trí về việc thúc đẩy các nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ngoài ra, Nga đã đưa ra một yêu cầu mới quan trọng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết, hai bên đã nhất trí chỉ định "các nhóm cấp cao tương ứng để bắt đầu vạch ra con đường chấm dứt xung đột Ukraine càng sớm càng tốt, theo cách bền vững, lâu dài và được tất cả các bên chấp nhận".

Trợ lý chính sách đối ngoại của tổng thống Nga Yury Ushakov gọi đây là “cuộc trò chuyện rất nghiêm túc về tất cả các câu hỏi mà chúng tôi muốn đề cập đến".

Các nhà lãnh đạo Ukraine và châu Âu lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ký một thỏa thuận vội vàng với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà bỏ qua lợi ích an ninh của họ.

Phái đoàn Nga - Mỹ gặp nhau tại Ả-rập Xê-út, ngày 18/2. (Ảnh: Reuters)

Phái đoàn Nga - Mỹ gặp nhau tại Ả-rập Xê-út, ngày 18/2. (Ảnh: Reuters)

Khi cuộc hội đàm ở Ả-rập Xê-út vẫn đang diễn ra, Nga đã đưa ra tín hiệu cứng rắn hơn về những yêu cầu của mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên tại Mátxcơva, rằng việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không kết nạp Ukraine là "chưa đủ". Bà cho biết, liên minh phải rút lại lời hứa đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008, rằng Kiev sẽ gia nhập NATO trong tương lai.

"Nếu không, vấn đề này sẽ tiếp tục đầu độc bầu không khí trên lục địa châu Âu", bà Zakharova nói. Ukraine, các thành viên NATO hoặc Mỹ chưa bình luận về yêu cầu của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố tư cách thành viên NATO là cách duy nhất để đảm bảo chủ quyền và độc lập của Kiev trước một quốc gia láng giềng có vũ khí hạt nhân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Bruce cho biết trong một tuyên bố: "Tổng thống Trump muốn chấm dứt đổ máu. Chúng tôi muốn hòa bình và đang sử dụng sức mạnh của mình để đưa các quốc gia lại gần nhau hơn. Ông Trump là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới có thể khiến Ukraine và Nga đồng ý về điều đó".

Bà Bruce cũng tiết lộ, hai bên đã đồng ý tham vấn để giải quyết "những vấn đề gây khó chịu" trong quan hệ song phương vốn đang nguội lạnh.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Ushakov cho biết, các điều kiện cho cuộc gặp của lãnh đạo Nga - Mỹ đã được thảo luận. Nhưng cuộc gặp chưa thể diễn ra vào tuần tới.

Các bên đều phải nhượng bộ

Cuộc đàm phán tại Ả-rập Xê-út đã cho thấy những nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc xung đột, chưa đầy một tháng sau khi ông Trump nhậm chức và sáu ngày sau khi ông điện đàm với Tổng thống Nga Putin.

Những người chỉ trích cho rằng nhóm của ông Trump, bằng cách loại trừ tư cách thành viên NATO của Ukraine và nói rằng mong muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất của Kiev là một ảo tưởng, đã đưa ra những nhượng bộ trước Nga. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết họ chỉ đơn giản là thừa nhận thực tế.

Ukraine khẳng định không thỏa thuận hòa bình nào có thể được thực hiện mà không có sự tham gia của Kiev. "Chúng tôi, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, đơn giản là sẽ không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có chúng tôi", ông Zelensky nói vào tuần trước.

Quang cảnh cuộc hội đàm. (Ảnh: Reuters)

Quang cảnh cuộc hội đàm. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu sau cuộc hội đàm ngày 18/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhận định: “Hôm nay là bước đầu tiên của một hành trình dài và khó khăn, nhưng là một hành trình quan trọng”.

Theo phái đoàn Mỹ, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào vấn đề lãnh thổ và đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Giữa những lo ngại ở Ukraine và các đồng minh châu Âu về nỗ lực do Mỹ dẫn đầu, Ngoại trưởng Rubio cho biết, mục tiêu là một thỏa thuận "có thể chấp nhận được đối với tất cả những bên liên quan, rõ ràng là bao gồm Ukraine, nhưng cũng bao gồm cả các đối tác của chúng tôi ở châu Âu, tất nhiên là cả phía Nga".

Bình luận về cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: “Tôi tin rằng các cuộc thảo luận rất hiệu quả. Chúng tôi thực sự lắng nghe nhau”.

Theo ông Lavrov, có lý do để tin rằng phía Mỹ "đã hiểu rõ hơn về lập trường của Nga", vì lập trường này đã được "trình bày chi tiết" bằng các ví dụ cụ thể lấy từ nhiều tuyên bố của Tổng thống Nga Putin.

"Tổng thống Putin nhiều lần nhấn mạnh việc mở rộng NATO và việc Ukraine gia nhập liên minh này gây ra mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích và chủ quyền của Nga", ông Lavrov nhắc lại và cho biết Nga họ coi bất kỳ sự hiện diện quân sự nào có liên quan đến NATO đều hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Minh Hạnh

Theo Reuters, RT

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nga-my-nhat-tri-thuc-day-no-luc-cham-dut-xung-dot-o-ukraine-post1718239.tpo